Triều Tiên: Đội bóng bí ẩn nhất hành tinh và những điều kỳ lạ

Thứ sáu, ngày 01/05/2020 19:10 PM (GMT+7)
Không có nhiều thông tin về bóng đá CHDCND Triều Tiên được cập nhật ra bên ngoài thế giới, và vì thế, họ luôn là một ẩn số ở bất cứ giải đấu nào...
Bình luận 0

img

Một đội bóng của Triều Tiên tập luyện...

CHDCND Triều Tiên là một trong những đội tuyển bóng đá bí ẩn nhất châu lục. Đối với nhiều người phương Tây, lần đầu họ biết tới quốc gia này kể từ khi chiến tranh hai miền Triều Tiên kết thúc. Đó là khi Bắc Triều Tiên tham gia thi đấu ở World Cup 1966. BTC chỉ phát quốc ca của các nước tham gia trận đấu đầu tiên và cuối cùng của giải nên không ai được nghe quốc ca của Triều Tiên.

Mọi hoạt động của đội tuyển quốc gia Triều Tiên luôn được giữ bí mật. Các cầu thủ cũng không được phép thực hiện phỏng vấn riêng với báo chí. Mọi tuyên bố, nguyện vọng của tuyển sẽ được thực hiện thông qua người phát ngôn đại diện. Việc tìm hiểu thông tin về những ngôi sao bóng đá hàng đầu của Triều Tiên cũng rất khó khăn.

Cuối 2017, hãng tin Bleacher Report từng thực hiện một phóng sự về nền bóng đá của Triều Tiên. Và đến nay, đó vẫn được xem là phóng sự chân thực, chi tiết và phản ánh được nhiều thông tin nhất về đội bóng mang tên "Chollima" (hay còn gọi Thiên Lý Mã).

img

...và trong giờ giải lao (chụp năm 2017). Ảnh: Bleacher Report.

Bài báo đề cập, nhà lãnh đạo Kim Il Sung mất năm 1994 khi đất nước đang chìm trong khủng hoảng. Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết vào năm 1991 đã làm mất đi nguồn viện trợ chính của Triều Tiên. Một loạt thiên tai diễn ra sau đó đã dẫn đến nạn đói làm hơn ba triệu người thiệt mạng. Kim Jong Il - con trai của Kim Il Sung - là người nối bước cha mình. Dưới trướng Kim Jong Il, họ nhận ra được giá trị và sức mạnh của thể thao. "Họ nhận ra thể thao là một lợi thế cạnh tranh mà mình đang sở hữu. Triều Tiên cần cho khán giả trong nước thấy rằng họ có sức mạnh và khả năng thành công. Thể thao là một cách để thực hiện điều này. Và họ xem xét nó rất nghiêm túc", Bleacher Report viết.

Rất nhiều nguồn lực đã được đầu tư vào các đội tuyển bóng đá nam và nữ trong nước. FIFA bắt đầu chú ý hơn tới Triều Tiên - tới mức cựu chủ tịch của FIFA là Sepp Blatter (chủ tịch thứ 8, nhiệm kỳ 1998 đến 2015) đã tới thăm đất nước này vào năm 2002. Jerome Champagne - người tư vấn cho Blatter và sắp xếp chuyến đi này cho biết: "Tôi cảm thấy như đang đi ngược lại thời gian, ngồi hai tiếng trên máy bay và quay lại 50 năm".

Champagne nhớ lại: "Ở đó có một số máy fax. Tôi từng gửi một cái fax, thi thoảng mới có hồi âm". Vào thời hiện đại hơn thì có một địa chỉ email, người ta gửi một vài bức thư trong vài năm vừa qua và không nhận được phản hồi nào hết. Ngay cả khi Triều Tiên tham gia World Cup 2010 ở Nam Phi, việc tới quốc gia này cũng là bất khả thi. Thay vào đó, muốn gặp cầu thủ của họ phải di chuyển tới Thụy Sĩ - nơi đội tuyển tập luyện.

img

img

Bức ảnh Kim Jong Un bắt tay các cầu thủ được treo trang trọng tại Trung tâm đào tạo bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng. Ảnh: James Montague/Bleacher Report.

Một trận đấu đáng nhớ tại World Cup 2006, giữa Triều Tiên và UAE được tổ chức ở Dubai. UAE bị loại và Triều Tiên đi vào vòng tiếp theo. Khi ấy, 2.000 CĐV Triều Tiên có mặt trên sân vận động Al Rashid. Phụ nữ mặc những chiếc váy nhiều màu sắc, mang theo những miếng gỗ dày hình chữ nhật, được buộc vào tay bằng những miếng vải màu cam giúp không bị đau tay khi cổ vũ. Đàn ông mặc những bộ đồng phục đi làm với huy hiệu in hình Kim Jong Il. Họ lấp đầy khán đài, tuy nhiên nam giới đứng riêng với phụ nữ. Họ cổ vũ nhiệt tình suốt trận đấu. Sau tiếng còi kết thúc, họ trở ra những chiếc xe đưa đón đợi sẵn.

Con trai Kim Jong Il - Chủ tịch Kim Jong Un - cũng thể hiện là "fan bự" bóng đá. Khi Kim Jong Un lên nắm quyền lãnh đạo, ông cũng không giấu giếm tham vọng đưa bóng đá nước này ra vươn tầm thế giới. Lãnh đạo Kim đầu tư mạnh vào thể thao, đặc biệt là bóng đá, vì nó mang lại danh tiếng trên toàn thế giới cho quốc gia và mang lại nguồn ngoại tệ lớn. Ông ra sức "tìm đường" để đưa những ngôi sao triển vọng của bóng đá Triều Tiên ra nước ngoài thi đấu.

img

Theo Bleacher Report, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ký thỏa thuận với trung tâm ISM (trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của Italia) thông qua sự giới thiệu của Antonio Razzi (thượng nghị sĩ người Italia). Hàng chục cầu thủ trẻ của bóng đá Triều Tiên đã được gửi tới đào tạo ở trung tâm này. Ngoài ra, những năm trước đây, đội tuyển Triều Tiên cũng mời gọi những cầu thủ gốc Triều Tiên nhưng sinh ra ở nước ngoài về phục vụ ĐTQG. Có thể kể đến Jong Tae Se - cầu thủ từng gây sốt với những giọt nước mắt ở World Cup 2010.

Ở một cửa hàng sách tiếng Anh duy nhất ở Pyongyang, nơi chứa những bản dịch của các bài phát biểu và những cuốn sách vinh danh gia tộc họ Kim, có một cuốn sách Kim Jong Un viết về thể thao tên "Chúng tay xây dựng thế hệ vàng của sức mạnh thể thao theo tinh thần cách mạng của Paektu".

img

HLV Jorn Andersen - người nước ngoài đầu tiên được trao quyền dẫn dắt Triều Tiên - cho hay, đội bóng này có tham vọng rất lớn về bóng đá. Họ không tiếc tiền của đầu tư vào môn thể thao vua. Nhiều sân tập hiện đại được ra đời để đáp ứng điều kiện tập luyện cầu thủ. Đội tuyển quốc gia cũng được ưu tiên hàng đầu. Thông thường, những cầu thủ chỉ tập trung lên tuyển trước trận giao hữu, vòng loại World Cup, Asian Cup... Phần lớn thời gian của họ thuộc quyền quản lý của CLB chủ quản. Nhưng tại Triều Tiên, cầu thủ chỉ trở về CLB vào cuối tuần. Thời gian còn lại, họ tập hai buổi/ngày với HLV Jorn Andersen, hệt như làm việc ở CLB.

Triều Tiên từng là đội bóng "có số có má", nhưng những thập kỷ gần đây không còn phát triển mạnh như trước. Khoảng 3 năm trở lại đây, bóng đá Triều Tiên sa sút, đặc biệt ở các giải trẻ.

Đồng Anh (IOne)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem