Nơi đây, sáng 14.10.2017 đã diễn ra Hội thảo về Hữu Ước, đánh giá những đóng góp của ông với Văn học Nghệ thuật qua 2 tập của tiểu thuyết Kiếp người (Sống, Lửa). Chưa đầy nửa năm, giới báo chí, nghệ sĩ Hà Nội lại có dịp rủ nhau "đi hội". Bởi đến với Hữu Ước lúc nào cũng vui. Chỉ một tháng tết mà ông đã xong tập thơ 29 bài. Hai tuần trước Hội thảo về tập 3 tiểu thuyết và tập thơ Gió hoang, Hữu Ước đã viết xong vở kịch nói Nhật ký kẻ tử tù (70 trang đánh máy, về cuộc chiến chống tham nhũng). Ông in tráng đời mình bằng ánh sáng của thiên lương và tình yêu nghệ thuật không ngừng.
Công viên Ước nhìn từ cổng vào là chùa.
Có phải định mệnh không, Hữu Ước sinh ngày 20.5 dương lịch, thì bạn đời ông ra đi đột ngột ngày 13.5 nguyệt lịch. Họ cùng xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Là duyên trời, khi dấu mốc quan trọng: sự kiện ra mắt kênh truyền hình Công an nhân dân, tối 11.12.2011 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, trùng ngày sinh người vợ tào khang của Tổng biên tập khai sinh và đầu tiên của ANTV - Nhà báo, nhà văn Nguyễn Hữu Ước.
Cú sốc lớn đột ngột mất vợ, người bạn đời đầy hy sinh mà Hữu Ước chịu ơn làm ông liêu xiêu gần cả năm trời. Ông từng nói với các bạn, đàn em thân tín: "Nếu bây giờ được đánh đổi tất cả danh vọng hàm trung tướng, cơ nghiệp để làm thằng cu-li, để vợ sống lại, tôi cũng đổi ngay!". Đau đớn thay, không có đấng siêu nhiên nào giải quyết ao ước ấy của người đàn ông góa vợ tuổi 60. Ông tự vực mình dậy để làm việc.
Nếu xếp tất cả tranh đã vẽ, các album, CD, VCD, DVD nhạc, nhất là các cuốn sách đã xuất bản, kịch bản, sân khấu và điện ảnh được dàn dựng của tác giả Hữu Ước vào căn phòng mà ông đang sống và làm việc, thì chắc chắn, nhà văn chẳng có chỗ đặt lưng. May ra chỉ nằm nghiêng, duỗi thẳng, ngủ khó xoay mình. Nếu có phải sống chật, khổ, ông cũng chẳng ngán gì. Ông đã kinh qua, nếm trải đủ nhọc nhằn, đắng cay rồi. Là hội viên của nhiều hội nghề nghiệp, với sức viết, vẽ khủng khiếp, Hữu Ước lại tự nhận khiêm tốn:
"Thi ca tôi chẳng tài cao/ Lời ru của mẹ cất vào tuổi thơ/Một thời nhắm mắt ngu ngơ/ Mặc ai lắm chữ thực hư mặt người/ Ngẫm mình mỏng sức nông tài/Thơ chơi làm tặng con vài ba câu/ Đoạn trường một khúc bể dâu/ Chơi thơ để nhẹ nỗi đau nhân tình". Đau nỗi nhân tình nhiều thế, thì làm sao mà "chơi thơ" được. Hữu Ước khi tại vị chức quyền đến giờ về hưu vẫn đầy bản lĩnh ngạo nghễ nên mới có thể khẳng khái mà giễu nhại lòng tham như bài Chiếc ghế: "Ở giữa chiến trường chỉ có đạn bom/Những người lính không cần đến ghế / Và giữa ùng oàng tiếng cười, tiếng nổ/ Chẳng thấy ai chọn một chỗ ngồi…". Những câu thơ này đã được họa sĩ Lê Thiết Cương chọn in vào tập Thơ Gốm và khắc lên bình gốm độc bản - sự kiện lần đầu tiên tại Việt Nam - thơ và gốm đều qua lửa. Lửa của nghĩa đen, lửa của thử thách nhân gian.
Bài thơ Mùi lửa khắc trên đá.
Bài thơ này cũng được khắc lên một phiến đá trong Công viên Ước, cùng bài Mùi lửa và những bài thơ ông dành cho người mẹ yêu quí của các con. Chơi thơ mà Hữu Ước "nhọc nhằn xe chữ". Vì trái tim nhân hậu đầy bao dung, ông khi là Tổng biên tập lâu năm của Báo ANTG, đã khởi xướng và triển khai tạo hiệu ứng xã hội lớn bằng những chuyến công tác từ thiện cho đồng bào vùng cao bão lũ đặc biệt là tặng trâu, hàng ngàn con bù đắp tổn thất cho những gia đình miền núi đang khốn đốn vì "đầu cơ nghiệp" bị chết rét. Trái tim hào hoa, nghệ sĩ rung động trước những giai nhân hay giọng hát như điều tất yếu của người đàn ông sáng tạo nghệ thuật. Trái tim mẫn cảm thương người ấy lại xót xa cho những phụ nữ chưa một lần được mặc đẹp, chưa hề biết đến thỏi son, chưa khi nào được ngẩng đầu tự tin, cứ cắm cúi với gánh hàng rong rạc triệu bước chân mỏi mệt gồng gánh gia đình, ngửa mặt kêu Trời cũng không đổi được phận "gánh cả bầu trời trên lưng".
Trái tim ấy lại đập nhịp sục sôi khi lý trí của người làm báo lại giục ông xung trận. Cuồng phong nổi lên hàng chục năm trước khi ông luôn phẫn nộ bằng tác phẩm, tư duy báo chí trước nạn tham quan, ức hiếp lương dân. Cuồng phong ấy có trong tập Gió hoang mới nhất này: "Cửa nhà tù mở toang/ Lò lửa đốt quan tham cháy rực/ Dư chấn bài trừ tham nhũng thác đổ triều dâng/ Củi khô củi tươi cháy rừng rực /Người người đón ngọn gió hồng/ Sưởi ấm những trái tim nguội lạnh /Cuồng phong…" Củi khô củi tươi theo tinh thần Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "phất cờ hiệu lệnh", tuyên chiến quyết liệt chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng, hình như lần đầu "cháy" trong thơ. Các nhà thơ già trẻ của nền văn học đương đại rất ít người để tâm đến thế sự nổi cộm, trong khi quá nhiều những rền rĩ khóc than, tự sự, cảm xúc giả.
Bài thơ Lá vàng rơi viết tặng vợ.
Đọc tiểu thuyết thấy Hữu Ước trí nhớ siêu phàm ở lượng chi tiết đồ sộ, hệ thống nhân vật đông như rừng; nhưng trong đời sống, ông là người thích quên. Quên thành công vừa đạt. Quên những kỷ lục đã cán đích. Quên tác phẩm vừa viết. Tập thơ vừa mang đi in thì ông lại viết luôn kịch bản sân khấu.
Trang viết là trang đời, Hữu Ước không viết kiểu “copy & paste”, mà là thẩm lọc qua tri thức, giác quan, xúc cảm, "xịt" thêm hương bác ái và lấp lánh bằng muôn ước mong bé nhỏ. Bấy lâu nay rất nhiều ảo giác, tin đồn, huyền thoại, giai thoại về Hữu Ước. Thực tế cuộc sống của một Trung tướng Công an thế nào? Tôi chỉ biết trả lời bằng những gì nhìn thấy qua con người Tướng Ước. Ông dùng ô tô riêng màu đen biển xanh 3333, có lái xe và bảo vệ (theo tiêu chuẩn). Ông sẵn sàng và thường xuyên từ chối những bữa tiệc ở các khách sạn nhà hàng sang trọng để ngồi vỉa hè ăn bún, uống nước vối, trà, phả khói thuốc lào nếu gặp được người tâm giao, thậm chí kể cả một mình. Ông là người của công chúng, một vị tướng quảng giao đông bạn, fan hâm mộ, đệ tử trùng điệp nhưng con gái ông - Tiến sĩ Báo chí Quý Phương (Giám đốc điều hành Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom) lại khẳng định: "Gia tài của bố là sự cô đơn".
Phiến đá trong Công viên Ước gắn bìa 3 tập (Sống, Lửa, Lạnh) của bộ tiểu thuyết "Kiếp người". Ảnh: Nguyễn Hải.
"Một chiều nắng một chiều mưa/ Trời se sắt gió, trời thưa nắng vàng/ Lặng thầm một cõi mây hoang/Lòng tôi trĩu nặng bàng hoàng gió giông" (Góc riêng)
Gia tài ấy nhiều lên khi Đại tá Nguyễn Thị Lý vắng khuất gần 6 năm trước. Mối liên tài đã cho Hữu Ước những người bạn tốt và ông luôn biết nuôi dưỡng, gìn giữ những tình bạn, tình anh em và chính tình cảm trong trái tim không được phép già nua, để vẫn từng ngày đập nhịp thiết tha, thương những phận người nhỏ nhoi, thua thiệt.
"Bao cát treo lơ lửng trước mặt / Hai bàn tay đeo găng của người máy trước mặt/ Đấm vào mặt ta/ Ta đấm vào bao cát/ Đấm vào đôi bàn tay của người máy/ Đấm vào chính cuộc đời/ Đấm vào nỗi đau, nỗi buồn/ Đấm vào sự bất lực / Đấm vào sự cô đơn chán chường/ Đấm vào sự hận thù/ Đấm vào nỗi buồn quên chết/ Hận thù tan chảy/ Đôi bàn tay tê dại/Đầu nhẹ bỗng…" Hữu Ước tự đấm bốc với chính mình. Công viên không phải chỉ mình ông, công viên dành cho mọi người muốn vào tự do. Nhưng công viên cũng là của vợ ông. Một điểm hẹn thiêng liêng của hai người. Nơi ấy có chùa, vợ ông là người sùng đạo Phật, rất say sưa làm từ thiện, chẳng bao giờ mua sắm cho bản thân, chỉ mong xin được tài trợ, kể cả lấy tiền của chồng, để đến với những người nghèo. Nơi ấy, công viên Ước là nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tá Nguyễn Thị Lý khi Tướng Ước đã đưa vợ từ quê nhà Phù Cừ (Hưng Yên) về đây từ tháng Hai ta. Trong nỗi nhớ mong khắc khoải, ông vẫn tin có phép màu. Vợ ông luôn ở bên chồng con. Đã về bên ông.
"Cây bàng nhà mình đã bao mùa lá / Thời gian qua đi bao mùa xuân/ Và cũng bao năm, em Tết không về/ Anh nhìn mảnh sân nhỏ nơi em hay đứng/ Cây giong riềng úa lá tự bao giờ/ Giường rộng quá và đêm dài quá/ Bóng tối thì dày, chẳng thấy tiếng em…/Từ ngày em không về ngôi nhà linh thiêng/Anh tập dần phần đời đơn lẻ/Giọt đau/ Giọt buồn/ Giọt đắng/ Giọt cay/ Nước mắt trộn cơm canh, anh vừa lùa vừa húp/ Nhưng vẫn phải nói cười/Như giọt nước qua bao mùa giông bão/ Bây giờ anh hiểu .../"Một ngày là cả trăm năm"…
Hữu Ước sẽ vượt trăm năm, không chỉ bằng nhạc và thơ trên đá, mà những câu thơ, lời văn sống trong trí nhớ của nhân gian, trước hết là trong trái tim vợ con ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.