Trồng 6ha hoa lan Dendro, mỗi năm lãi ròng 3,6 tỷ đồng

Hồng Nga Thứ sáu, ngày 30/03/2018 19:30 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Tấn Phước Vinh, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã mạnh dạn đầu tư vốn lớn để xây dựng vườn hoa lan Dendro lên tới 6ha áp dụng công nghệ cao. Từ vườn lan này, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông Vinh lãi ròng 3,6 tỷ đồng.
Bình luận 0

Trang trại trồng lan Mai Quốc ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng là đơn vị đầu tiên tại huyện đã mạnh dạn đưa giống lan Dendro về trồng với diện tích lớn lên tới 6 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chia sẻ về việc chọn giống lan Dendro để trồng, ông Nguyễn Tấn Phước Vinh, chủ trang trại trồng lan Mai Quốc cho biết, ở Việt Nam hiện nay ít người trồng loại lan này, vì nó khó trồng hơn so với lan Mokara...

img

Ông Nguyễn Tấn Phước Vinh đang chăm sóc vườn lan công nghệ cao của gia đình. Ảnh: HỒNG NGA

Khác với những loại lan trồng dưới đất hoặc trồng bằng xơ dừa, vườn lan của ông Vinh chủ yếu trồng bằng than và trồng trên giàn, do vậy phải đầu tư khá kỹ để xây dựng hệ thống vỉ đựng, chậu, mái che và cả hệ thống tưới nước tự động. Trang trại của gia đình ông cung cấp cả hoa và chậu lan trưởng thành cho các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh. Mỗi năm, trang trại lan mang lại cho gia đình ông số tiền lãi khoảng 3,6 tỷ đồng.

Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác ở huyện Dầu Tiếng là nhà màng trồng dưa lưới của chị Nguyễn Như Ngọc. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, chất lượng cao trên thị trường đang rất lớn, chị Nguyễn Như Ngọc ở ấp Đất Đỏ, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã đầu tư trên 1,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng trồng dưa lưới Đài Loan trên diện tích 4.480m2. Chị Ngọc cho biết, khác với phương pháp canh tác truyền thống, trồng dưa lưới trong nhà màng có thể hạn chế được sâu bệnh xâm nhập, giúp cây phát triển tốt, cho năng suất cao.

Với mô hình này, chị có thể trồng được 2 - 3 vụ mỗi năm mà không phụ thuộc vào tác động của môi trường và biến đổi thời tiết... Sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, mỗi năm 1 nhà màng chị Ngọc có lãi 30 - 35 triệu đồng/vụ. Đây là mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao đầu tiên của huyện Dầu Tiếng.

Tuy vậy, theo ghi nhận, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là chi phí đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định 68 nhằm tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, nhưng trên thực tế người dân vẫn rất khó để tiếp cận được nguồn vốn này…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem