Trồng cây “đặc chủng” mùa lũ, hái bông vàng rực lúc nửa đêm, làm chơi chơi cũng dư ăn
Trồng cây “đặc chủng” mùa lũ, hái bông vàng rực lúc nửa đêm, làm chơi chơi cũng dư ăn
Trần Cửu Long
Thứ hai, ngày 15/06/2020 13:13 PM (GMT+7)
Hiện nay, bông điên điển không còn là hình ảnh riêng có của mùa nước nổi. Bất cứ mùa nào, cây điên điển cũng có thể xuất hiện, nở hoa vàng rực nhờ được người dân trồng để tăng thu nhập cho gia đình.
Năm 2019, anh Nguyễn Văn Hoài Thanh (xã Vĩnh Châu A, Tân Hưng, Long An) thuê 1.500m2 đất để lên liếp và mua giống điên điển lai về trồng lấy bông. Hiện, mô hình này đã mang lại cho anh nguồn thu nhập khá ổn định, khoảng 12 - 15 triệu đồng mỗi tháng.
Trung bình mỗi ngày anh hái được từ 10 - 12 kg bông điên điển. Với giá bán 40.000 đồng/kg, trừ chi phí vận chuyển, mỗi ngày anh Thanh thu lợi nhuận hơn 400.000 đồng.
Theo anh Thanh, để cây điên điển phát triển tốt và cho bông nhiều, chỉ trồng duy nhất một hàng cây điên điển trên mặt líp rộng 6 mét; líp cách líp là 0,6 mét và khoảng cách giữa các cây với nhau là 2 mét.
"Cây điên điển rất ít sâu bệnh và nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư lại thấp. Tuy nhiên, cái khó của việc trồng cây điển điển là tổ chức hái bông thế nào mà sáng sớm phải có hàng giao thương lái. Vì thế, phải đi hái vào thời điểm có lúc nửa đêm và kéo dài gần đến sáng mới kịp giao hàng", anh Thanh chia sẻ.
Ông Ngô Quốc Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu A cho biết, nhờ trồng cây điên điên lấy bông đã giúp gia đình Thanh có được nguồn thu nhập ổn định và đã thoát nghèo bền vững.
Tại khu phố 3 (phường 2, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang), anh Lê Văn Tài cũng đã chuyển gần 2.000m2 đất nằm vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 400 bụi điên điển.
Theo anh Tài, trồng điên điển cho lợi nhuận gấp ba, bốn lần trồng lúa, trong khi chi phí đầu tư khá thấp.
"Lúc đầu tôi chỉ nghĩ trồng chơi, hái được bao nhiêu thì bán đổi tiền chợ. Sau thấy được giá nên có chỗ nào đất trống là tôi trồng điên điển hết. Loại này nếu có đầu ra ổn định, nông dân có thể phát triển. Hiện tại, tôi chỉ bán qua bạn hàng, nhưng có bao nhiêu đều được mua hết", anh Tài thổ lộ.
Nhiều người trồng điên điển cho biết, bông điên điển phải được hái vào lúc ban đêm, khoảng 1 - 2 giờ sáng. Bởi lúc này, lá điên điển "ngủ" nên khép lại, trong khi bông lại bung ra nên rất dễ hái.
Với gần 400 bụi điên điển, mỗi ngày anh Tài hái được 8 – 12 kg. Với giá bán koảng 40.000kg, trừ chi phí, anh Tài thu nhập được khoảng 300.000 đồng/ngày.
Điên điển anh Tài trồng là giống Đài Loan mua lại từ các hộ trồng lâu năm ở xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang). Cây vốn ưa đất cạn, ẩm và sinh trưởng rất khỏe, không tốn công chăm sóc. Bông được hái mỗi ngày nên cây ít phát sinh sâu bệnh. Thời điểm cho bông thu hoạch, cây trổ nụ chi chít từ cành đến ngọn.
Đặc trưng bông điên điển Đài Loan có màu vàng tươi rất đẹp, mùi thơm, có vị ngọt, chứ không nhẫn như giống điên điển Thái hoặc điên điển truyền thống Việt Nam.
"Ai làm rẫy mà lười chăm sóc thì cứ chọn điên điển trồng. Trồng điên điển chỉ cực công hái từ khuya đến sáng, còn lại bỏ mặc cây sống tự nhiên nhờ mưa nắng, chuyện trúng hay thất không phải lo, đảm bảo vẫn dư ăn", ông Tài nói vui.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.