Trung Quốc tạo mơ hồ về Biển Đông

Thu Loan Thứ tư, ngày 25/11/2015 06:41 AM (GMT+7)
Trung Quốc tạo ra mơ hồ và dùng nó như một thứ chiến lược trong vấn đề Biển Đông - các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế về Biển Đông (tổ chức tại Vũng Tàu ngày 24.11) nhận định như vậy.
Bình luận 0

Trong ngày làm việc thứ 2 của hội thảo, các đại biểu tiếp tục đề cập đến luật pháp quốc tế về Biển Đông với 4 phiên thảo luận về tranh chấp tại Biển Đông trên khía cạnh pháp lý, về triển vọng hợp tác trong tương lai và về những tình huống giả định trong việc giải quyết, phân định và hợp tác tại Biển Đông.

Tạo mơ hồ giữa quyền lịch sử với vùng đặc quyền kinh tế

Các chuyên gia về luật đến từ các đại học danh tiếng trên thế giới về luật pháp đã thảo luận về  những điều mà Trung Quốc đòi hỏi, quyền lịch sử liên quan thế nào đến vùng đặc quyền kinh tế, trong đó bao gồm quyền đánh cá, khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền nghiên cứu khoa học...

img

Các đại biểu trong phiên thảo luận sáng 24.11 về luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.   Ảnh:Thu Loan

Các đại biểu cho rằng, Trung Quốc đã tạo ra mơ hồ giữa quyền lịch sử với các vùng đặc quyền kinh tế, tuỳ từng trường hợp để có lợi cho Bắc Kinh. Và, chính sự mơ hồ này lại là tài sản chiến lược của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Tại hội thảo, tiến sĩ Hong Nong thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Luật Biển, Viện Nghiên cứu Nam Hải (NISCSS) của Trung Quốc đã có phát biểu gây tranh cãi cho các nhà nghiên cứu luật pháp quốc tế khi bà này “tung hoả mù” bằng nhận định rằng “chủ quyền lịch sử đường lưỡi bò” của Trung Quốc có ý nghĩa hơn trước pháp luật so với khái niệm “vùng đặc quyền kinh tế” của các nước khác ở Biển Đông. Bất chấp trước những luận điểm có căn cứ về luật pháp quốc tế trong tranh chấp Biển Đông, bà Hong Nong cho rằng, giới hàn lâm Trung Quốc tin khái niệm “lịch sử” vẫn đóng vai trò quan trọng trong luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, vị chuyên gia không nêu ra được Trung Quốc lấy cái gọi là “chủ quyền lịch sử” này từ đâu ra.

Bằng chứng của Trung Quốc không đáng tin cậy

Trên thực tế, cho đến nay Trung Quốc không những không lý giải được cơ sở của yêu sách đường chín đoạn mà còn cố tình không tôn trọng, xuyên tạc luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho mình.

Phản bác lại những luận điểm vô căn cứ của chuyên gia Trung Quốc, chuyên gia Bill Hayton thuộc Viện Hoàng gia các vấn đề quốc tế (Anh) trong bài tham luận về “những bằng chứng không đáng tin cậy về vấn đề Biển Đông”, cho biết, các nghiên cứu lưu trữ gần đây tìm ra nhiều bằng chứng phản bác lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Theo ông Hayton, hầu hết các công trình nghiên cứu của Trung Quốc về Biển Đông dựa trên một số lượng nhỏ văn thư xuất bản trong những năm 1970 và 1980, đó không phải là toàn bộ lịch sử.

Giáo sư  Robert G. Volterra - đối tác Công ty Volterra Fietta của Anh, tác giả của bài tham luận về nghĩa vụ kiềm chế, không đe doạ hay sử dụng vũ lực trên Biển Đông, cho rằng, trong khi chưa có giải pháp để giải quyết vấn đề Biển Đông, bất cứ hành động nào trái pháp luật đều là khiêu khích. Ông Volterra nhấn mạnh, việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo các hòn đảo đang có tranh chấp cũng là hành động khiêu khích và hành động xây dựng cải tạo đảo không làm tăng thêm tính pháp lý của thực thể đó. Ông Volterra nhấn mạnh, mọi hành động trên Biển Đông đều phải kiềm chế và tuyệt đối không được sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Trong phiên thảo luận chiều 24.11, các đại biểu đã đề cập triển vọng của vụ kiện Trung Quốc – Philippines về tranh chấp Biển Đông. Những thảo luận diễn ra trong bối cảnh cùng ngày, Tòa trọng tài thường trực The Hague (PCA) bắt đầu phiên điều trần đầu tiên kéo dài một tuần về những khiếu nại của Philippines trước tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông. PCA cũng khẳng định việc Trung Quốc không chịu tham gia phiên tòa này cũng sẽ không ảnh hưởng tới tính hợp pháp của nó và việc Philippines đơn phương khởi xướng phiên tòa này cũng không ảnh hưởng gì tới các quy trình giải quyết những tranh chấp theo công ước. 

Tiến sĩ Đặng Đình Quý- Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định, hội thảo sẽ có tác động đến giới nghiên cứu, hoạch định chính sách của các nước, nhất là hơn 50 quan chức của chính phủ các nước tham dự hội thảo sẽ là những người trực tiếp nắm bắt được các vấn đề. Thứ hai là, hội thảo sẽ tác động đến giới học giả. Các cuộc tranh luận hết sức thẳng thắn, thậm chí có lúc tương đối căng thẳng, nhưng rất khoa học. Qua đó, có thể chuyển biến được nhận thức của các học giả, họ sẽ viết bài, kiến nghị với các chính phủ và định hướng công luận.  

(Theo TTXVN) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem