Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nhà Tống được đánh giá là một trong những triều đại yếu kém nhất lịch sử Trung Quốc vì hầu như không đạt được bất cứ thành tựu quân sự nào so với các triều đại khác, dù đây là thời đại Trung Hoa phát triển thịnh vượng với nhiều phát minh quan trọng như thuốc súng.
Tạp chí National Interest của Mỹ năm 2015 từng đánh giá 3 triều đại hùng mạnh nhất lịch sử Trung Quốc bao gồm nhà Hán, nhà Đường và nhà Thanh. Điểm giống nhau giữa 3 triều đại này là đều không ngừng mở mang bờ cõi Trung Hoa, mỗi thời đại lại đạt được thành tựu quân sự nhất định
Đến thời Nhà Tống (960-1279), Trung Hoa một lần nữa phát triển không ngừng, đạt nhiều thành tựu khoa học-kỹ thuật, kinh tế. Số dân Trung Hoa năm 1120 đã tăng vọt lên tới 120 triệu người. Nhưng nhà Tống cho đến nay vẫn được các học giả đánh giá là một trong những triều đại yếu kém nhất lịch sử Trung Hoa.
Sau khi nhà Đường sụp đổ vào năm 907, Trung Hoa lại rơi vào tình trạng chia năm xẻ bảy. Trong vòng 53 năm, 5 vị vua lần lượt cố gắng lập ra các triều đại mới, tham vọng thống nhất Trung Nguyên.
Năm 960, Triệu Khuông Dận khi đó là thống lĩnh cấm quân của nhà Hậu Chu, làm phản để lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà Tống.
Tống Thái Tổ sau đó mở chiến dịch chinh phạt trung nguyên. Quá trình này kéo dài 16 năm và được hoàng đế thứ hai của nhà Tống là Tống Thái Tông hoàn tất vào năm 979.
Trên thực tế, một phần lãnh thổ Trung Hoa ở phương bắc bị nhà Liêu xâm chiếm, khiến nhà Tống không kiểm soát Vạn lý Trường thành và cũng không có những vùng thảo nguyên rộng lớn để nuôi ngựa, phát triển kỵ binh. Điều này sớm báo hiệu sự diệt vong của nhà Tống.
Dưới thời nhà Tống, kinh tế Trung Quốc phát triển rực rỡ chưa từng có, theo Britannica. Tống Thái Tổ chủ trương mậu dịch tự do, người dân được thoải mái sở hữu đất. Người dân từ đó khai hoang được diện tích lớn, quy mô ruộng đồng được mở rộng. Nhằm nâng cao năng suất canh tác, người dân chú trọng thủy lợi, cải tiến nông cụ, đổi giống cây trồng.
Khoáng sản chủ yếu thời Tống bao gồm vàng, bạc, đồng, sắt, chì, thiếc, than đá. Thời vua Tống Nhân Tông, nhà Tống sở hữu hơn hơn 270 mỏ khoáng sản kim loại, tăng hơn 100 mỏ so với thời nhà Đường. Nhà Tống mỗi năm khai thác hơn 15 nghìn lạng vàng, hơn 29 nghìn lạng bạc, hơn 5 triệu cân đồng, 7,24 triệu cân sắt, hơn 90 nghìn cân chì, hơn 33 vạn cân thiếc.
Trung tâm chính trị - kinh tế của triều Tống chuyển dịch theo hướng đông và hướng nam. Đó là những nơi có hệ thống đường sông phát triển, mạng lưới đường thủy dày đặc, tạo thành mạng lưới giao thông tự nhiên.
Trình độ kỹ thuật đóng thuyền thời Tống nhờ đó mà trở nên tiên tiến so với thế giới, giúp mở rộng giao thương với 58 nước.
Tống Thái Tông từng nhiều lần đem hàng chục vạn đại quân lên phương bắc đòi lại những vùng đất của Trung Hoa từng được nhà Hậu Tấn cấp cho nhà Liêu.
Trong 18 trận đánh với quân Liêu, nhà Tống thắng 9, nhưng không chiếm được bất cứ mảnh đất nào và đành ký hòa ước Thiền Uyên.
Hàng năm nhà Tống tặng cho Khiết Đan (nhà Liêu) 10 vạn lạng bạc, 20 vạn súc lụa. Biên giới hai nước không thay đổi, nghĩa là nhà Tống vẫn không thống nhất được Trung Hoa.
Các học giả Trung Quốc sau này cho rằng đây là chiến lược hợp lý, vì triều đại nhà Tống phồn vinh nên việc tặng đối thủ lương thực, vàng bạc hàng năm không hề ảnh hưởng đến quốc khố. Với góc nhìn của các sử gia nước ngoài ngày nay, chiến dịch quân sự Bắc phạt của nhà Tống đã hoàn toàn thất bại.
Đến thời Tống Nhân Tông (1022-1063), nhà Tống lại bị Tây Hạ của người Đảng Hạng uy hiếp từ phía tây bắc. Nhà Tống phải cống nộp nhiều của cải và bị mất nhiều phần lãnh thổ cho Liêu và Tây Hạ để đổi lấy hòa bình.
Nhà Tống quay sang tiến đánh xuống phía nam để giải tỏa sức ép. Những chiến dịch quân sự của nhà Tống ở Đại Việt thời Tiền Lê và sau này là thời nhà Lý đều kết thúc trong thất bại. Danh tướng Lý Thường Kiệt còn đem quân tiến đánh sang tận lãnh thổ nhà Tống.
Nói cách khác, nhà Tống dù giàu có phát triển, nhưng cứ hễ đem quân ra ngoài lãnh thổ là đều phải chuốc lấy thất bại cuối cùng. Lịch sử Trung Hoa hiếm có ghi nhận một triều đại nào yếu kém đến như vậy.
Theo Qulishi, nhà Tống có lý do khách quan khiến quân sự không mạnh, vì đó là thời của kỵ binh. Nhưng những quyết sách sai lầm của hoàng đế nhà Tống cũng góp phần không nhỏ khiến triều đại này mất nước chỉ sau hơn 100 năm.
Lý do thứ nhất là nhà Tống từ thời Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận đã có quan niệm trọng văn khinh võ. Nhà Tống xây dựng chính quyền quân sự trung ương, tập trung quyền lực vào tay hoàng đế.
Triều đình nhà Tống thiết lập xu mật viện để phụ trách quân vụ, xu mật viện do hoàng đế phụ trách trực tiếp, dưới trướng là các quan văn. Xu mật viện tuy có thể phát binh, song không thể trực tiếp thống quân, điều này dẫn đến phân ly quyền thống binh và quyền điều binh.
Thứ hai, chính sách dùng binh của nhà Tống quá tập trung vào việc kiểm soát cá nhân, không phát huy được toàn bộ sức mạnh của tướng lĩnh. Tướng không được chuyên binh, bị kiềm chế hành động; chủ tướng không biết bộ tướng có tài hay không, còn các tướng lĩnh thì không biết mạnh yếu của tam quân (Tiền quân, Trung quân và Hậu quân). Ngoài ra, kỷ luật quân đội bất minh khiến quân Tống thiếu huấn luyện nghiêm trọng.
Thứ ba, một trong những lý do nhà Tống “giàu nhưng không mạnh” là ở nạn thừa binh. Đội ngũ binh sĩ có số lượng đông đảo nhưng lại bị nghi thức hóa, chuyên dùng để phô trương, tập trung toàn lực bảo vệ triều đình, chứ không phải nhằm bảo vệ đất nước trước mối đe dọa từ ngoại bang.
Có thể nói, nếu xét trên phương diện quân sự, nhà Tống được coi là triều đại yếu kém nhất lịch sử Trung Hoa, khi không đạt được bất cứ chiến thắng quyết định nào với các thế lực ngoại bang, chỉ biết chống đỡ và cuối cùng sụp đổ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.