Liên kết trồng chôm chôm VietGAP
Năm 2013, ông Nguyễn Văn Tân là 1 trong những xã viên đầu tiên trong HTX tham gia mô hình trồng chôm chôm VietGAP ở Sơn Định. Ông Tân phấn khởi nói: Cái lợi nhất trong việc sản xuát trái cây VietGAP là ứng dụng quy trình sản xuất sạch, ít sử dụng thuốc BVTV, sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện ATVSTP, dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Chôm chôm là 1 trong những loại cây trái chủ lực của tỉnh Bến Tre.
Cũng theo ông Tân, khi mới khi triển khai quy trình VietGAP, nhiều tổ viên gặp khó khi tiếp cận với phương thức sản xuất mới; nhất là việc ghi chép nhật ký hàng ngày, áp dụng sơ đồ quản lý vườn đúng theo quy trình kỹ thuật VietGAP. Tuy nhiên, nhờ được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật nên đến nay, mọi thứ đã trở nên quen thuộc và dễ dàng hơn nhiều.
Theo đó, trồng chôm chôm VietGAP đã đem lại ngay cho nhà vườn thành quả: Sản lượng chôm chôm bình quân đạt khoảng 25 tấn trên một ha, tăng 20% so với kiểu canh tác truyền thống. Ngoài ra, trồng theo VietGAP, chất lượng và giá trị của sản phẩm cũng tăng lên, các doanh nghiệp thu mua chôm chôm đều cam kết trả giá cao hơn 10% so với thị trường.
Ông Trần Văn Lợt – Giám đốc HTX Chôm chôm Sơn Định cho biết: Xuất phát từ trăn trở của những người nông dân Sơn Định muốn nâng cao chất lượng của chôm chôm mà HTX chôm Sơn Định (tiền thân là tổ hợp tác chôm chôm Tân Thới, ở ấp Tân Thới, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) ra đời.
“ Chúng tôi là những người dân sống bằng nghề làm vườn, nhận thấy việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không đúng liều lượng sẽ khiến môi trường ô nhiễm, chôm chôm bị nhiễm các hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thậm chí, chính người làm vườn chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Năm 2013, THT chôm chôm Tân Thới với 28 thành viên ở ấp Tân Thới, xã Sơn Định quyết định trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2014, THT được ngành nông nghiệp chứng nhận đạt chôm chôm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 11.2016, HTX Chôm chôm Sơn Định ra đời. Hiện, HTX Chôm chôm Sơn Định có 42 thành viên tham gia trồng 30.5 ha chôm chôm VietGAP”, ông Lợt cho biết.
Đủ điều kiện xuất khẩu chôm chôm
Nhờ áp dụng mô hình VietGAP mà chôm chôm hợp tác xã Sơn Định, Bến Tre không chỉ tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị trong nước mà còn có đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu, Dubai, Trung Quốc... thông qua các doanh nghiệp thu mua trái cây.
Nhờ áp dụng mô hình VietGAP mà chôm chôm của HTX Sơn Định được nâng cao năng suất và chất lượng.
“Cụ thể, bình quân, mỗi năm HTX xuất bán hơn 750 tấn chôm chôm các loại, trong đó, 10% sản lượng chôm chôm của HTX chuyên xuất khẩu sang châu Âu, Dubai; 70% sản lượng chôm chôm của HTX xuất khẩu xuất đi Trung Quốc, còn lại một số doanh nghiệp địa phương thu mua cung cấp trái cây cho các siêu thị”, ông Lợt thông tin.
Cũng theo ông Lợt: “Sản phẩm chôm chôm xuất bán sẽ mang thương hiệu của doanh nghiệp nhưng nguồn gốc sản xuất là HTX Chôm chôm Sơn Định. Chúng tôi đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu có gắn tem mác đầy đủ để nâng cao giá trị sản phẩm, lúc đó sẽ có chôm chôm mang thương hiệu Sơn Định”.
Theo các xã viên HTX Chôm chôm Sơn Định, để cây chôm chôm cho năng suất cao, chất lượng trái chôm chôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cần nắm vững cách bón phân phù hợp với từng thời kỳ phát triển của cây. Người trồng cần bón phân cho chôm chôm 6 lần trong năm. Trong đó 3 lần bón phân cho giai đoạn nuôi tạo cành và 3 lần bón phân cho giai đoạn nuôi dưỡng quả.
“Theo kinh nghiệm của tôi, đối với chăm sóc giai đoạn nuôi tạo cành, đợt 1: tính từ khi kết thúc thu hoạch vụ trước cho đến khi cây phục hồi sinh trưởng), cần ưu tiên bón phân hữu cơ, phân lân và tăng lượng phân đạm đen Cà Mau nhằm nhanh chóng giúp cây trồng phục hồi sức khỏe sau một thời gian dài phải huy động dinh dưỡng nuôi trái. Đợt 2 sau khi cây kết thúc đâm đọt mới, lá non đã chuyển hoàn toàn sang lá già. Giai đoạn này cần chú ý bón tăng tỷ lệ phân lân (P) và phân kali, giảm lượng phân đạm nhằm thuận lợi cho quá trình hình thành mầm hoa, phát triển hoa.
Còn để trái chôm chôm ngọt, có màu sắc đẹp, trước 1 tháng thu hoạch quả người trồng lại bón kali để tăng cường quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng từ lá cây vào trái”, ông Trần Văn Lợt chia sẻ.
Mới đây, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã gắn với sơ kết 01 năm thực hiện đề án thí điểm về củng cố và phát triển hợp tác xã kiểu mới vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” tại Khách sạn Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau).
Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21.3.2016, với mục tiêu xây dựng 300 HTX nông nghiệp kiểu mới, gắn kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra có thế mạnh về tiêu thụ nông sản.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.