Vựa ủ giá đỗ thủ công ngoài bãi cát sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi tầm này bà con làm ăn ra sao?
Vựa ủ giá đỗ thủ công ngoài bãi cát sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi tầm này bà con làm ăn ra sao?
Công Xuân
Chủ nhật, ngày 12/01/2025 14:34 PM (GMT+7)
Sau nhiều thập kỷ tồn tại, do một số nguyên nhân nên số lượng người làm giá đỗ giảm nhiều so với trước, thế nhưng nghề ủ giá đỗ thủ công trên bãi cát sông Trà Khúc ở Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn tiếp tục tồn tại, cung cấp ra thị trường hàng trăm kg/ngày.
Trở lại làng ươm giá đỗ Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) vào thời điểm khi Tết cổ truyền Ất tỵ 2025, chỉ còn lại nhỉnh hơn 2 bàn tay xoè.
Người dân Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) đang thu hoạch giá đỗ ủ thủ công trên bãi cát sông Trà Khúc .Ảnh: TQ
Người dân Tịnh Hà cho biết từ nhiều thập kỷ qua, tận dụng nguồn cát ở bờ Bắc sông Trà Khúc, Tịnh Hà đã trở thành "vựa" ươm, cung cấp giá ăn cho người dân ở tỉnh Quảng Ngãi.
Sau khi sàng lọc bỏ tạp chất, cát được chuyển về để gieo ươm ủ giá đỗ thủ công.Ảnh: TQ
Theo một số bậc cao niên ở Tịnh Hà, cách làm của nơi khác thế nào thì không rõ, nhưng ở đây quá trình gieo ươm, ủ cho đến khi thu hoạch giá của bà con trong vùng từ trước đến nay, hoàn toàn theo kiểu tự nhiên, chứ không sử dụng bất cứ một loại hóa chất kích thích nào.
Đậu xanh mua về để làm giá, sau khi được ngâm trong nước sạch từ 3-5 giờ và loại bỏ những hạt lép nổi lên trên mặt nước, bị thẫm màu (hạt kém chất lượng), mới tiến hành ươm gieo.
Nhiều năm trước, vị trí chọn ươm gieo để ủ giá của người dân Tịnh Hà, là những khu vực đất sạch ngay ở tại bãi cát nằm ven sông Trà Khúc.
Đây là khâu quan trọng của quá trình làm giá bởi lẽ, nếu lựa chọn vị trí gieo ủ mà đất không sạch (có nhiều phù sa, tạp chất, dơ bẩn...), thì đỗ xanh sẽ không nẩy mầm, hư hỏng, hoặc chất lượng giá kém.
Nơi ủ giá đỗ thủ công của người dân Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) cách đây 10 năm vẫn là bãi cát bên dòng sông Trà Khúc. Ảnh ( CH (chụp năm 2015).
Mỗi vị trí chỉ gieo ươm giá chỉ làm một lần/năm, rồi chuyển đến vị trí khác. Khi nào nước sông lớn ngập và tràn qua, cuốn đi hết cặn bã, thì mới trồng lại được.
Trên phần diện tích được chọn để gieo ủ, sau khi cào đất ra 2 bên để tạo thành những rãnh rộng từ 0,6-1m, dài 10-20m, người dân dùng nắp xoong đào những ô tròn nhỏ, với đường kính khoảng 50cm, sâu từ 70-90cm... để gieo đỗ xanh và ủ.
Cứ mỗi lớp đậu rải xuống, được phủ lên một lớp cát mỏng cho đến khi ô đầy. Để giá nẩy mầm cần phải có đủ độ ẩm, cho nên hàng ngày vào các buổi sáng, trưa, chiều tối người gieo ươm phải tưới nước.
Thời gian từ khi ủ đến khi thu hoạch từ 4-5 ngày, với số lượng 1 đậu xanh gieo, ủ thu hoạch được 6-8kg giá.
Tuy nhiên thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân như các khu vực gieo giá trước đó (ngay tại bãi), đã được khoanh lại để đấu giá làm vật liệu xây dựng; chất lượng cát lẫn nhiều đá, sỏi và không còn sạch như trước…nên người dân sau khi lấy cát và sàng lọc (loại bỏ sỏi, đá…), rồi chở về nhà đổ vào thùng nhựa, vật chứa đựng để gieo ươm.
Do nhiều nguyên nhân như các khu vực gieo giá trước đó (ngay tại bãi), đã được khoanh lại để đấu giá làm vật liệu xây dựng; chất lượng cát lẫn nhiều đá, sỏi và không còn sạch như trước…nên giờ đây người dân sau khi lấy cát và sàng lọc (loại bỏ sỏi, đá…), rồi chở về nhà đổ vào thùng nhựa, vật chứa đựng để gieo ươm.Ảnh: TQ
Cứ 1 lớp cát được phủ (trong thùng, vật chứa đựng), thì người ươm sẽ rải 1 lớp đậu xanh (đã được ngâm ủ), với số lượng rải 6-7 lớp đậu xanh/thùng, vật đựng; sau khi tưới nước để giúp hạt đậu nảy mầm, với thời gian (ủ) kéo dài 4 ngày là có thể thu hoạch giá.
Dù nơi gieo ủ để làm giá khác trước (dùng thùng nhựa, thay cho gieo trực tiếp trên bãi cát), nhưng người dân Tịnh Hà vẫn duy trì không sử dụng hoá chất để ngâm, kích thích nên giá của người dân làm ra nơi đây, vẫn là sản phẩm sạch 100%; đồng thời vẫn giữ nguyên vị giòn, ngọt, đậm đà.
Và sau vài lần thu hoạch, thì thì phải thay lớp cát mới. Trung bình 1kg đậu xanh được gieo ươm, người trồng sẽ cho thu hoạch 7-8kg giá và đưa ra chợ bán, với giá 8.000 đồng/kg.
Người dân ở Tịnh Hà bộc bạch, do cách làm giá nơi đây khá tốn công và thời gian, so với cách làm ở nhiều nơi khác (không cần cát), nên không thể cạnh tranh vì vậy, số lượng người làm giá ở Tịnh Hà ngày một giảm dần, chỉ còn tính trên đầu ngón tay.
Tuy nhiên mỗi ngày người làm giá ở Tịnh Hà, vẫn cung cấp ra thị trường của tỉnh Quảng Ngãi hàng trăm kg sản phẩm (giá)/ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.