Trung Quốc: Người trẻ tìm đường về quê vì chi phí sống tại thành phố quá đắt đỏ

Trọng Hà (Theo Sixth Tone) Chủ nhật, ngày 21/04/2024 12:00 PM (GMT+7)
Sinh viên Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đang lựa chọn tìm kiếm công việc tại các huyện và thị trấn, nơi có nhiều cơ hội hơn để làm việc trong môi trường nhà nước.
Bình luận 0

Sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc ngày càng có xu hướng rời các thành phố lớn và tìm kiếm việc làm tại các thị trấn và quận huyện nhỏ hơn.

Khảo sát từ những người Trung Quốc trẻ tuổi được thực hiện bởi công ty tư vấn giáo dục Mycos đã phát hiện ra sự “gia tăng đáng kể” về số lượng sinh viên mới tốt nghiệp làm việc bên ngoài các thành phố trung ương. Vào năm 2018, chỉ 20% số người được hỏi làm việc tại các quận và thị trấn sáu tháng sau khi tốt nghiệp, nhưng con số này đã tăng lên 25% vào năm 2022.

Trung Quốc: Người trẻ tìm đường về quê vì chi phí sống tại thành phố quá đắt đỏ

Công ty Mycos cho rằng sự gia tăng này là do một số yếu tố bao gồm: sinh viên tốt nghiệp muốn chuyển đến gần gia đình hơn và tránh áp lực khắc nghiệt thường đi kèm với việc làm ở các thành phố lớn. Công ty cũng cho biết các quận và thị trấn “cung cấp nhiều cơ hội hơn để gia nhập "hệ thống"”, ám chỉ các công việc thuộc khu vực công. Báo cáo cho thấy một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các quận và thị trấn được tuyển dụng trong khu vực nhà nước. Trong nhóm này, nam giới được khảo sát có nhiều khả năng làm việc trong các vị trí thuộc chính phủ và quản lý công, trong khi nữ giới có nhiều khả năng làm việc nhất trong lĩnh vực giáo dục.

Trung Quốc: Người trẻ tìm đường về quê vì chi phí sống tại thành phố quá đắt đỏ- Ảnh 1.

Sinh viên Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đang lựa chọn tìm kiếm công việc tại các huyện và thị trấn, nơi có nhiều cơ hội hơn để làm việc trong môi trường nhà nước. Ảnh: PR Daily.

Báo cáo chỉ ra rằng, những sinh viên tốt nghiệp rời khỏi các thành phố lớn nhìn chung hài lòng với sự nghiệp của họ. Gần 60% số người được hỏi làm việc tại các quận và thị trấn đã ở cùng một nơi trong ít nhất năm năm, thu nhập hàng tháng trung bình của họ đã tăng từ 4.640 nhân dân tệ (641 USD) trong năm 2018 lên 5.377 nhân dân tệ vào năm 2022. Tỷ lệ hài lòng trung bình trong công việc của họ đã tăng từ 67% lên 76% trong cùng giai đoạn.

Những phát hiện này phản ánh một sự thay đổi đáng kể trong lối nghĩ của những người Trung Quốc trẻ tuổi. Trong nhiều thập kỷ, sinh viên tốt nghiệp một cách ồ ạt đã chọn bắt đầu sự nghiệp của họ tại các thành phố lớn, nơi có xu hướng tập trung các công việc được trả lương cao nhất và uy tín nhất. Nhưng điều đó đã bắt đầu thay đổi khi chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn tiếp tục tăng và cuộc cạnh tranh việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Các sáng kiến chính sách mới được thiết kế để thu hút sinh viên tốt nghiệp trở về khu vực quê hương của họ cũng đóng một vai trò đáng kể. Ví dụ, huyện Toại Xương ở tỉnh Chiết Giang miền đông Trung Quốc đã thành công với chương trình của mình. Chương trình này cung cấp cho những người có bằng thạc sĩ khoản trợ cấp nhà ở 300.000 nhân dân tệ và khoản trợ cấp sinh hoạt hàng năm 30.000 nhân dân tệ trong năm năm nếu họ đến làm việc cho một đơn vị địa phương.

Dương Bằng, 27 tuổi, đến từ huyện Tu Thủy ở tỉnh Giang Tây phía Đông Trung Quốc, là một trong số nhiều người trẻ đã quyết định trở về nhà sau khi trải nghiệm ngắn ngủi cuộc sống ở thành phố lớn. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Vương quốc Anh vào tháng 9/2022, anh trở về Trung Quốc và nhận một công việc ở Thượng Hải, nhưng công việc này quá áp lực đối với anh. Sau hai tháng, anh xin nghỉ việc và thông báo cho bố mẹ biết rằng anh sẽ chuyển về Tu Thủy.

“Nó giống như đi tàu lượn siêu tốc, và tôi không thể thở được”, Dương nói.

Dương cho biết việc chuyển về nhà dường như là điều hiển nhiên. Anh sẽ được ở gần bạn gái, người đã ở lại Giang Tây để học đại học và sau đó có một công việc công chức ở Tu Thủy. Anh cũng cảm thấy rằng việc ở gần gia đình là điều quan trọng. Anh vẫn nhớ cảm giác tồi tệ như thế nào khi sống ở nước ngoài trong đại dịch và không thể ở bên mẹ khi bà bị ốm.

“Chất lượng cuộc sống của tôi ở thành phố nhỏ tốt hơn ở Thượng Hải, vì tôi có thể dành thời gian cho bố mẹ, giúp phát triển việc kinh doanh của gia đình và xây dựng mối quan hệ với bạn gái”, Dương chia sẻ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem