Nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên
Khu vực Đông Bắc Á đang được xem như một thùng thuốc súng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, khi các bên liên quan gồm Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ xuống thang.
Bằng việc tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân và liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo, Bình Nhưỡng rõ ràng đang thách thức sự kiên nhẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phía bên kia, Washington tỏ ra không hề kém cạnh khi cùng Hàn Quốc tập trận quy mô lớn và mang tới đây hầu như mọi vũ khí chiến lược hùng mạnh nhất của mình.
Đánh Triều Tiên dĩ nhiên khó mang lại lợi ích cho Mỹ, thậm chí còn gây thiệt hại nặng vì chiến phí lẫn số tiền phải bỏ ra để tái thiết sau này. Nhưng cũng cần nhớ rằng chính quyền của ông Trump không hề mềm dẻo như ông Obama, vì vậy biện pháp quân sự đơn phương là không thể loại trừ.
Tiêm kích F-15 của Không quân Mỹ đóng tại Nhật Bản thực hiện màn diễu binh "Voi đi bộ" nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Triều Tiên. Ảnh: AF.mil.
Nếu chiến tranh tổng lực nổ ra, phải khẳng định rằng mặc dù Triều Tiên được coi là một cường quốc quân sự nhưng vẫn chẳng thể ngang hàng với Mỹ, đặc biệt vào giai đoạn hiện nay khi vũ khí hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của họ chưa thực sự hoàn thiện để triển khai.
Quân đội Nhân dân Triều Tiên có quy mô rất lớn nhưng vũ khí trang bị đa phần đã quá lạc hậu, đây lại không phải thời điểm thập niên 1950 để có thể sử dụng chiến thuật biển người, chấp nhận thương vong để xóa nhòa khoảng cách về công nghệ.
Nguy cơ lực lượng vũ trang Triều Tiên bị vô hiệu hóa nhanh chóng dưới những đòn tấn công ào ạt từ trên không của máy bay Mỹ như Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh, trước khi liên quân Mỹ - Hàn mở đợt tấn công trên bộ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Lục quân Hàn Quốc ít hơn về số lượng nhưng mức độ hiện đại hóa lại vượt xa Triều Tiên. Ảnh: Getty Images.
Trung Quốc sẽ có hành động ra sao?
Trong quá khứ, khi liên quân Mỹ-Hàn mở đợt phản công, Quân đội Triều Tiên đã bị dồn ép lên tận vùng cực Bắc đất nước và chỉ thoát khỏi cảnh bị xóa sổ nhờ 1 triệu "Chí nguyện quân" Trung Quốc. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, nếu Bình Nhưỡng đứng trước nguy cơ thất thủ, liệu Bắc Kinh có lại can thiệp như hồi năm 1950?
Tình hình thế giới thời điểm hiện tại đã khác quá xa giai đoạn sau Thế chiến thứ hai, khi trật tự chính trị đang được các "ông lớn" thiết lập. Ngày nay với sự liên kết chặt chẽ của nền kinh tế toàn cầu, các cường quốc chẳng dại gì dàn quân đánh trực diện với nhau mà thường phải ủy nhiệm cho một "đàn em" nào đó.
Chiến tranh với Mỹ là điều Trung Quốc phải tránh, thậm chí còn chẳng thể viện trợ ồ ạt cho đồng minh, nhưng cũng không thể để mất vùng đệm đảm bảo an ninh quan trọng như Triều Tiên, vậy phương án nào là tối ưu với Bắc Kinh?
Xe tăng Trung Quốc trong một buổi lễ duyệt binh. Ảnh: Popular Science.
Một khả năng đang được nhắc tới đó là Trung Quốc sẽ dựa vào "lý do trời ơi" nào đó để chớp thời cơ, thần tốc đưa quân vào chiếm Bình Nhưỡng trước khi liên quân Mỹ - Hàn kịp kéo lên. Vừa giữ lại vùng đệm an toàn, lại bất ngờ tung đòn kết liễu một quốc gia có vũ khí hạt nhân và hóa học nằm sát mình nhưng đang tỏ ra càng ngày càng "khó bảo".
Tiếp giáp với Triều Tiên trước đây là Đại quân khu Thẩm Dương với quân số 250.000 người. Sau khi sắp xếp lại biên chế tổ chức, Chiến khu Bắc Bộ của Quân đội Trung Quốc ra đời bao gồm Quân khu Thẩm Dương cũ và một phần Quân khu Tế Nam, quản lý 4 tập đoàn quân 16, 26, 39 và 40.
Lực lượng trên việc Trung Quốc can thiệp quân sự vào Triều Tiên là điều hoàn toàn có thể xảy ra và họ đủ sức để đánh bại Quân đội Triều Tiên trong thời gian ngắn ngay cả khi còn nguyên sức mạnh. Trong trường hợp các đơn vị Triều Tiên bị tiêu hao nặng nề dưới đòn tấn công của Mỹ, việc xe tăng Trung Quốc nhanh chóng tràn vào chiếm Bình Nhưỡng chỉ sau một đêm là viễn cảnh có thực.
Nếu tình huống trên xảy ra, đây sẽ là con bài được Bắc Kinh sử dụng nhằm mặc cả trên bàn cờ địa chính trị thế giới, diễn biến sau đó gần như không thể đoán định được vào lúc này.
Chí Linh (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.