TS Lê Đăng Doanh: Triết lý xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước đã lỗi thời

Quốc Hải Thứ năm, ngày 15/09/2022 17:34 PM (GMT+7)
Triết lý xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước bây giờ không còn đúng nữa vì bên cạnh những khó khăn khách quan, các nước còn tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại…
Bình luận 0
Triết lý xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước đã lỗi thời - Ảnh 1.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh: Quốc Hải

Đây là chia sẻ của TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, tại Hội thảo "Phân tích tình hình kinh tế  Việt Nam 2022- 2023 và tác động đến doanh nghiệp" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức, ngày 15/9, tại TP.HCM.

Lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng trên toàn cầu

Theo TS Lê Đăng Doanh, lạm phát đang tăng cao ở rất nhiều nước; mới nhất lạm phát Mỹ lên tới 7,9%, Đức 7,6%... làm giá hàng hóa tăng cao và sức mua giảm sút. Do đó xuất khẩu sang các nước này càng thêm khó khăn. Trong khi đó, trong hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp  Việt Nam đang "thoi thóp", đối mặt với nhiều khó khăn tài chính, nợ lòng vòng trong khi lãi suất cho vay tăng cao (15-16%/năm).

Mặt khác, các thủ tục hành chính còn phiền hà, chồng chéo, chi phí về thời gian và tiền bạc khiến cho doanh nghiệp giảm năng lực cạnh tranh; giải ngân gói cứu trợ chậm đến công nhân nhiều tỉnh…

Theo ông Doanh, đây là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp cần phải theo dõi để có thể kịp thời điều chỉnh và thích ứng.

"Triết lý xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước bây giờ không còn đúng nữa vì bên cạnh những khó khăn khách quan, các nước còn tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại. Điều này sẽ làm quá trình toàn cầu hóa chậm lại. Do vậy, một số mặt hàng quan trọng như vật tư y tế, thuốc trị bệnh… cần được chuẩn bị tốt ở mức tối thiểu", ông Doanh nhận định.

Triết lý xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước đã lỗi thời - Ảnh 2.

Theo TS Lê Đăng Doanh, Việt Nam chưa tận dụng hết các cơ hội mở ra... Ảnh: Quốc Hải

Ông Doanh kể, có lần một số sản phẩm trong lô hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ bị lỗi. Doanh nghiệp của chúng ta cũng khiếu kiện khiếu nại rất nhiều. Nhưng đến khi tùy viên thương mại của Mỹ chỉ ra lỗi là lô hàng đó đến từ nhà máy nào của Trung Quốc thì chúng ta đành phải "câm nín" vì họ biết chính xác vấn đề.

"Các doanh nghiệp thời buổi càng khó khăn càng cần phải nghiêm túc và chắt chiu cơ hội hơn", ông Doanh nói.

Đánh giá về tình hình thế giới 4 tháng cuối năm 2022, TS Doanh cho rằng, sẽ tiếp tục biến động chưa ổn định, các DN cần theo sát tình hình, liên hệ chặt chẽ các cơ quan nghiên cứu dự báo trước.

Cũng theo TS Doanh, kinh tế thế giới biến động, tăng trưởng thấp, quỹ tiền tệ quốc tế đã 5 lần điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, gần đây điều chỉnh xuống mức thấp nhất là 2,6%. Trong đó, ngân hàng Mỹ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của nước Mỹ, tác động đến toàn cầu.

"Việt Nam cần xem xét thận trọng và có sự điều chỉnh thích ứng bởi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đều được ký kết bán bằng đồng đô la Mỹ", ông Doanh khuyến cáo.

Triết lý xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước đã lỗi thời - Ảnh 3.

Theo ông Doanh, các doanh nghiệp thời buổi càng khó khăn càng cần phải nghiêm túc và chắt chiu cơ hội hơn... Ảnh: Quốc Hải

Trong khi đó, hiện Mỹ đánh thuế vào hàng Trung Quốc lên đến 270%, hàng hóa Trung Quốc không thể vào được thị trường Mỹ. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt, nhưng không vì thế mà đổ xô vào thị trường này mà không có kiểm soát chặt về chất lượng, tiêu chuẩn xuất xứ sản phẩm…

Việt Nam chưa tận dụng hết các cơ hội mở ra

Bên cạnh Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam khai thác tiềm năng với EU qua hiệp định thương mại tự do (FTA) vẫn còn thấp so với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Cụ thể, Việt Nam thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế để tránh phụ thuộc vào một đối tác, tham gia CPTPP và RCEP, ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với 59 nền kinh tế, EU (EVFTA), Anh và các nước khác, mở rộng quan hệ kinh tế và thị trường xuất - nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, TS Doanh cho rằng, Việt Nam chưa tận dụng hết các cơ hội mở ra.

"Ví dụ, các doanh nghiệp Hàn Quốc là những người hưởng lợi lớn nhất từ các FTA của Việt Nam. Một phần nguyên nhân là các địa phương đã ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài quá nhiều trong khi đáng lý ra phải tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc. Đây là việc cần có tâm huyết, nỗ lực, vốn và thời gian", nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói.

Triết lý xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước đã lỗi thời - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, hiện nay, kinh tế hộ gia đình chiếm tỷ trọng 32%, Việt Nam có 5 triệu hộ gia đình thành phố và 5 triệu hộ gia đình ở nông thôn. Trong khi Ngân hàng Thế giới dự báo, Việt Nam năm 2035 mới trở thành nước công nghiệp hóa, GDP nông nghiệp <10%.

"Nông nghiệp sẽ phải tiếp tục tăng trưởng ổn định 1,75%/năm là bệ đỡ an toàn cho nền kinh tế Việt Nam", TS Doanh phân tích.

Để làm điều đó, theo TS Doanh cần nỗ lực hơn nữa phát triển "doanh nghiệp dân tộc" thay vì quá ưu đãi đầu tư nước ngoài như đã diễn ra ở một số nơi. Sớm liên kết các hộ gia đình đó thành những doanh nghiệp mới có cơ hội tham gia vào thị trường xuất khẩu.

"Các cơ quan địa phương, hiệp hội cần hợp tác với nhau để giúp các DN này phát triển và các doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định rõ khả năng thị trường sức mua, nhu cầu, mặt hàng nào là cần thiết để đáp ứng phù hợp", ông Doanh đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem