Chuyện công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) gần cả tháng nay phải dùng mì gói làm… canh, là chuyện có thật.
Chuyện đó cụ thể hơn chuyện chỉ số CPI tăng mỗi tháng hơn 1%, vì nó tác động trực tiếp đến tâm cảm mỗi người. Bây giờ ai cũng biết hoặc chẳng cần biết giá cả tăng như thế vì cái gì, mà chỉ quan tâm xem nhà nước bằng biện pháp nào để bình ổn giá giúp đời sống người lao động, nhất là những người lao động thu nhập thấp không phải rơi vào tình trạng khốn đốn vì miếng cơm manh áo hàng ngày.
Việc kiểm soát lạm phát bằng cách chi ngân sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá là việc làm cần thiết lúc này. Nhưng hiệu quả của nó tới đâu thì cần phải kịp thời theo dõi và xem xét để kịp thời điều chỉnh.
Bởi vì cùng với chủ trương chi ngân sách bình ổn giá thì cũng xuất hiện hiện tượng lợi dụng bình ổn giá để đầu cơ, găm hàng và chờ bán giá cao.
Theo bà Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, không nên dùng biện pháp hành chính để bình ổn giá, vì hiệu quả rất thấp. Việc yêu cầu niêm yết giá bán là không thực tế và không hiệu quả vì tiểu thương các chợ dù niêm yết giá, nhưng vẫn bán không đúng giá.
Nhiều tiểu thương bán thịt ở chợ rất băn khoăn vì nếu bán với giá cao thì người mua đành ngoảnh mặt, còn bán giá thấp cho người mua thì mình… lỗ. Đó vẫn là một bài toán chưa có lời giải. Sự tự điều chỉnh như một “thoả thuận ngầm” giữa người bán và người mua đã diễn ra, nhưng nó cũng chỉ là biện pháp hai bên “cùng lùi” trước giá tăng, chứ không phải biện pháp bình ổn giá.
Trong thực tế, muốn bình ổn giá phải kiểm soát được giá đầu vào. Nhưng việc này lâu nay nhà nước không làm được, nên vẫn có những bộ phận kinh doanh được lời lãi lớn từ giá cả tăng, phần còn lại thì gặp bất lợi khi phải mua hàng sỉ với giá cao và rất khó bán lại cho người tiêu dùng.
Chưa kể, không kiểm soát được giá đầu vào thì nhà nước luôn chịu thiệt hại vì không thể tính đúng tính đủ thuế, và trong thực tế, việc trốn thuế lại diễn ra đồng thời với việc đầu cơ và tăng giá hàng.
Như thế, thành phần phải chịu đựng nhiều nhất trong “cơn bão giá” này là người tiêu dùng thu nhập thấp, và những người bán lẻ nhỏ ở các chợ. Chỉ có những “ông lớn” là trục lợi. Và trục lợi lớn.
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.