Không góp phần làm giảm căng thẳng
Ngày 17.6, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho biết, nước này biết rằng Trung Quốc có kế hoạch hoàn tất một số hạng mục xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông trong những ngày tới, song kế hoạch mà Trung Quốc tuyên bố không góp phần làm giảm căng thẳng, hỗ trợ việc đưa ra các giải pháp hòa bình và ngoại giao, hay giúp củng cố những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh. Trước đó cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố sẽ sớm hoàn tất hoạt động bồi đắp lấn biển trên một số hòn đảo và bãi đá ngầm trên Biển Đông, ngụ ý Bắc Kinh đang tiến gần tới việc thiết lập các tiền đồn mới tại vùng biển trung tâm ở Đông Nam Á.
Hình ảnh vệ tinh chụp được các hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Rappler
Tờ Wall Street Journal bình luận, tuyên bố của phía Trung Quốc chỉ mang tính “xoa dịu nhất thời” để dọn đường cho chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Huang Jing- một chuyên gia về chính sách ngoại giao của Trung Quốc tại Học viện Chính sách công Lý Quang Diệu tại Singapore nhận định: “Mỹ vừa lên tiếng yêu cầu Trung Quốc dừng việc cải tạo đảo lại thì Trung Quốc đã công bố hoàn tất việc này. Thông qua hành động này, Trung Quốc muốn khẳng định, với tư cách là một nước lớn, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng kiểm soát căng thẳng và thực thi những gì mà nước này cho là phù hợp với lợi ích của mình”. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược ở Biển Đông là “cắt lát salami”, hay chiến thuật “không đánh mà thắng”.
Cùng với Mỹ, ngày 17.6, Nhật Bản cũng đã lên tiếng chỉ trích hoạt động cải tạo bồi lấn đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt "hành động đơn phương" được cho là nhằm khẳng định chủ quyền tại vùng biển tranh chấp này. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihida Suga nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự quan ngại về các hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng và gây leo thang căng thẳng”. Ông Suga nhấn mạnh rằng “ngay cả khi đã hoàn tất hoạt động cải tạo bồi lấn, đó cũng không được xem là việc đã rồi”, ám chỉ Nhật Bản sẽ không bao giờ công nhận các âm mưu của Trung Quốc nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thông qua các hoạt động xây đảo nhân tạo như vậy.
Tham vọng vẫn còn đó
Không chỉ lo ngại về mưu đồ của Trung Quốc khi tuyên bố dừng việc cải tạo đảo ở Biển Đông, Mỹ và các nước trong khu vực còn rất lo lắng với việc kể từ năm 2003, Bắc Kinh đã tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng lên 175%. Trong đó, đáng quan tâm nhất chính là những công trình quân sự được xây dựng trên bãi Chữ Thập, bao gồm một hệ thống radar và một đường băng đài 3km, sẽ được đưa vào sử đụng vào cuối năm nay.
Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, trong tuần tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức Đối thoại Kinh tế chiến lược lần thứ 7, trong đó vấn đề Biển Đông sẽ vẫn là trọng tâm của đối thoại. Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew trong hai ngày 23-24.6 sẽ thay mặt Tổng thống Barack Obama tiếp đón cố vấn Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương tại Washington.
Theo truyền thông Mỹ, Washington sẽ nêu ra các thử thách và cơ hội mà hai nước đang đối đầu trên nhiều chủ đề song phương, khu vực và thế giới với các lợi ích kinh tế chiến lược ngắn và dài hạn. Trước hết là tình hình căng thẳng trở lại tại Biển Đông, do tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc khiến các quốc gia Đông Nam Á phải lên tiếng phản đối. Việc Bắc Kinh ồ ạt bồi đắp, xây các đảo nhân tạo nhằm độc chiếm vùng biển chiến lược đối với giao thương quốc tế cũng đã gây lo ngại đến an ninh hàng hải và lợi ích kinh tế của nhiều quốc gia khác.
Bà Mira Rapp Hooper- chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, tuyên bố của Trung Quốc ngừng xây dựng chỉ nhằm mục đích “giảm nhiệt” căng thẳng trước cuộc họp hàng năm quan trọng của Mỹ- Trung. Điều đó không làm thay đổi chính sách bành trướng của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.