Thời gian qua, phong trào chuyển đổi sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu được nông dân những địa bàn khó khăn tích cực hưởng ứng và đạt được những kết quả phấn khởi. Trong đó, việc chuyển từ trồng lúa sang lập vườn trồng dừa Mã Lai cho thu nhập cao là cách làm hay của ông Nguyễn Văn Chơn, cư ngụ tại ấp Trung Chánh, xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Ông Nguyễn Chơn bên 1 cây dừa Mã Lai sai trái. Theo ông Nguyễn Văn Chơn, từ ngày trồng dừa Mã Lai, gia đình ông chưa gặp tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa như trồng lúa nếp bè. Vậy hãy trồng dừa Mã Lai, sao phải bám víu vào lúa nếp bè!
Ông Chơn cho biết, gia đình ông có 1,2 ha đất, trước kia chỉ trồng nếp bè. Cũng giống như cây lúa, nếp bè đầu ra bấp bênh, không thuận lợi, thường xuyên đối mặt với điệp khúc "trúng mùa, mất giá", nông dân thua thiệt. Nhận thấy không thể bám víu mãi vào cây nếp bè, năm 2013, ông Nguyễn Văn Chơn quyết định lên liếp trồng dừa Mã Lai. Đây là một giống dừa mới, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thích hợp với vùng đất canh tác khó khăn, bạc màu, cho năng suất cao và đầu ra thuận lợi, được thị trường ưa chuộng. Hiện vườn dừa Mã Lai của gia đình ông Chơn đang cho thu hoạch ổn định với thu nhập hàng tháng từ 10 triệu đồng vào mùa thuận và 30 triệu đồng vào mùa khô hạn, do nguồn cung ít và nhu cầu về dừa giải khát trên thị trường rất lớn.
Ông Chơn chia sẻ, dừa Mã Lai trồng khoảng 2,5 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch. Cứ 25 ngày thu hoạch một lứa trái và mỗi năm thu hoạch từ 15 - 16 lứa trái. Với vườn dừa Mã Lai 1,2 ha, lứa thấp nhất ông Chơn thu hoạch được 1.500 trái dừa uống nước, còn tháng cao nhất lên đến 6.000 trái dừa uống nước. Trong mùa khô vừa qua, thương lái đến tận vườn nhà ông Chơn thu mua với giá bình quân 10.000 đồng/trái, còn những tháng cao điểm mùa mưa, dừa vẫn còn ở mức 4.500 đồng/trái.
Theo kinh nghiệm trồng dừa Mã Lai của ông Nguyễn Văn Chơn, để vườn dừa Mã Lai luôn sung mãn, cho trái sai, người trồng cần bón nhiều phân hữu cơ, đồng thời xử lý phòng, chống bọ cánh cứng, sâu bệnh hại dừa định kỳ hàng tháng. Bù lại, nguồn lợi từ cây dừa Mã Lai trồng chuyên canh đem lại khá lớn. Với 1,2 ha vườn dừa Mã Lai, đem về nguồn thu cho ông Chơn từ 330 triệu đồng đến 360 triệu đồng/năm, trừ chi phí ông còn lãi ròng trên 200 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng nếp bè trước kia. Từ khi chuyển đổi sản xuất từ trồng nếp bè sang lập vườn trồng dừa Mã Lai, cuộc sống gia đình ông được cải thiện, có thu nhập cao, cuộc sống ổn định.
Không chỉ cần cù lao động, chịu thương chịu khó ựng nên cơ nghiệp nhờ phát huy tiềm năng đất đai, lao động, ông Nguyễn Văn Chơn còn tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chung sức xây dựng nông thôn mới và giúp đỡ bà con có hoàn cảnh neo đơn vượt khó, thoát nghèo. Trong năm 2017, hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, ông Chơn đã hiến khoảng 160m2 đất để xã Trung Hòa mở rộng và nâng cấp con đường Nguyễn Thị Sa theo tiêu chuẩn nông thôn mới, đồng thời hỗ trợ giúp đỡ các hộ dân nghèo khó, neo đơn.
Minh Trí (Báo Tiền Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.