Trung Quốc diệt tiền điện tử, mở đường cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số

Huỳnh Dũng Thứ hai, ngày 27/09/2021 07:43 AM (GMT+7)
Nhằm mục tiêu không thể để tiền điện tử trở thành tiền tệ giao dịch chính trên thị trường, Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố giao dịch tiền điện tử là bất hợp pháp. Và đây cũng là cách để mở đường cho dạng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của nhà nước.
Bình luận 0

Ngành công nghiệp đào tiền ảo ở Trung Quốc về cơ bản đã dần bị "khai tử"

Cụ thể, vào ngày 24/9 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung rằng, việc sử dụng các loại tiền ảo đang phá vỡ trật tự kinh tế và có liên quan đến vấn nạn rửa tiền, lừa đảo và các hoạt động bất hợp pháp khác.

Thực tế, PBOC cũng cấm các tổ chức tài chính, công ty thanh toán và công ty Internet tạo điều kiện cho giao dịch tiền điện tử. Động thái mạnh mẽ này diễn ra sau khi nội các Trung Quốc tuyên bố sẽ trấn áp hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin như một phần của nỗ lực chống lại rủi ro tài chính, làm phát sinh hoạt động rửa tiền, huy động vốn bất hợp pháp, lừa đảo đầu tư dạng đa cấp, cùng các hoạt động bất hợp pháp và phạm tội khác", nhưng tuyên bố mới đã làm rõ quan điểm rằng tiền điện tử không thể được sử dụng làm tiền tệ trên thị trường.

Kể từ hồi giữa tháng 5, đây là lần thứ hai Trung Quốc đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhằm trấn áp hoạt động đào và giao dịch tiền ảo ở đất nước tỷ dân. Ảnh: @AFP.

Kể từ hồi giữa tháng 5, đây là lần thứ hai Trung Quốc đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhằm trấn áp hoạt động đào và giao dịch tiền ảo ở đất nước tỷ dân. Ảnh: @AFP.

Chỉ vài giờ sau thông báo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được đưa ra, giá Bitcoin đã giảm 5% từ 44.000 USD xuống còn 41.000 USD với toàn bộ các đồng tiền ảo khác đều giảm sâu từ 7-10% như Ethereum giảm xuống 2.800 USD (-8,5%), Binance Coin còn 341 USD (-8,6%), Solana còn 133 USD (-8%)...

Cá biệt có đồng Huobi Token đã giảm tới 20% do các nhà đầu tư lo ngại hoạt động trấn áp sẽ lan rộng ra cả Hồng Kông. Huobi Token là tiền ảo của sàn tiền số cùng tên từng được thành lập năm 2013 ở Trung Quốc, nhưng sau đó đã chuyển chi nhánh hoạt động về Hồng Kông.

Ngoài ra, phía Bắc Kinh cũng khẳng định rằng, việc các sàn giao dịch tiền ảo ở nước ngoài cung cấp dịch vụ cho người dân Trung Quốc thông qua internet cũng là bất hợp pháp.

"Các sàn tiền ảo nước ngoài sử dụng mạng Internet để cung cấp dịch vụ cho cư dân trong nước cũng bị xem là hoạt động tài chính bất hợp pháp", PBOC tuyên bố, và cho biết những người làm việc cho các sàn tiền ảo nước ngoài cũng sẽ bị điều tra.

Như vậy, có thể thấy thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi đi là Nhà nước sẽ tiếp tục trấn áp Bitcoin với mức độ khẩn cấp, áp lực cao và tiếp tục theo dõi mọi hoạt động của một loại tiền tệ có rủi ro lớn đối với người dân.

Bắc Kinh sẽ loại bỏ tận gốc tiền điện tử

Tổng cộng 10 cơ quan chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả ngân hàng trung ương cũng như các cơ quan quản lý ngân hàng, chứng khoán và ngoại hối, cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ sẽ hợp tác chặt chẽ để duy trì một cuộc trấn áp "áp lực cao" đối với giao dịch tiền điện tử.

Giới chức Trung Quốc thông báo các biện pháp siết chặt hơn nữa việc đào tiền mã hóa. Ảnh: @AFP.

Giới chức Trung Quốc thông báo các biện pháp siết chặt hơn nữa việc đào tiền mã hóa. Ảnh: @AFP.

"Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên quyết ngăn chặn hoạt động đầu cơ tiền ảo, các hoạt động tài chính liên quan và các hành vi sai trái nhằm bảo vệ tài sản của người dân và duy trì trật tự kinh tế, tài chính và xã hội", PBOC thông báo trên trang web của mình.

Ngoài ra, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) yêu cầu các chính quyền địa phương "bắt buộc" phải xóa sổ khai thác tiền điện tử - nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao của nền kinh tế Trung Quốc.

Trở thành nỗi đáng sợ của Bitcoiners

Có lẽ đáng sợ nhất đối với các Bitcoiners lúc này là lời hứa công khai của PBOC sẽ giám sát toàn diện công dân cả trực tuyến và ngoại tuyến trong nỗ lực "cải thiện độ chính xác và hiệu quả của việc xác định và phát hiện các hoạt động thổi phồng giao dịch tiền ảo". 

Cụ thể, Chính phủ và các cơ quan sẽ có công nghệ tiên tiến để theo dõi toàn diện thời gian thực các giao dịch Blockchain và thông tin liên quan đến các đồng tiền mới được khai thác, giao dịch và trao đổi trên thị trường. Bất kỳ vi phạm nào cũng sẽ được xử lý bằng "cơ chế phản ứng nhanh", đồng thời yêu cầu các địa phương và tổ chức truy quét những người bị nghi ngờ vi phạm.

"Theo các đầu mối do bộ phận quản lý tài chính chuyển giao, các cơ quan có thẩm quyền về mạng thông tin và viễn thông khẩn trương đóng cửa các ứng dụng Internet như website, ứng dụng di động, các chương trình nhỏ thực hiện các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo theo quy định của pháp luật", PBOC nhấn mạnh.

Thị trường đào tiền mã hóa tại Trung Quốc tiếp tục bị "bóp chặt", khi chính quyền tiếp tục thực thi các chiến dịch truy quét các cơ sở đào tiền mã hóa, đặc biệt là bitcoin có ở tại quốc gia này. Ảnh: @AFP.

Thị trường đào tiền mã hóa tại Trung Quốc tiếp tục bị "bóp chặt", khi chính quyền tiếp tục thực thi các chiến dịch truy quét các cơ sở đào tiền mã hóa, đặc biệt là bitcoin có ở tại quốc gia này. Ảnh: @AFP.

Mở đường cho dạng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của nhà nước

Một số chuyên gia nhận định, động thái trên cũng là cách dọn đường cho một loại tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh sắp phát hành sau các cuộc thử nghiệm đầu tiên. Đây là một dạng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số dự kiến sẽ được tung ra ở quy mô lớn hơn sắp tới, và mặc dù nó có nhiều điểm tương đồng với các loại tiền điện tử hiện tại, nhưng điểm khác biệt chính là nó có thể được chính phủ kiểm soát dễ dàng hơn.

Ngoài ra, nỗ lực kiểm soát tiền ảo của Trung Quốc được triển khai khi nước này tiến tới mục tiêu khí hậu. Là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, Trung Quốc đặt mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2060.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem