Trung Quốc: Siêu công nghệ phòng chống lũ lụt quảng cáo rầm rộ, không ngăn được thảm họa

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 04/08/2021 08:35 AM (GMT+7)
Hai dự án thành phố thông minh nổi tiếng ở Trịnh Châu gồm một dự án quản lý lũ lụt và một dự án khác về an toàn đường hầm đã bị chỉ trích nặng nề, khi so kè thực tế bão lũ đổ bộ.
Bình luận 0

Trịnh Châu - tỉnh lỵ của 12 triệu dân trên sông Hoàng Hà vỡ trận trước thảm họa bão lũ

Tính đến ngày 2/8, có hơn 300 người được xác nhận đã thiệt mạng do trận lũ lụt gần đây ở miền Trung Trung Quốc, gấp ba lần số người chết được công bố trước đó. Phần lớn nạn nhân ở Trịnh Châu, tỉnh lỵ của 12 triệu dân trên sông Hoàng Hà, nơi có 292 người chết và 47 người mất tích. 

Lượng mưa kỷ lục đã trút xuống Trịnh Châu vào ngày 20/7 biến các đường phố thành dòng sông chảy xiết, và gây ngập lụt ít nhất một phần của một tuyến tàu điện ngầm. Trong ba ngày của tháng trước, lượng mưa 617,1mm đã đổ xuống ở Trịnh Châu, gần tương đương với mức trung bình hàng năm là 640,8mm.

Và sau những thiệt hại về người đang diễn ra chưa kịp nguôi, "bóng dáng" về tác dụng của các hệ thống thành phố thông minh được quảng cáo rầm rộ của Trịnh Châu đã dần được nhắc tới.

Trận lũ quét tàn khốc đã tấn công Trịnh Châu, cho thấy những trận mưa như trút nước đã gây chết người nhanh như thế nào trong một thành phố hiện đại đông đúc. Ảnh: @AP.

Trận lũ quét tàn khốc đã tấn công Trịnh Châu, cho thấy những trận mưa như trút nước đã gây chết người nhanh như thế nào trong một thành phố hiện đại đông đúc. Ảnh: @AP.

Rầm rộ nhưng liệu có phát huy được tác dụng thực tế

Các hệ thống thành phố thông minh được quảng cáo rầm rộ của Trịnh Châu từng được cho là sẽ giúp ích cho các nhà quy hoạch quản lý và an toàn đô thị đã bị giám sát, và điều tra chặt chẽ sau khi lũ lụt gần đây tàn phá cơ sở hạ tầng thành phố, và khiến nhiều người thiệt mạng, trái ngược với sứ mệnh mà các dự án này đặt ra trước đó.

Hai dự án thành phố thông minh nổi tiếng ở Trịnh Châu- một thành phố hơn 10 triệu dân ở miền Trung Trung Quốc đã bị chỉ trích, sau trận mưa bão kỷ lục tấn công tỉnh Hà Nam vào tuần trước, khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có 14 người ở hệ thống tàu điện ngầm địa phương và 6 người thiệt mạng trong đường hầm Jingguang.

Một trong những công nghệ được quan tâm là hệ thống ngăn lũ lụt theo thời gian thực được lắp đặt tại thành phố vào tháng 12 năm ngoái, bởi Công ty Công nghệ Hệ thống Thông minh Hàng không Vũ trụ Thần Châu, một chi nhánh của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước của Trịnh Châu.

Theo các tuyên bố chính thức, hệ thống được thiết kế để giúp chính quyền thành phố giám sát mực nước trong thời gian thực, thông qua các cảm biến và "phân tích nước lũ thông minh", và sẽ nhanh chóng thông báo cho các bộ phận liên quan về những nguy hiểm sắp xảy ra. Hệ thống có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu từ một số văn phòng khí tượng địa phương, bao gồm dữ liệu lớn về khí tượng, thủy văn và các lĩnh vực liên quan khác.

Các nhân viên cứu hộ chèo thuyền qua một con phố ngập lụt ở Trịnh Châu, Trung Quốc, ngày 23/7. Ảnh: @AP.

Các nhân viên cứu hộ chèo thuyền qua một con phố ngập lụt ở Trịnh Châu, Trung Quốc ngày 23/7. Ảnh: @AP.

Công nghệ còn lại là hệ thống giám sát đường hầm Jingguang được lắp đặt như một phần sáng kiến năm 2020 của thành phố nhằm theo dõi an toàn đường hầm.

Một báo cáo truyền thông chính thức cho biết vào tháng 6 rằng, các camera và cảm biến trong đường hầm đã làm cho cơ sở hạ tầng trở nên "thông minh", và thậm chí có thể gửi cảnh báo qua ứng dụng điện thoại thông minh về tai nạn hoặc nguy hiểm sắp xảy ra. Mặc dù vậy, có vẻ như trong tuần trước, những người lái xe đã không biết về thảm họa sắp xảy ra.

Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu hai hệ thống này không đưa ra cảnh báo, hay các cơ quan chính phủ Trịnh Châu không thực hiện hành động khi nhận được cảnh báo từ hai hệ thống khẩn cấp này.

Chính quyền thành phố Trịnh Châu nói với trang South China Morning Post rằng, một cuộc điều tra về lý do tại sao các hệ thống thành phố thông minh không bảo vệ được công dân sẽ diễn ra sau khi công tác thoát lũ khẩn cấp và cứu hộ hoàn tất.

Ngoài ra, Trung tâm Đường hầm Trịnh Châu, nơi chịu trách nhiệm vận hành đường hầm vẫn chưa phản hồi về làn sóng tranh cãi mới nhất.

Một ga tàu điện ngầm ở Trịnh Châu, Trung Quốc bị ngập vào ngày 21/7. Ảnh: @AP.

Một ga tàu điện ngầm ở Trịnh Châu, Trung Quốc bị ngập vào ngày 21/7. Ảnh: @AP.

Là dự án chỉ để trưng bày hay chỉ là tiêu pha tiền bạc?

Các câu hỏi về tác dụng của thành phố thông minh đã xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc trong giai đoạn hiện tại, khi sự cố tử vong hàng loạt xảy ra. Ge Wenyao, một đối tác của quỹ đầu tư tư nhân Thượng Hải đã bình luận trên Weibo rằng, các dự án thành phố thông minh Trịnh Châu là "lãng phí tiền bạc và hoàn toàn vô dụng". Lời chỉ trích của ông đã nhận được sự ủng hộ và thích từ nhiều người dùng Weibo, nền tảng mạng xã hội giống Twitter của Trung Quốc.

Các nhà phân tích khác lại đặt câu hỏi về vai trò bộ máy của chính quyền địa phương trong thảm họa. Hoặc có thể là do sự thiếu hiệu quả, hoặc sự phối hợp không đồng bộ, kịp thời nhất quán giữa các cơ quan khác nhau có thể không chuyển tín hiệu hệ thống thành cảnh báo công khai kịp thời cho người dân.

Ví dụ, cơ quan khí tượng thành phố Trịnh Châu đã gửi năm "cảnh báo đỏ" về mưa lớn, mức cảnh báo thời tiết cao nhất, nhưng chính quyền thành phố Trịnh Châu đã không có hành động đình chỉ trường học hoặc giao thông.

Patrick Zhan, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn CNTT IDC cho biết, việc ban hành thông tin phòng ngừa thảm họa thường cần sự phối hợp giữa các bộ phận khác nhau.

Hình ảnh kinh hoàng về những chiếc ô tô bị lật và những người bị mắc kẹt trong tàu điện ngầm và đường phố ngập lụt ở Trung Quốc đã tràn ngập trên mạng xã hội trong những ngày qua. Ảnh: @AP.

Hình ảnh kinh hoàng về những chiếc ô tô bị lật và những người bị mắc kẹt trong tàu điện ngầm, đường phố ngập lụt ở Trung Quốc đã tràn ngập trên mạng xã hội trong những ngày qua. Ảnh: @AP.

Zhan nói thêm rằng, nhiều dự án thành phố thông minh ở Trung Quốc còn lâu mới sẵn sàng đối phó với thiên tai, và hầu hết các thành phố của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ "đặt nền móng" cho thành phố thông minh, bằng cách lắp đặt camera, đám mây, trung tâm dữ liệu và nền tảng xử lý.

Các nhà phân tích khác lại cho biết, lượng mưa trong trận bão lũ này quá lớn, có thể đã vượt quá công suất thiết kế của các hệ thống thông minh hiện tại.

Được biết, thành phố thông minh đã trở thành khái niệm chiến lược thông dụng trong những năm gần đây ở Trung Quốc, khi các chính quyền địa phương mong muốn sử dụng công nghệ mới để số hóa việc quản lý thành phố, và cải thiện mức sống của người dân thành phố. Thuật ngữ này được sử dụng bao gồm tất cả mọi thứ, từ giám sát đến cơ sở hạ tầng đô thị, dịch vụ thành phố, giao thông vận tải và quản lý năng lượng, đối phó thiên tai, thảm họa.

Những bó hoa được đặt bên ngoài ga tàu điện ngầm ở Trịnh Châu, Trung Quốc vào ngày 27/7/2021. Người dân đã đặt hoa ở lối vào ga tàu điện ngầm, nơi có nhiều người chết sau trận mưa lớn kỷ lục làm ngập thành phố. Ảnh: @AP.

Những bó hoa được đặt bên ngoài ga tàu điện ngầm ở Trịnh Châu, Trung Quốc vào ngày 27/7/2021. Người dân đã đặt hoa ở lối vào ga tàu điện ngầm, nơi có nhiều người chết sau trận mưa lớn kỷ lục làm ngập thành phố. Ảnh: @AP.

Vào cuối năm 2019, hơn 500 thành phố ở Trung Quốc đã bắt tay vào các loại dự án thành phố thông minh khác nhau, nhưng chỉ có 8,4% thành phố thông minh đã đạt đến mức ổn định, với hơn 43% còn lại trong giai đoạn sơ bộ, theo một báo cáo từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, nhà hoạch định kinh tế của đất nước.

Qian-ming Lu, giám đốc điều hành của DHI Trung Quốc, một nhà cung cấp giải pháp môi trường nước cho biết, một số chính quyền địa phương đã lựa chọn các dự án thành phố thông minh chỉ mang tính "trưng bày", thay vì nhắm vào các vấn đề thực tế. Lu cho biết giám sát, ngăn ngừa và quản lý ngập lụt đô thị nên là "một trong những vấn đề quan trọng nhất khi nhìn vào việc xây dựng thành phố thông minh".

Một chuyên gia khác cho biết, khoảng cách giữa tầm nhìn và thực tế là một vấn đề đối với nhiều dự án do chính phủ lãnh đạo ở Trung Quốc, mặc dù việc quản lý dữ liệu lớn đang tạo ra sự khác biệt.

"Thành phố thông minh chỉ là một khái niệm trong các dự án thiết kế đô thị, hơn là một thực tế ở Trung Quốc hiện nay", Pan Anyi, một chuyên gia quy hoạch đô thị người Pháp đã làm việc hơn một thập kỷ tại Trung Quốc cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem