Trưng cầu dân ý ở Scotland "đe dọa Liên minh châu Âu"

Thứ năm, ngày 18/09/2014 10:12 AM (GMT+7)
Các cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland và tại vùng Catalonia của Tây Ban Nha giống như một cơn lốc xoáy đối với sự toàn vẹn của châu Âu, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cảnh báo.
Bình luận 0
imgẢnh minh họa.
Một ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự chênh lệch giữa hai lựa chọn "tách ra" hay "ở lại" vẫn rất sít sao, với tỷ lệ lần lượt là 48% và 52%. 

 

Công ty nghiên cứu thị trường Survation cho rằng phe ủng hộ độc lập đang ngày càng thu hẹp khoảng cách và do đó kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 18.9 sẽ phụ thuộc vào khoảng 350.000 cử tri vẫn còn đang lưỡng lự về quyết định của mình.

Trong ngày cuối cùng trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, lãnh đạo của cả hai phe nói "Có" và "Không" với độc lập đều tận dụng thời gian để thuyết phục cử tri ủng hộ mục tiêu của mình.

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, cùng phụ trách phe "Cùng nhau tốt hơn," khẳng định rằng các chính sách của đảng Dân tộc Scotland (SNP) chủ trương muốn Scotland độc lập sẽ đưa xứ này sa vào chiếc bẫy kinh tế mà từ đó "có thể họ sẽ không bao giờ thoát ra được".

Tuy nhiên, Thủ hiến Scotland Alex Salmond, lãnh đạo SNP, ra lời kêu gọi cử tri Scotland nắm lấy vận mệnh của chính mình và không bị lung lạc bởi những câu chuyện gây hoang mang từ Chính phủ Anh đưa ra mỗi ngày.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy trong phát biểu sáng 17.9 cho rằng cuộc trưng cầu ý dân ở Scotland như "một quả ngư lôi nhắm vào Liên minh châu Âu (EU) - tổ chức được lập ra để liên kết chứ không phải để chia tách các nước".

 Ông Mariano Rajoy nhấn mạnh với các dân biểu rằng những tiến trình như vậy tạo "thêm suy thoái kinh tế và đói nghèo. Nếu Scotland ủng hộ việc độc lập, thì nước này sẽ phải tái nộp đơn xin gia nhập thành thành viên của EU"

Người dân Catalan thuộc Tây Ban Nha ủng hộ việc giành độc lập đang theo dõi sát sao cuộc trưng cầu tại Scotland về việc tách ra khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh, diễn ra hôm nay và có kế hoạch tổ chức tương tự tại vùng Catalonia vào tháng 11.

"Cơn lốc xoáy dưới dòng nước" 

Quốc hội vùng Catalonia bỏ phiếu vào thứ  4 (17.9) về một nghị quyết mở đường cho việc tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 11 để quyết định việc độc lập khỏi Tây Ban Nha.

Tuần trước, hàng trăm nghìn  người Catalan đã xếp hình chữ V, đại diện cho chứ  "vote" tức bỏ phiếu, ở dọc hai con đường lớn của Barcelona để kêu gọi được quyền bỏ phiếu.

Nhưng chính phủ Tây Ban Nha phản đối bất kỳ bước đi nào tiến tới việc tách ra độc lập và việc được chính quyền trung ương chấp nhận là đòi hỏi bắt buộc để việc tổ chức trưng cầu dân ý được coi là hợp hiến.

Phát biểu với các dân biểu trong quốc hội hôm qua, Thủ tướng Rajoy mô tả các cuộc trưng cầu dân ý như trường hợp Scotland là "một cơn lốc xoáy dưới dòng nước cho sự toàn vẹn của châu Âu".

Ông nói tinh thần thời đại là hội nhập chứ không phải tách riêng, và đó là lý do khiến ông thấy rất khó chấp nhận việc cho tổ chức trưng cầu dân ý. Nếu Quốc hội Catalonia thông qua luật cho phép "bỏ phiếu tham khảo", tòa án hiến pháp Tây Ban Nha được trông đợi sẽ tuyên bố luật đó là "bất hợp pháp".

img

 

Những người Catalan ủng hộ việc độc lập cảm thấy được khích lệ về những gì đang diễn ra tại Scotland

Thủ hiến vùng Catalonia Artur Mas trước đó đã cam kết sẽ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 9.11.

Ông nói với BBC hồi tuần trước rằng ông hy vọng Scotland sẽ bỏ phiếu "thuận" trong kỳ trưng cầu dân ý, bởi ông tin rằng một Scotland độc lập sẽ được chấp nhận vào EU, và điều đó cho thấy một vùng Catalonia độc lập cũng có thể mong đợi nhận được điều tương tự.

Nhưng Thủ tướng Rajoy nói Scotland sẽ phải trải qua toàn bộ những trình tự áp dụng cho một tân quốc gia khi muốn gia nhập EU.

Ông nói hiện không rõ là theo các hiệp ước của EU và theo các tuyên bố của các lãnh tụ châu Âu thì "nếu một phần của một quốc gia tách ra độc lập, phần đó có trở thành bên thứ ba trong quan hệ với Liên hiệp Âu châu hay không".

Với "các vùng lãnh thổ riêng rẽ trong một quốc gia thành viên", để gia nhập EU sẽ cần mất nhiều năm và còn tùy thuộc vào việc được toàn bộ 28 quốc gia thành viên chấp thuận, ông nói thêm.

Ông Rajoy trước đó cho biết, ông có thể ngăn cản việc Scotland gia nhập EU.

Catalonia là một trong những vùng giàu có nhất và công nghiệp hóa nhất của Tây Ban Nha, và cũng là một trong những vùng có tâm lý muốn độc lập nhất.

Cho tới gần đây, không mấy người Catalan muốn hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế khốn khổ của Tây Ban Nha đã làm tăng khuynh hướng muốn tách riêng.

(Theo Vietnam+, BBC)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem