Phải tôn trọng chủ quyền Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc vừa điều tàu hậu cần mới nhất và lớn nhất để tiếp tế hậu cần cho các khu vực mà nước này chiếm đóng và xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm theo dõi mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông và cho rằng các hoạt động này phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó UNCLOS (Luật Biển) 1982 cũng như Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Một chiếc tàu hậu cần mới của Trung Quốc hoạt động trong khu vực Biển Đông. Ảnh: China Daily
Trước đó cùng ngày, nhật báo PLA của Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã đưa tàu hậu cần lớn và mới nhất để tiếp tế hậu cần cho các khu vực mà nước này xây dựng và chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là hành động mới nhất của Trung Quốc trong chuỗi diễn biến gây căng thẳng trên Biển Đông. Theo báo này, chiếc tàu dài 90m, nặng 2.700 tấn này là tàu hậu cần thế hệ mới nhất của hải quân Trung Quốc. Chiếc tàu này có thể chở những vũ khí nặng hàng tấn và đủ chỗ cho máy bay trực thăng đậu.
Liên quan đến phản ứng của Việt Nam về phiên điều trần đang diễn ra tại Tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc về vụ Phillipines kiện Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, ông Lê Hải Bình cho hay: “Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là luôn theo đuổi và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp theo biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tiếp tục cử đoàn với tư cách quan sát viên đến dự phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện trọng tài giữa Phillipines và Trung Quốc diễn ra từ ngày 24-30.11.2015”.
Việt Nam - Campuchia xây thêm 2 cột mốc
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam và Campuchia khởi công xây dựng các cột mốc số 30, 275, ông Lê Hải Bình nêu rõ: “Thực hiện Hiệp định hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia được ký ngày 27.12.1985 và hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia ký ngày 10.10.2005, Chính phủ 2 nước Việt Nam và Campuchia đã thỏa thuận xây dựng đồng thời hai cột mốc 30 ở cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - Ozadao thuộc cặp tỉnh Gia Lai – Ratanakiri và cột mốc 275 ở cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên – Phnumden thuộc cặp tỉnh An Giang - Takeo cũng như đoạn đường khoảng 450m để nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu Lệ Thanh – Ozadao”.
Theo người phát ngôn, ngày 20.11.2015 vừa qua, hai bên đã đồng thời khởi công xây dựng 3 công trình nêu trên, gồm cột mốc 30, cột mốc 275 và đoạn đường 450m. Việc xây dựng 2 cột mốc này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong phân tác phân mốc cắm giới đất liền, hướng tới xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Campuchia”.
Trước việc Bộ Thương mại Mỹ ngày 18.11 đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với các sản phẩm thép cuộn các-bon từ 5 nước, trong đó có Việt Nam, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định các công ty của Việt Nam hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp từ chính phủ Việt Nam và không bán phá giá mặt hàng ống thép cuộn các-bon vào thị trường Mỹ. Việc Bộ Thương mại Mỹ quyết định điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng này là không có cơ sở. Chúng tôi cho rằng Bộ Thương mại Mỹ cần nhìn nhận và xử lý vấn đề này một cách khách quan và công bằng, trên tinh thần tự do hóa thương mại, phù hợp với các cam kết tự do hóa thương mại đa phương cũng như quan hệ kinh tế - thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.