Tung ra 2 cú dứt điểm chất lượng liên tiếp, ghi bàn thắng quyết định cho ĐT Việt Nam vào lưới kỳ phùng địch thủ Indonesia, tỏa sáng khi đội tập huấn ở Hàn Quốc, kiến tạo 2 bàn trong chiến thắng trước Lào... Quang Hải dần tìm lại phong độ đỉnh cao của mình trong màu áo ĐT Việt Nam như dưới thời HLV Park Hang-seo.
Xét về mặt chuyên môn đơn thuần, quãng thời gian xuất ngoại chơi ở Ligue 2 của Pháp không bổ sung gì nhiều cho Quang Hải, thậm chí còn làm cho khả năng kết nối ở trên sân, vốn là điểm mạnh của tiền vệ này trở nên thiếu nhạy bén hơn trước. Đã được thi đấu ít mà nhịp bóng ở các CLB ở châu Âu lại khác với ở CLB và ĐT Việt Nam, khi trở về Việt Nam, Quang Hải đã mất khá nhiều thời gian để hội nhập lại với nhịp chơi bóng trong nước.
Khi HLV Troussier nắm ĐT Việt Nam, ban đầu ông ưu tiên các cầu thủ trẻ, với ý định đào tạo từ đầu những kỹ năng và thói quen thi đấu phục vụ cho lối chơi kiểm soát, khi đó là lối chơi mới hoàn toàn cho ĐT Việt Nam. Có thể vị HLV này cho rằng việc xây dựng thói quen thi đấu cho cầu thủ trẻ dễ hơn, đỡ mất công hơn việc phá thói quen cũ, tạo thói quen mới cho các cầu thủ đã thành danh.
Trong bối cảnh đó, Quang Hải cùng một loạt danh thủ khác không được triệu tập vào ĐT Việt Nam. Nhưng sau vài thất bại của cả U23 và đội tuyển quốc gia, không chịu nổi sức ép, HLV Troussier dần phải gọi lại những tên tuổi của bóng đá Việt Nam, trong đó có Quang Hải.
Nhưng chúng ta hình dung, điểm tạo nên sự khác biệt của Quang Hải với các tiền vệ khác ở Việt Nam thời điểm đó, không tính quả sút phạt trực tiếp uy lực, là khả năng tung ra các đường chuyền chiến thuật với hướng đi của quả bóng gây bất ngờ cho hàng phòng ngự của đối phương, trực tiếp hoặc gián tiếp tạo nên tình huống uy hiếp khung thành đối phương. Nhưng trong thi đấu, tất cả các đường chuyền có thể tạo ra sự đột biến như vậy luôn có tỷ lệ thành công không cao, mà với tư duy kiểm soát kiểu của HLV Troussier, nó chưa chắc đã phù hợp. Có thể đó là lý do mà vị HLV này ít dùng Quang Hải và không khuyến khích cầu thủ này cùng đồng đội thường xuyên tổ chức những pha phối hợp có thể mang tính bất ngờ nhưng lại có nguy cơ mất bóng cao.
Đến thời HLV Kim Sang-sik, với lối chơi hướng tới kiểm soát nhưng đề cao tính thích nghi. Các tiền vệ, đôi khi cả trung vệ ĐT Việt Nam sau những pha phối hợp giữ bóng hay có các đường chuyền dài thọc vào nách giữa hậu vệ cánh và trung vệ, hoặc ra sau lưng trung vệ cho các tiền đạo lao vào nhận bóng. Chính lối tấn công này là kiểu đá để Quang Hải có thể phát huy các đường chuyền mang tính kiến tạo ở cự ly trung bình và ngắn của mình.
Mặc dù đã thể hiện được nhiều trong màu áo ĐTQG, nhưng công bằng mà nói, Quang Hải chưa hoàn toàn tìm được vai trò vốn có của mình trong màu áo đội tuyển như dưới thời HLV Park Hang-seo. Ví dụ như trong trận đấu với ĐT Indonesia, mặc dù anh là người đã ghi bàn thắng quyết định cho đội bóng, nhưng chúng ta chưa thấy nhiều các đường chuyền mang thương hiệu Quang Hải trong cả trận đấu. Chủ yếu các đường chuyền của anh trong trận này vẫn là các đường chuyền an toàn, chuyền ngang hoặc chuyền về, mang tính kiểm soát, giữ chắc, không để mất bóng.
Lý do cho điều này có thể do anh chưa hoàn toàn tự tin với cảm giác bóng của mình hoặc có thể các đối tác của anh, là các tiền đạo của đội tuyển ở trên sân trong trận này không giống với các đối tác như trong đội tuyển thời HLV Park Hang-seo. Ngoài ra, do đối phương phong tỏa quá tốt làm cho Quang Hải không tìm ra cơ hội để đưa ra các đường chuyền mang tính quyết định.
Nhưng dù sao, chúng ta đều nhận thấy sau quãng thời gian lắng xuống của sự nghiệp, Quang Hải đang dần tìm lại được chính mình. Bàn thắng vào lưới ĐT Indonesia chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho tinh thần thi đấu, sự tư tin của cầu thủ này. Hy vọng chúng ta sẽ sớm được chứng kiến lại những đường chuyền"cắt tiết", những cú sút phạt trứ danh của tiền vệ "quốc dân" này trong màu áo của ĐT Việt Nam ngay ở trận đấu với ĐT Philippines diễn ra vào 20h hôm nay (18/12).
Xem ASEAN Championship Mitsubishi Electric Cup 2024 trực tiếp và trọn vẹn trên FPT Play, tại: http://fptplay.vn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.