Triển khai các mục tiêu phát triển Dân Tộc Thiểu Số: Lấy cộng đồng làm chủ thể!

Lê San Thứ năm, ngày 10/12/2015 10:56 AM (GMT+7)
Thúc đẩy tinh thần “tự lực tự cường” của cộng đồng, nâng cao vị thế cho cộng đồng và lấy nguyên tắc cộng đồng làm chủ là những thông điệp được đưa ra tại Diễn đàn triển khai các mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số (DTTS) tổ chức tại Hà Nội, ngày 9.12.
Bình luận 0

Cam kết thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Sơn Phước Hoan, đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (TNK) trên bình diện quốc gia, nhưng đối với các DTTS đang còn cách xa so với mặt bằng chung, chủ yếu là những chỉ tiêu liên quan đến xoá bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khoẻ bà mẹ; vệ sinh môi trường.

“Lâu nay, các chính sách vẫn được định hướng chung chung cho cả vùng dân tộc mà chưa có định lượng cụ thể. Nếu không nỗ lực vượt bậc, chúng ta sẽ không đạt được các mục tiêu TNK cho vùng DTTS, miền núi trong tương lai” - Thứ trưởng Sơn Phước Hoan nói.

img

Người dân thôn Làng Lao, xã Cát Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái) lấy cây dược liệu từ rừng về bán. Ảnh:  Lê San

Từ thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ – TTg ngày 10.9.2015 phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển TNK đối với đồng bào DTTS, gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Ông Danh Út – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: Quyết định  1557 đã thể chế hoá các mục tiêu phấn đấu, tạo cơ chế theo dõi, đánh giá và tăng hiệu quả phối hợp tốt hơn các nguồn lực thực hiện các chương trình, chiến lược hỗ trợ đồng bào DTTS. Quyết định này cũng là một cơ sở pháp lý để Hội đồng Dân tộc giám sát việc triển khai các chính sách đối với vùng DTTS trong thời gian tới.

Phát triển khởi nguồn từ cộng đồng

" Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương để huy động, tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển TNK, làm cơ sở hướng tới một số mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS sau năm 2015” .
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan 

Tại diễn đàn, anh K’la ở xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, Đăk Nông chia sẻ: Gia đình tôi thuộc hộ nghèo nên cũng nhận được nhiều hỗ trợ của Nhà nước, từ dụng cụ lao động, máy phát cỏ đến phân bón. Thường thì các dụng cụ chỉ dùng được 1 – 2 năm, phân bón cũng chỉ được một phần.

Nhưng từ khi tham gia vào nhóm nông dân hỗ trợ lẫn nhau do Oxfarm tài trợ tháng 2.2015, tôi thấy rất thích thú. Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 10 triệu đồng để làm quỹ chung, lần lượt quay vòng vốn cho các gia đình phát triển mô hình.

Nhóm hoạt động trên tinh thần tương trợ lẫn nhau. Chẳng hạn nếu đi thuê người làm công thì phải trả tiền rất cao, cho nên nhóm  đổi công cho nhau. Thay vì thuê công ngoài là 180.000 đồng/ngày/người thì hộ đó chỉ cần trả 100.000 đồng/ngày/người và số tiền này sẽ đóng vào quỹ. “Tham gia nhóm mình còn được tập huấn khoa học kỹ thuật, đấy là điều mình thấy còn thiếu nhất và mọi người cũng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với nhau” - anh K’la nói.

Theo bà Cait Moran – Đại sứ Ailen tại Việt Nam, chúng ta cần hành động để đảm bảo các nhu cầu của người DTTS được chính họ đề ra và được các nhà hoạch định chính sách thấu hiểu và đưa ra thảo luận. Sự thay đổi và điều chỉnh nói trên có thể giúp chúng ta cải thiện và tăng tính hiệu quả của các chương trình. 

Tiến sĩ Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc:

Các hỗ trợ về dạy nghề, sản xuất và tiếp cận thị trường cần được tăng cường. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những sự hỗ trợ đó sẽ phát huy hiệu quả lớn nếu lấy nguyên tắc thúc đẩy tinh thần tự lực tự cường của cộng đồng, nâng cao vị thế cho cộng đồng và lấy nguyên tắc cộng đồng làm chủ làm nền tảng thực hiện. 

Tiến sĩ Nguyễn Cao Thịnh - Chuyên gia nghiên cứu chính sách, UBDT:

Việc xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch phát triển vùng cần tối đa hoá các lợi thế và gắn chúng với các động lực và động cơ tăng trưởng. Thêm vào đó, các chính sách thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất tư nhân, gắn sản xuất của người DTTS với thị trường sẽ giúp mở rộng cơ hội việc làm tốt hơn cho người DTTS, từ đó tăng cơ hội cho họ đóng góp và hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của đất nước và các khu vực liên quan.

L.S (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem