Vừa qua, theo Global Daily, một buổi tọa đàm báo chí với chủ đề "Chủ động ứng phó với tình trạng lão hóa và kéo dài tuổi nghỉ hưu theo luật định", nhằm đối phó với các thách thức của xã hội già hóa đang ngày càng hiện rõ tại Trung Quốc đã diễn ra.
Ông Đỗ Bằng, một chuyên gia có mặt tại buổi tọa đàm, đã cung cấp những dữ liệu cụ thể về quá trình lão hóa của xã hội Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ qua. Theo ông, vào năm 2000, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên của Trung Quốc đã vượt qua mức 7%, đưa đất nước này chính thức bước vào xã hội già hóa. Đến năm 2021, con số này đã tăng lên 14%, gấp đôi so với năm 2000. Dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ đạt 20%, đánh dấu Trung Quốc bước vào giai đoạn "siêu già hóa."
Trung Quốc đối mặt thực trạng già hóa dân số
Trước sự phát triển nhanh chóng của hiện tượng này, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm đối phó. Ông Đỗ Bằng cho biết từ năm 2000, Trung Quốc đã ban hành "Quyết định về việc tăng cường công tác người cao tuổi." Đến năm 2006, trong "Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 11", khái niệm "Chủ động ứng phó với quá trình lão hóa dân số" lần đầu tiên được đề cập. Năm 2020, tại "Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 5 khóa 19", vấn đề lão hóa dân số được chính thức nâng lên thành chiến lược quốc gia.
Vào Đại hội Toàn quốc lần thứ XX, Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh chiến lược quốc gia này, đồng thời kêu gọi sự phối hợp toàn diện giữa các cấp chính quyền để đối phó với thách thức già hóa.
Theo số liệu do ông Đỗ Bằng cung cấp, hiện nay dân số Trung Quốc trên 60 tuổi đã vượt quá 300 triệu người. Vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận từ năm 2010 và ngày càng được chú trọng trong các nghị quyết quan trọng. Năm 2013, "Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 3 khóa 18" đã đề cập đến việc xây dựng chính sách kéo dài dần dần tuổi nghỉ hưu. Đến năm 2020, "Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 5 khóa 19" đã đề xuất quy hoạch toàn quốc về bảo hiểm hưu trí và kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Trong "Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14", Trung Quốc đã đưa ra các nguyên tắc như "điều chỉnh từng bước nhỏ", "thực hiện linh hoạt" và "kết hợp đồng bộ" trong việc nâng độ tuổi nghỉ hưu.
Ông Đỗ Bằng chỉ ra rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không phải là quyết định tức thời mà đã qua hơn một thập kỷ nghiên cứu và thảo luận. Ông cũng cho biết Trung Quốc hiện đang ở giai đoạn dân số cao tuổi tăng nhanh trong khi lực lượng lao động lại giảm sút, do đó đây là thời điểm thích hợp để tiến hành cải cách tuổi nghỉ hưu.
Lịch sử của tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc cũng cho thấy sự thay đổi cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện đại. Vào năm 1951, khi tuổi nghỉ hưu được thiết lập, tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc chỉ là 44 tuổi. Tuy nhiên, đến nay, tuổi thọ trung bình đã tăng lên 78,6 tuổi, khiến tuổi nghỉ hưu hiện tại (60 cho nam và 50 cho nữ) trở nên thấp hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình.
Ông Đỗ Bằng cho biết từ năm 2025, Trung Quốc sẽ bắt đầu điều chỉnh dần dần tuổi nghỉ hưu trong vòng 15 năm. Cụ thể, nam giới sẽ nghỉ hưu ở tuổi 63, nữ nhân viên ở tuổi 55 và nữ cán bộ ở tuổi 58.
Về vấn đề tài chính, ông Đỗ Bằng thừa nhận rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ tạo áp lực lớn lên quỹ lương hưu. Năm 2022, Trung Quốc đã chi khoảng 6.000 tỷ nhân dân tệ cho lương hưu, và con số này dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới.
Dù chưa có giải pháp rõ ràng cho sự thiếu hụt tài chính, ông Đỗ Bằng khẳng định rằng Trung Quốc cần phải đảm bảo đời sống cho người cao tuổi, từ việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho đến nâng cao đời sống tinh thần và văn hóa của họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.