Triển khai bình ổn giá: Không nên dùng biện pháp hành chính

Thứ ba, ngày 09/11/2010 19:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Làm sao kiểm soát cung - cầu hàng hóa, kiềm chế tăng giá trong những tháng cuối năm” - là chủ đề chính và nóng nhất tại cuộc giao ban của Bộ Công Thương ngày 8-11.
Bình luận 0

"Bình ổn giá" chưa ổn định được giá...

Trong hai tháng 9 và 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước đã tăng rất mạnh, đều trên 1% so với tháng trước đó. Tỷ lệ này được cho là "cao và đột biến" trong bối cảnh các biện pháp bình ổn giá được triển khai thực hiện quyết liệt từ lâu.

 img
Sau lũ, giá rau quả ở chợ Sơn, thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh tăng 30-50%.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Chiến- Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: “Giá cả tăng mạnh không phải do thiếu hàng mà chủ yếu vì các doanh nghiệp tăng thu mua hàng xuất khẩu, mua hàng dự trữ bão lụt và ảnh hưởng của tỷ giá VND/USD”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng nhận định: “Giá cả tăng do cân đối cung-cầu chưa đồng đều ở các vùng miền và do tâm lý người dân”!

Một trong những giải pháp được cho là khá hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát thời gian qua là tại nhiều địa phương, ngân sách đã được trích để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá hoặc tổ chức các chương trình bán hàng khuyến mãi.

Bước đầu, biện pháp này đã có hiệu quả. Cụ thể như tại TP.HCM, nhiều tháng giá cả đã giảm và trong tháng 10, CPI của địa phương này chỉ tăng 0,45%, chưa bằng 50% mức tăng CPI chung của cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Trần Vinh Nhung- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thời gian qua đã xảy ra việc lợi dụng bình ổn giá để đầu cơ, găm hàng.

Ví dụ như với đường, hàng bình ổn của doanh nghiệp chỉ bán với mức giá 18.000 đồng/kg, ngoài thị trường tự do bán giá 22.000 đồng/kg, song do không quản lý tốt, người mua hàng bình ổn về bán lại với giá cao kiếm lời.

Phải kiểm soát tốt giá đầu vào

Theo ông Trần Vinh Nhung, cần kiểm soát được lợi nhuận của thương nhân bằng chính sách thuế. Lợi nhuận tăng thì thuế tăng. Muốn vậy, công cụ thuế phải thực sự “nhạy bén” và cần được hoàn thiện để quản lý giá tốt hơn.

Nhận định về tình hình Tết Tân Mão, ông Nguyễn Xuân Chiến cho rằng: “Tình hình thị trường từ nay đến cuối năm rất đáng lo ngại, do cuối năm nhu cầu hàng hóa tăng và chuẩn bị Tết Tân Mão. Việc thực hiện biện pháp đảm bảo cân đối cung - cầu là rất quan trọng”.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng, không nên thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả bằng các biện pháp hành chính, vì hiệu quả rất thấp. Ví dụ, chúng ta yêu cầu tiểu thương tại các chợ niêm yết giá bán.

Tại các chợ, người kinh doanh có thể niêm yết giá nhưng không khống chế được thực tế và vẫn tăng giá. Họ có hàng nghìn lý do như vàng, tỷ giá tăng, bão lụt… để tăng giá mà các cơ quan chức năng không thể làm gì được.

Còn theo ông Nhung, muốn kiểm soát giá phải kiểm soát tốt giá đầu vào (điều mà lâu nay chúng ta chưa làm được) và áp dụng công cụ thuế. Cụ thể như tại thị trường TP.HCM, giá rau- củ- quả tại 3 chợ đầu mối ổn định, hàng hóa đầy đủ nhưng các mặt hàng này vào chợ lẻ thì đã bị tăng giá.

Sở Công Thương đã yêu cầu ban quản lý các chợ kiểm soát giá, nhưng rất khó. Tiểu thương có thể niêm yết giá một đằng, nhưng bán một nẻo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem