Phụ nữ Nepal đang trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người.
Các trùm buôn người, trong đó bao gồm các tú ông, tú bà đang lợi dụng thảm cảnh của hàng chục nghìn nạn nhân động đất ở Nepal để tuyển dụng gái bán hoa cho các nhà thổ ở châu Á, Guardian dẫn cảnh báo của
các nhóm cứu trợ.
Số người chết bởi thảm họa động đất ngày 25.4 ở Nepal đến nay đã lên tới 7.566. Ngoài ra, hàng trăm nghìn người khác, chủ yếu sống ở các vùng nông thôn nghèo túng đang lâm vào cảnh cùng quẫn vì mất toàn bộ tài sản, nhà cửa.
Theo Liên Hợp Quốc, phụ nữ và trẻ em gái ở Nepal, quốc gia Himalaya nghèo khó từ lâu vốn đã là mục tiêu của các băng nhóm tội phạm buôn người. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có từ 12.000 đến 15.000 bé gái và phụ nữ bị các băng nhóm buôn người bán sang các nhà thổ ở nước ngoài, chủ yếu là Ấn Độ, thậm chí, tới tận Hàn Quốc.
Jason Burke, một phóng viên làm việc cho một tờ báo địa phương đã nói chuyện với một thiếu nữ tên là Sita, 20 tuổi. Sita cho hay, cô sống ở Sindhupalchok, một ngôi làng ở gần thủ đô Kathmandu và bị bắt cóc năm ngoái.
Những kẻ bắt cóc Sita bán cô cho một nhà thổ ở Siliguri, Ấn Độ. Thiếu nữ Nepal cho biết, cô bị buộc phải quan hệ tình dục với 30 người mỗi ngày. Sita cho biết, cô liên tục bị đánh đập, thậm chí còn bị hàng trăm người đàn ông cưỡng hiếp và hiện đã bị nhiễm HIV.
Một năm trời bị lạm dụng tình dục trong nhà thổ, Sita may mắn được giải cứu trong một cuộc đột kích của cảnh sát.
"Tôi không bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng về thời gian ở đó. Tôi đã xóa sạch tất cả khỏi bộ nhớ của tôi", Sita chia sẻ.
"Giờ đây, tôi chỉ lo sợ cho số phận của các cô gái khác, những người có thể bị bắt cóc và bị mang đi khỏi Nepal. Họ có thể đang cần tiền và dễ dàng bị cám dỗ nếu có ai đó hứa hẹn giúp họ tìm việc. Sau đó, điều khủng khiếp tương tự sẽ xảy ra với họ như đã xảy ra với tôi", Sita nói thêm.
Các nạn nhân động đất Nepal được giải cứu.
Cô gái trẻ cho biết, bi kịch cuộc đời cô bắt đầu kể từ khi một người đàn ông đến làng nghèo của cô và hứa hẹn giới thiệu cho cô "một công việc" ở Ấn Độ. Cha mẹ Sita, những người nông dân nghèo và mù chữ đã tin tưởng người đàn ông này sau khi được đảm bảo rằng con gái sẽ nhận được một công việc tốt và có thể gửi tiền lương về giúp đỡ gia đình.
Theo các nhóm cứu trợ, sau khi trận động đất mạnh 7,9 độ richter xảy ra ở Nepal, các băng nhóm buôn người đã tăng cường hoạt động trong khu vực, bằng cách giả mạo nhân viên cứu trợ để tiếp cận các mục tiêu của chúng.
Ông Sunita Danuwar, Giám đốc của tổ chức phi chính phủ Shakti Sumuha ở Kathmandu nhấn mạnh: "Đây là thời điểm lý tưởng để những kẻ buôn người giả làm các nhân viên cứu trợ để lôi kéo, dụ dỗ các bé gái và phụ nữ Nepal. Chúng tôi đã nhận được báo cáo về những người giả vờ đi cứu trợ để tìm kiếm các bé gái và phụ nữ. Những bé gái, phụ nữ ở đây đang đắm chìm trong nỗi đau và tuyệt vọng. Họ sẵn sàng nắm lấy bất cứ cái cọc nào. Chúng tôi đang nỗ lực cảnh báo người dân nhận thức rằng, ai là những kẻ đến để lôi kéo, dụ dỗ họ".
Ngoài ra, các quan chức cứu trợ cấp cao phương Tây đang có mặt ở thủ đô của Nepal cũng tỏ ra quan ngại về vấn đề này.
"Không có thời cơ nào hơn tình huống thảm họa, hỗn loạn... để mua chuộc, lôi kéo phụ nữ dễ dàng hơn", một quan chức phương Tây nhận định.
Người dân Nepal, trong đó bao gồm những phụ nữ sống sót sau thảm họa động đất đang rơi vào tuyệt vọng và do đó, dễ bị những kẻ buôn người dụ dỗ.
Đồng tình, Rashmita Shashtra một nhân viên y tế địa phương cũng nhấn mạnh: "Động đất chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ bắt cóc, dụ dỗ, lạm dụng phụ nữ. Người dân ở đây đang tuyệt vọng và đã có những kẻ đến thuyết phục các gia đình đồng ý cho con gái họ ra nước ngoài làm việc. Chúng tôi thậm chí biết những kẻ này".
Theo ông Rashmita, phần lớn các mạng lưới tội phạm có trụ sở chính ở Ấn Độ. Việc này khiến việc xác định và triệt phá tận gốc các đường dây buôn người gặp nhiều khó khăn. Các mạng lưới tội phạm thường chỉ cử tay sai của chúng sang Nepal để tìm gái. Những kẻ tay sai này lại tìm cách mua chuộc chính những người dân địa phương ở các vùng nông thôn nghèo giúp chúng tìm người.
Trên thực tế, nhiều người môi giới ở địa phương cũng không biết đích đến cuối cùng của những cô gái. Thậm chí, một số người cũng bị lừa rằng, các cô gái sẽ thực sự tìm được việc làm tốt, lương cao ở Ấn Độ.
Trong khi đó, tranh cãi đang nổ ra giữa chính phủ Nepal và một số tổ chức quốc tế trong việc nhận và phân phát các khoản viện trợ quốc tế đổ vào nước này sau thảm họa động đất. Các bên đổ lỗi cho nhau về việc nhầm lẫn và chậm trễ trong việc giúp đỡ các nạn nhân.
Thất vọng trước sự phối hợp thiếu ăn ý, một số nhà tài trợ không thông qua giới chức trách Nepal mà gửi thẳng các gói viện trợ cho các nạn nhân động đất thông qua các tổ chức phi chính phủ, một trợ lý giấu tên của Thủ tướng Sushil Koirala thừa nhận.
"Có những mâu thuẫn giữa chính phủ và một số nhà tài trợ về vấn đề cứu trợ cho nạn nhân động đất", người trợ lý của Thủ tướng Sushil Koirala xác nhận.
Chính phủ Nepal đang thúc giục các đội cứu hộ nước ngoài đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn khi nhiều người dân Nepal vẫn hy vọng tìm được người sống sót bị chôn vùi trong các đống đổ nát.
"Họ (các đội tìm kiếm và cứu nạn quốc tế) có thể rời đi. Nếu họ đều là các chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ từ các đống đổ nát, họ có thể ở lại", ông Rameshwor Dangal, một quan chức của Bộ Nội vụ Nepal nói với hãng tin Reuters.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.