Giỏ đay Hiếu Lâm bền đẹp, hữu dụng, gợi nhớ khách mua sống thân thiện với môi trường
Trồng loại cây cao quá đầu người, không tốn công chăm sóc làm ra bao loại túi, giỏ,...khiến khách Mỹ, Đức, Nhật mê mẩn
T. Ngọc
Thứ bảy, ngày 13/11/2021 17:05 PM (GMT+7)
Với niềm đam mê và mong muốn bảo tồn nghề đan giỏ đay truyền thống, bà Trần Thị Liễu ở xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều loại giỏ đay Hiếu Lâm bền đẹp, hữu dụng và gợi nhớ khách mua sống thân thiện với môi trường, quay về với thiên nhiên.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề đan giỏ đay truyền thống và trải qua không ít thăng trầm nhưng bà Trần Thị Liễu, Giám đốc Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Hiếu Lâm vẫn quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp mà mình đã chọn. Ngoài đam mê, truyền cảm hứng cho người đan, bà còn mong muốn góp phần bảo tồn nghề đan giỏ đay truyền thống đã có từ lâu đời trên mảnh đất xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Hiếu Lâm có thể tạo ra hàng trăm mẫu hàng với nhiều kích thước khác nhau để khách hàng lựa chọn và đặt hàng tùy theo nhu cầu, sở thích.
Huyện Kim Sơn là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng cây cói, cây đay của tỉnh Ninh Bình. Dệt cói, đan giỏ đay là một nghề truyền thống đã có từ lâu đời. Với sự tỉ mỉ, khéo léo, những nghệ nhân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm thủ công đặc sắc, có tính thẩm mỹ cao.
Theo bà Liễu, khi đời sống và thu nhập của người dân còn thấp, các sản phẩm truyền thống làm từ chất liệu thiên nhiên được sử dụng nhiều. Đến khi trình độ kỹ thuật, công nghệ phát triển, nhiều sản phẩm làm bằng chất liệu mới ra đời thay thế các sản phẩm làng nghề truyền thống và các sản phẩm đay, cói cũng giảm dần vị thế.
Tuy nhiên, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, mọi thứ trở nên đủ đầy hơn thì người ta lại có xu hướng quay về với thiên nhiên. Chính vì thế, sản phẩm giỏ đay Hiếu Lâm truyền thống vẫn còn chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là các thị trường ngoài nước.
Những sản phẩm giỏ đay Hiếu Lâm rất đa dạng chủng loại, hình dáng, kích thước. Tùy vào từng công dụng hay mục đích sử dụng của các loại giỏ, các nghệ nhân sẽ tạo ra các loại giỏ như: Giỏ đựng trái cây, giỏ sách trái cây, giỏ đựng đồ đạc, giỏ đi chợ, giỏ đựng thức ăn, hoặc loại giỏ có quai ngắn dùng để đựng hàng, quà tặng, trang trí cho chậu hoa; loại giỏ có quai dài dùng để treo giò lan, giỏ hoa trang trí...
Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, bà Liễu cùng các con trong gia đình và các nghệ nhân đang làm tại Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Hiếu Lâm đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều mẫu hàng mới để giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước. Hiện tại, công ty có thể tạo ra hàng trăm mẫu hàng với nhiều kích thước khác nhau để khách hàng lựa chọn và đặt hàng tùy theo nhu cầu, sở thích.
"Những chiếc giỏ đay này rất bền đẹp. Điều quan trọng hơn là sản phẩm làm từ sợi cây đay tự nhiên, thân thiện với môi trường" - bà Liễu nói và cho biết các sản phẩm giỏ đay Hiếu Lâm được trưng bày ở các địa điểm du lịch của nhà thờ đá Phát Diệm, bán ở trong nước và xuất khẩu đi một số nước như: Mỹ, Đức, Nhật Bản...
Những nghệ nhân ở xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình với sự tỉ mỉ, khéo léo đã tạo ra những sản phẩm thủ công đặc sắc, có tính thẩm mỹ cao.
Những sản phẩm giỏ đay Hiếu Lâm rất đa dạng chủng loại, hình dáng, kích thước.
Những chiếc giỏ đay Hiếm Lâm gợi nhớ khách mua quay về với tự nhiên, sống thân thiện với môi trường.
Nghề đan giỏ đay không chỉ đơn thuần là một trong những nghề thủ công của các địa phương mà còn là nguồn thu nhập ổn định của nhiều hộ dân. Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Hiếu Lâm đã góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 80 hộ ở trong và ngoài xã để trồng cây đay và cói.
Riêng phân xưởng sản xuất hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Tại đây, công nhân sẽ thực hiện các công đoạn từ sơ chế nguyên liệu đến hoàn thiện sản phẩm (đan giỏ, làm quai...).
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng đơn hàng giảm mạnh, nhưng để đảm bảo việc làm cho công nhân và nhà đan, công ty đã không ngừng nghiên cứu tạo ra nhiều mẫu giỏ mới để chào hàng. Thậm chí, khi chưa ký được đơn hàng, công ty vẫn ứng vốn mua nguyên liệu đầu vào giao cho nhà đan gia công và thu hàng về trữ tại kho.
"Trong lúc khó khăn, nhu cầu giảm nên đối tác cũng giảm giá đầu ra, để đảm bảo thu nhập cũng như động viên bà con gắn bó với nghề, công ty chấp nhận hòa vốn miễn sao người đan không bị thiệt thòi" - bà Liễu cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.