Trung Quốc phát hiện thêm nhiều mộ cổ, hé lộ những bí ẩn

Chủ nhật, ngày 12/12/2021 06:49 AM (GMT+7)
Trong những đợt khai quật mới nhất, các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện thêm nhiều báu vật trong hàng loạt ngôi mộ cổ, bao gồm cả lăng mộ của một số thân nhân hoàng tộc. Qua đó tiết lộ sự khác biệt về nghi thức tang lễ cho giới quý tộc và thường dân thời Cổ đại.
Bình luận 0
Phát hiện thêm nhiều báu vật trong mộ cổ, hé lộ nghi thức tang lễ thời Cổ đại Trung Quốc - Ảnh 1.

Khách du lịch chụp hình tháp chuông của Bảo tàng Cố Cung trong cảnh tuyết đầu mùa tháng 1/2021. (Ảnh: Li Xin/Xinhua)

Mộ cổ của thân nhân Hoàng đế Huyền Tông và Võ Hậu cho thấy nghi thức tang lễ xa hoa của giới quý tộc Cổ đại

Hãng tin Xinhua ngày 11/12 dẫn nguồn tin từ Cục Di tích Văn hóa Thiểm Tây cho biết: Trong cuộc khai quật mới nhất tại thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây, các nhà khảo cổ đã phát hiện thêm 3.648 ngôi mộ cổ có niên đại trải dài qua hơn 2.200 năm lịch sử. Trước đó cũng tại đây đã phát hiện nhiều mộ cổ cùng các di vật quý.

Phát hiện thêm nhiều báu vật trong mộ cổ, hé lộ nghi thức tang lễ thời Cổ đại Trung Quốc - Ảnh 2.

Một điểm khảo cổ vừa được khai quật gần đây tại công trường xây dựng sân bay quốc tế Hàm Dương ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: Webo)

Đây là cuộc khai quật mới nhất tại quận Wiecheng của thành phố Hàm Dương. Điểm khai quật nằm ở phía bắc thành phố Tây An - nơi từng là cố đô Trường An của 13 triều đại bao gồm cả của nhà Hán và nhà Đường, cũng là điểm kết thúc phía đông của Con đường Tơ lụa cổ xưa huyền thoại. 3.648 ngôi mộ cổ này thuộc nhiều cụm nghĩa trang gia đình, có niên đại từ khoảng thời Đông Hán (năm 25-220) đến thời nhà Đường (năm 618-907).

Phát hiện thêm nhiều báu vật trong mộ cổ, hé lộ nghi thức tang lễ thời Cổ đại Trung Quốc - Ảnh 3.

Bức tượng Phật Thích ca Mâu ni này vừa được phát hiện tại một điểm khai quật và được giới thiệu hôm 9/12 tại thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: Xinhua)

Theo ông Li Ming - nhà nghiên cứu của Học viện Khảo cổ Thiểm Tây, trong số này có cả lăng mộ của một số nhân vật lịch sử được chôn cất trong khu vực mai táng dành cho giới quý tộc bao gồm thân nhân hoàng tộc và quan lại. 

Tiểu sử của họ được ghi chép lại trong Biên niên sử của 2 triều đại nhà Hán và nhà Đường. Gây chú ý nhất là lăng mộ của người em trai họ của Hoàng đế Huyền Tông đời Đường và lăng mộ người anh họ của Võ Hậu (Võ Tắc Thiên - Nữ Hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc).

Tuy nhiên tới thời kỳ khởi đầu của các triều đại nhà Tống (năm 960-1279), nhà Minh (năm 1368-1644) và nhà Thanh (năm 1644 -1912) đã có sự thay đổi, khi khu vực lăng mộ quý tộc này được sử dụng làm nghĩa địa cho cả dân thường.

Phát hiện thêm nhiều báu vật trong mộ cổ, hé lộ nghi thức tang lễ thời Cổ đại Trung Quốc - Ảnh 4.

Công viên di tích tường thành thời nhà Minh ở Bắc Kinh, là nơi có phần dài nhất và được bảo tồn tốt nhất của bức tường thành. (Ảnh: Wikipedia)

Có hơn 16.000 mảnh di vật được tìm thấy tại đây trong quá trình khai quật kéo dài 1 năm. Trong lịch sử khảo cổ của Trung Quốc chưa từng có trường hợp nào khai quật tại cùng một nghĩa trang mà thời gian lại kéo dài và phát hiện được cả lăng mộ quý tộc của các nhân vật đặc biệt như vậy - ông Li Ming lưu ý.

Những phát hiện khảo cổ mới này được giới chuyên môn đánh giá là sẽ cung cấp một mẫu hình hiếm hoi, cho việc nghiên cứu cả về tính liên tục và sự thay đổi trong các nghi thức tang lễ dành cho giới quý tộc và thường dân thời Cổ đại ở Trung Quốc.

Mộ cổ ở ngoại ô Bắc Kinh tiết lộ phong tục mai táng thời Tây Chu

Tin báo chí ngày 9/12 cũng cho biết, các nhà khảo cổ vừa phát hiện và khai quật một số lượng lớn các di vật có từ thời Tây Chu (năm 1046-771 trước Công nguyên) tại khu di tích khảo cổ Liulihe 3.000 năm tuổi ở quận Fangshang, ngoại ô phía tây nam Thủ đô Bắc Kinh.

Phát hiện thêm nhiều báu vật trong mộ cổ, hé lộ nghi thức tang lễ thời Cổ đại Trung Quốc - Ảnh 5.

Một trong những ngôi mộ cổ vừa được khai quật tại khu di tích khảo cổ Liulihe ở ngoại ô phía tây nam Thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: Global Times)

Đây là vòng khai quật mới nhất vừa bắt đầu từ tháng 10/2021 tại 5 ngôi mộ cổ ở khu di tích khảo cổ Liulihe (địa điểm tình cờ được phát hiện năm 1945), sau 40 năm gián đoạn. Trước đó một loạt cuộc khai quật diễn ra thời thập niên 1970 cho thấy đây là đô thị sớm nhất ở Bắc Kinh, mà theo các tài liệu lịch sử thì Bắc Kinh từng là địa điểm kinh đô của nước Yên chư hầu thời Tây Chu. Nay các nghiên cứu mới nhất đã chứng minh rõ điều đó.

Phát hiện thêm nhiều báu vật trong mộ cổ, hé lộ nghi thức tang lễ thời Cổ đại Trung Quốc - Ảnh 6.

Bà Wang Jing - nhà khảo cổ hàng đầu tại di tích khảo cổ Liulihe - hôm 7/12 giới thiệu các di vật văn hóa được phát hiện trong 5 ngôi mộ cổ vừa khai quật. (Ảnh: Zou Hong/China Daily)

Theo Cơ quan Quản lý Di sản Văn hóa Bắc Kinh, có hơn 100 di vật văn hóa đã được phát hiện trong 5 ngôi mộ cổ vừa khai quật lần này tại di tích khảo cổ Liulihe. Bà Wang Jing - nhà khảo cổ thuộc Viện Nghiên cứu Khảo cổ Bắc Kinh cho biết: các di vật này bao gồm đồ đồng, đồ sơn mài, đồ gốm và các mảnh lụa, có từ thời Tây Chu. Trong đó nhiều loại hiện vật chưa từng được khai quật ở Bắc Kinh như đồ đồng có các chi tiết sống động và trang trí tinh tế…

Phát hiện thêm nhiều báu vật trong mộ cổ, hé lộ nghi thức tang lễ thời Cổ đại Trung Quốc - Ảnh 7.

Các cổ vật bằng vàng được khai quật từ một ngôi mộ cổ thời Đông Chu (năm 770-256 trước Công nguyên) tại làng Liujiawa thuộc huyện Chengcheng, tỉnh Thiểm Tây, năm 2018. (Ảnh: Xinhua)

"Chúng tôi đã ghi lại vị trí ban đầu của các hiện vật. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho hiểu biết của chúng tôi về phong tục mai táng vào thời điểm đó" - bà Wang Jing nêu rõ.



Linh Quyên (Xinhua, Daily)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem