Không ai biết rõ hiện Trung Quốc đang sở hữu bao nhiêu đầu đạn hạt nhân. Ảnh TL
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc hiện có trữ lượng vũ khí hạt nhân lớn thứ ba và là cường quốc lớn duy nhất trên thế giới đang tăng cường kho vũ khí chiến lược.
Bắc Kinh đến nay vẫn không công bố số liệu chính thức về kho hạt nhân của mình. Đa số các chuyên gia quân sự quốc tế dự đoán nước này sở hữu khoảng 250 đầu đạn hạt nhân.
Năm 2004, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói kho vũ khí hạt nhân của họ nhỏ nhất trong số năm cường quốc hạt nhân. Có nghĩa, ít hơn Vương quốc Anh, khi đấy đang có 225 đầu đạn. Như vậy, sự gia tăng của kho vũ khí Trung Quốc hiện vẫn đang tiếp tục.
Nhiều ý kiến lưu ý rằng, quá trình giải trừ vũ khí phải mang tính phổ cập không chỉ liên quan đến Hoa Kỳ, Nga mà cả các cường quốc hạt nhân khác, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục né tránh tham gia các cuộc đàm phán với nội dung này. Lập trường chính thức của Bắc Kinh là họ chỉ sẵn sàng thương lượng hạn chế các vũ khí chiến lược sau khi Mỹ và Nga thực sự cắt giảm kho vũ khí của hai nước.
Viện sĩ Alexei Arbatov, một chuyên gia hàng đầu của Nga về quan hệ quốc tế đã nhận định rằng, việc Trung Quốc không tham gia quá trình giải trừ vũ trang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới.
“Chúng ta không thể cùng với Hoa Kỳ và các cường quốc khác đạt được sự tăng cường chế độ không phổ biến nếu chúng ta không đi theo đường lối cắt giảm vũ khí hạt nhân".
Vẫn theo ông Arbatov, vấn đề này được trực tiếp ghi trong Điều 6 của Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cụ thể các quốc gia hạt nhân tham gia văn kiện cam kết đi theo con đường giải trừ vũ khí hạt nhân đổi lấy sự cam kết của các quốc gia phi hạt nhân không nghiên cứu chế tạo loại vũ khí này.
Bởi trong nhiều năm tất cả các cường quốc hạt nhân không thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ, hiệp ước NPT trở nên rệu rạo, là điều đáng lo ngại cho nền an ninh toàn cầu.
Một điều rõ ràng là sự sụp đổ của chế độ không phổ biến có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực ghê gớm trong khuôn khổ một khu vực nhất định cũng như ở qui mô toàn cầu.
Không thể không nghĩ đến những tai họa khủng khiếp mà thế giới chờ đợi nếu vũ khí hạt nhân rơi vào tay các tổ chức khủng bố. Đứng từ quan điểm này, việc Trung Quốc tham gia cuộc đối thoại giải trừ vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ là rất bổ ích, theo phân tích của đài Tiếng nói nước Nga.
Trong khi đó, các chuyên gia đồng tình rằng, việc thông qua "giải pháp đột phá" hiện nay đối với ban lãnh đạo Trung Quốc là điều phức tạp. Trung Quốc quan ngại trước tiềm lực hạt nhân của Ấn Độ - quốc gia chưa có tên trong hiệp định NPT, cũng như người hàng xóm rắc rối của Trung Quốc là Bắc Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân là một công cụ kiềm chế sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ trong xung đột có thể với Đài Loan. Vì vậy, để có "tái khởi động không phổ biến hạt nhân" trước hết cần tới tái khởi động trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, cụ thể là Hoa Kỳ phải từ chối chính sách kiềm chế Trung Quốc. Mà điều này là một thực tế có lẽ quá xa vời.
(Theo Bizlive)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.