Trong 108 vị vua chúa ở Việt Nam, có 1 người 2 lần bước lên ngai vàng, đó là ai?

K.N Thứ hai, ngày 16/10/2023 22:16 PM (GMT+7)
Cuộc đời làm vua của Lê Thần Tông có nhiều điểm đặc biệt. Ông là vị vua duy nhất trong lịch sử 108 vị vua chúa ở Việt Nam dưới thời phong kiến đã lên ngôi hai lần. Và cũng chính điều này cho thấy trong hoàng tộc nhà Lê thời ấy có người bất ngờ... được làm vua.
Bình luận 0

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", vào ngày 12 tháng 5 năm Kỷ Mùi - 1619, vua Lê Kính Tông bị giết. Khi ấy Bình An vương Trịnh Tùng đã lập cháu ngoại của mình là Lê Duy Kỳ lên ngôi vua. Lúc đó, Lê Duy Kỳ mới 12 tuổi, đó là vua Lê Thần Tông.

Lê Duy Kỳ tên thật là Lê Duy Tân, sinh ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi - 1607. Cũng theo sách trên cho biết, Lê Duy Kỳ là người có tướng mạo đế vương, sống mũi cao, mặt rồng, thông minh, học rộng, có mưu lược, giỏi văn chương và là người hai lần được làm vua.

Lần đầu, Lê Duy Kỳ lên ngôi và trị vì từ năm 1619 đến năm 1643. Sau đó, con trưởng của vua là Lê Duy Hựu đã 13 tuổi, nhưng vì mong muốn được yên thân với chúa Trịnh, vua Lê Thần Tông đã phải truyền ngôi cho con là Lê Duy Hựu (vua Lê Chân Tông), còn mình làm Thái thượng hoàng. Năm 1649, Lê Chân Tông mất khi mới được 19 tuổi. Lúc này, chúa Trịnh Tráng liền đến đón Lê Thần Tông trở lại ngôi vua và Lê Thần Tông ở ngôi lần thứ hai đến năm 1662 mới qua đời, thọ 55 tuổi.

Trong 108 vị vua chúa ở Việt Nam, có 1 người 2 lần bước lên ngai vàng, đó là ai? - Ảnh 1.

Vua Lê Thần Tông. Ảnh: QD.

Sinh thời, Lê Thần Tông có lập Lê Duy Tào làm Thái tử. Tuy nhiên, các tác giả của sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng đã mất nhiều công tra cứu để biết Lê Duy Tào là ai, nhưng không được đành phải chịu. Và cho đến ngày nay vẫn chưa có sử gia nào giải thích rõ về cuộc đời và sự nghiệp của thái tử Lê Duy Tào.

Như vậy, đúng ra thì Lê Duy Tào phải là người lên nối ngôi vào năm 1662, nhưng rất tiếc ngôi vua lại bất ngờ về tay Lê Duy Vũ là con thứ của Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông, lúc này mới lên 8 tuổi. Lê Duy Vũ lên ngôi vào tháng 11 năm 1662, đó là Lê Huyền Tông.

Việc Lê Huyền Tông lên ngôi đã được sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép lại với nội dung như sau:

Năm 1662, vua nhiễm bệnh hiểm nghèo và đã xuống chiếu đổi niên hiệu là Vạn Khánh năm thứ nhất, rồi tiến hành đại xá thiên hạ. Vì không khỏi bệnh, nên vua có chỉ dụ cho Trịnh Tạc rằng:

- Trước đây, vì chưa có con nối dõi, cho nên mới lấy Duy Tào là người khác họ làm thái tử. Nay, vì lo việc về sau, trên sợ anh linh của tổ tông đang ở cõi trời, không dám khinh suất, đem ngôi lớn phó thác cho người khác họ. Vậy, hãy phế Duy Tào đi rồi cho hắn theo về với họ mẹ. Nay, con đích (thực ra là con thứ, nhưng vì anh là Lê Duy Hựu tức vua Lê Chân Tông đã mất nên con thứ được coi là con đích) là Lê Duy Vũ đã lên 9 tuổi, đã bắt đầu trưởng thành, nhờ Vương (tức Trịnh Tạc) giúp đỡ nên người để nối nghiệp lớn, giữ yên lòng thần dân trăm họ.

Tây Vương Trịnh Lạc thấy việc này rất hệ trọng, bèn sai các quan văn võ vào thềm son để đợi mệnh, đồng thời giao cho bọn Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Thiếu bảo, tước Yên Quận công là Phạm Công Trứ, cùng các quan Hữu Đô đốc kiêm Thái giám, tước Bái Quận công là Lê Viết Đăng, Hằng Quận công là Lê Đăng Tiến, vào chỗ vua nằm để đợi cố mệnh. Nhà vua khẩn khoản hiểu dụ đến hai ba lần và nội dung cũng y như lời dụ trước đó (với Thượng sư Tây Vương Trịnh Tạc). Phạm Công Trứ đem lời vua trình lại cho Vương hay. Vương và các quan tôn lập hoàng tử Lê Duy Vũ làm Thái tử, phế Duy Tào làm thứ nhân, cho theo về với họ mẹ.

Cũng sách trên cho biết, ngày 22 tháng 9 năm 1662, vua Lê Thần Tông mất, thái tử Lê Duy Vũ được Trịnh Tạc và triều thần đưa lên nối ngôi vào tháng 11 năm 1662 và lấy năm sau - 1663 làm năm Cảnh Trị thứ nhất.

Lời bàn:

Cuộc đời làm vua của Lê Thần Tông có nhiều điểm đặc biệt. Ông là vị vua duy nhất trong lịch sử 108 vị vua chúa ở Việt Nam dưới thời phong kiến đã lên ngôi hai lần. Và cũng chính điều này cho thấy trong hoàng tộc nhà Lê thời ấy có người bất ngờ... được làm vua. Nhưng suy cho cùng thì ngôi vua ngày ấy chẳng qua là đồ trang sức của phủ chúa mà thôi, nếu ai hợp ý chúa thì người đó sẽ được làm vua. Vào thời ấy, có người cho rằng Lê Thần Tông cũng từng có ý định đoạt lại quyền hành cho họ Lê, nhưng vì Trịnh Tùng là ông ngoại của ông, còn Trịnh Tráng vừa là cậu lại vừa là cha vợ, vì mối quan hệ đặc biệt đó mà ông không muốn đoạt lại quyền bính nữa.

Xem ra lời nhận xét trên đây hoàn toàn không xác đáng. Bởi lẽ, trong lịch sử phong kiến có ai một khi đã ngồi trên ngai vàng mà còn phải chịu sự điều khiển của kẻ dưới quyền và như thế thì còn gì là làm vua. Thế mới biết các chúa Trịnh thuở xưa cũng có tài, nhất là tài tôn lập hoặc thí vua, tài tạo ra những màn kịch bi hài cho cung đình. Vì vậy trăm quan thời ấy chẳng qua chỉ cốt là để thêm đông người biết ngoan ngoãn nghe lời chúa Trịnh mà thôi. Vâng, người xưa lưu lại giai thoại này không phải để mua vui cho hậu thế, mà là để cảnh báo cho đời sau hiểu rằng dù ở đâu và bất cứ lúc nào cũng phải biết kẻ trên, người dưới, tức là phải biết mình là ai và quan trọng hơn nữa là phải biết mẫn cán với công việc, trung thực với đồng liêu, yêu thương cấp dưới thì mới được bền lâu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem