Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đưa ra một lộ trình cải cách toàn diện tại Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên, cơ quan quyền lực tối cao của Đảng cộng sản Trung Quốc công bố các chính sách toàn diện, kể từ khi khóa lãnh đạo mới - ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường lên nhậm chức.
Trong lịch sử Trung Quốc, kể từ sau giai đoạn cải cách mở cửa, Hội nghị trung ương 3 đã “nổi tiếng” – được coi là nơi đưa ra những chính sách quan trọng. Chẳng hạn, Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 năm 1978 quyết định khởi động quá trình mở cửa, lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm. Hội nghị Trung ương 3 khóa 14 năm 1993 xác lập thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Vậy Hội nghị Trung ương 3 lần này đã đề ra chính sách gì?
Hội nghị Trung ương 3 vừa diễn ra tại Bắc Kinh
Tân Hoa Xã dẫn nghị quyết của hội nghị nêu rõ: “Vấn đề cốt lõi là cần làm rõ mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường, cho phép thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực và cải thiện vai trò của chính phủ".
Để thị trường quyết định việc phân bổ các nguồn lực, nhiệm vụ cơ bản là xây dựng một nền kinh tế mở và thống nhất với sự cạnh tranh có trật tự. Các hoạt động kinh doanh phải được hoạt động một cách độc lập và cạnh tranh bình đẳng, trong khi người tiêu dùng phải được tự do lựa chọn và chi tiêu.
"Mục tiêu tổng thể là để hoàn thành và phát triển hệ thống xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc và thúc đẩy việc hiện đại hóa hệ thống quản lý và khả năng quản lý", nghị quyết viết. Nghị quyết cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thành lập một nhóm chỉ đạo ở cấp trung ương để hoạch định, điều phối, thúc đẩy và giám sát tiến trình cải cách một cách toàn diện.
Tốc độ và các giải pháp của cải cách chính trị, kinh tế có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn trong một vài tháng nữa, khi các chính sách cụ thể được Trung Quốc công bố.
M.Đ (M.Đ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.