|
Sông Mã. Ảnh: Lê Hữu Thọ |
Trong sâu thẳm những ký ức, sông Mã quê tôi là bao nhiêu lần sặc nước khi tập bơi cùng lũ trẻ chăn trâu ở làng. Là những trận đòn quắn đít của mẹ khi tôi dám cả gan thi bơi vượt sông từ bờ Bắc sang bờ Nam mà phần thưởng chiến thắng chỉ một chiếc bánh đa vừng. Cả những trưa hè nước trong xanh lặn sâu xuống đáy xem cá bơi, tôm nhảy ra sao. Là những đêm trăng thanh gió mát theo các anh chị dân công lên đê nghe hát giao duyên... Tôi gọi sông Mã là "dòng sông tuổi thơ"!
Chị Hiền - cựu Xã đội trưởng xã Hoằng Long, người chỉ huy của "7 dũng sĩ làng Yên" cũng nhớ lại. Vào những ngày mùng 3 mùng 4 tháng 4-1965 không thể nào quên ấy, khi nhận lệnh "tiếp đạn cho bờ Nam đánh giặc", chị đã huy động thuyền câu, thuyền cát và tổ chức cho "7 dũng sĩ" trong trung đội dân quân của làng Yên chở đạn qua sông Mã. Lúc thì bơi tay, lúc thì bơi chèo len lỏi giữa những cột nước bom cao ngất để chuyển hàng trăm thuyền đạn qua sông cho bộ đội bờ Nam quần nhau với lũ giặc trời đế quốc Mỹ.
Chiến tranh ập đến, cầu Hàm Rồng trở thành một chảo lửa với hàng trăm tấn bom đạn giội xuống mỗi ngày. Nước sông Mã như muốn sôi lên. Từ dòng sông sôi sục bom đạn Mỹ, đã xuất hiện hai nữ dân quân nổi tiếng, như biểu tượng của Thanh Hoá anh hùng được cả nước ngưỡng mộ.
Đó là anh hùng Ngô Thị Tuyển và người con gái làng Yên dũng cảm Nguyễn Thị Hiền. Chị Tuyển là dân quân làng Nam Ngạn phía Nam cầu Hàm Rồng, còn chị Hiền là dân quân làng Yên Vực phía Bắc Hàm Rồng. Từ chiến công vang dội của các chị, tôi muốn gọi sông Mã là "dòng sông con gái".
Gặp nhau vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng, mùng 3, mùng 4 tháng 4 năm 1965 - mùng 3 mùng 4 tháng 4 năm 2010 vừa rồi, Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Thị Tuyển đã kể lại hai trong hàng trăm câu chuyện gắn bó với Hàm Rồng sông Mã.
Cả hai chuyện đều xảy ra vào cái ngày 26-5-1965 ác liệt nhất trong suốt gần chục năm chiến đấu bảo vệ cầu. Bữa ấy, mấy chục xe ô tô vận chuyển vũ khí cho miền Nam đang chờ thông cầu để lăn bánh. 8 giờ 30 sáng rồi mà lũ giặc trời vẫn điên cuồng bắn phá. Hải quân ta trên sông Mã đã bắn trả đến viên đạn cuối cùng.
Lệnh "tiếp đạn cho hải quân" được phát ra. Trong lúc cần kíp, 2 hòm đạn 98kg gắn chặt vào nhau, không còn thời gian để tháo gỡ, chị Tuyển xốc cả 2 hòm đạn kẹp díp lên vai băng băng chạy... 12 giờ trưa, trận chiến đấu lại tiếp diễn. Tàu hải quân phát tín hiệu vào bờ yêu cầu thay thế pháo thủ.
|
Cầu Hàm Rồng. Ảnh: Lê Hữu Thọ |
Chị Tuyển lao mình xuống sông Mã. Ba cột sóng của bom Mỹ hất ngược chị vào bờ. Không nhớ được bao nhiêu lần sặc nước chị mới ra tới tàu. 1 giờ chiều, pháo thủ Trần Đang bị thương nặng mà trận chiến vẫn diễn ra rất ác liệt. Vì không biết đánh mooc báo tin cấp cứu lên bờ, chị Tuyển đã bế thốc Trần Đang nặng hơn 70 cân, gồng mình trụ vững trên boong tàu, lấy chính bản thân mình thay mooc báo cho làng quê mình mang thuyền ra cấp cứu thương binh.
Sau đó ít ngày, các nhà báo xúm đến phỏng vấn chị, trong đó có mấy nhà báo quốc tế soi mói chị từ đầu đến chân ra cái vẻ hoài nghi "thấp bé nhẹ cân thế này làm sao đủ sức vác cả 2 hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình?". Để "xác nhận sự thật", chị xốc 2 hòm đạn (đã được gia cố cho dính chặt vào nhau) lên vai và chạy một mạch hai vòng quanh sân nhà giao tế Tỉnh uỷ Thanh Hoá, khiến mấy ông nhà báo quốc tế phải lè lưỡi mà tâm phục khẩu phục!
Minh Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.