Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân, hàng trăm nghìn người thiệt mạng?

Chủ nhật, ngày 31/01/2021 20:30 PM (GMT+7)
Các ước tính chính thức chưa được công bố, nhưng có vẻ phóng xạ hạt nhân đã có tác động khủng khiếp đến khu vực dân cư xung quanh.
Bình luận 0

Trung Quốc tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân

Theo nhà phân tích Peter Suciu trên tạp chí National Interest, vào ngày 16/10/1964, tại khu thử nghiệm Lop Nur gần hồ nước mặn cũ ở sa mạc phía tây bắc Trung Quốc, quân đội Trung Quốc đã cho kích nổ quả bom nguyên tử đầu tiên.

Đề án 596, còn được Cộng đồng tình báo Mỹ gọi là "Chic-1", là một thiết bị phân hạch kiểu nổ được chế tạo từ uranium cấp độ vũ khí sau khi nguồn uranium này được làm giàu trong một nhà máy khuếch tán khí ở Lan Châu.

Với vụ thử đó [vụ thử thành công đầu tiên trong số 45 cuộc thử nghiệm được Trung Quốc tiến hành trong giai đoạn 1964-1996], Trung Quốc đã trở thành cường quốc hạt nhân thứ 5 trên thế giới. Tất cả các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc đều diễn ra tại khu Lop Nur, trong đó có tổng cộng 23 vụ được thực hiện trong bầu khí quyển.

Thực hư các vụ thử hạt nhân của Trung Quốc khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng - Ảnh 1.

Hình ảnh vụ thử hạt nhân của Trung Quốc năm 1964. Ảnh: Wikimapia

Tháng 6/1967, chỉ 32 tháng sau vụ thử hạt nhân thành công đầu tiên, Trung Quốc đã tiến hành cuộc thử nghiệm nhiệt hạch đầu tiên có sức công phá 3.3 megatons – gấp 200 lần sức công phá của quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima.

Cuộc thử nghiệm này gây chú ý vì nhiều lý do. Đầu tiên, vũ khí nhiệt hạch được thiết kế như một quả bom có thể triển khai từ máy bay hoặc tên lửa đạn đạo. Bên cạnh đó, cuộc thử nghiệm đã làm nổi bật những tiến bộ mà Trung Quốc đã đạt được trong chương trình hạt nhân. Để so sánh, Mỹ đã mất tới 86 tháng để đi từ vụ nổ hạt nhân đầu tiên [tháng 7/1945] cho tới vụ nổ nhiệt hạch đầu tiên trên thế giới [1951].

Đáng lưu ý, trong khi các nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được khởi xướng từ đầu những năm 1950 thì Liên Xô đã đóng vai trò hỗ trợ rất lớn cho Trung Quốc theo thỏa thuận ký kết giữa Bắc Kinh và Moscow năm 1951 và sau đó là năm 1957.

Tuy nhiên, với sự nguội lạnh trong quan hệ Xô-Trung cuối những năm 1950, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã quyết định từ chối cung cấp nguyên mẫu bom cho Bắc Kinh. Thay vào đó, Trung Quốc buộc phải phát triển dự án thử nghiệm hạt nhân riêng của mình.

Cuộc thử nghiệm hạt nhân cuối cùng của Trung Quốc trong khí quyển [cũng là cuối cùng trên thế giới] đã diễn ra tại Khu D, Lop Nur vào ngày 16/10/1980. Kể từ sau đó, các vụ thử hạt nhân đều được tiến hành dưới lòng đất. Công tác thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc chính thức kết thúc vào năm 1996, mặc dù người ta tin rằng nước này vẫn tiếp tục phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân.

Mùa xuân năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc có thể đã tiến hành một vụ thử hạt nhân dưới mặt đất với đương lượng nổ thấp, vi phạm Hiệp ước Cấm thử nghiệm toàn diện (CTBT) ký kết năm 1996.

Thực hư các vụ thử hạt nhân của Trung Quốc khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng - Ảnh 2.

Người Trung Quốc ăn mừng cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào ngày 16/10/1964. Ảnh: Thinking Taiwan

Hệ lụy lâu dài

Những tác động của các vụ thử hạt nhân Trung Quốc, đặc biệt là gần 20 vụ thử trong khí quyển, phần lớn chưa được nghiên cứu do thiếu dữ liệu chính thức. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Suciu, Tân Cương là khu vực sinh sống của khoảng 20 triệu người thuộc các sắc tộc khác nhau, và hiện vẫn chưa rõ bức xạ hạt nhân đã ảnh hưởng đến dân số ở đây như thế nào.

Một số báo cáo cho biết, bụi phóng xạ đã lan rộng khắp khu vực và hàng trăm nghìn người có thể đã thiệt mạng sau gần 40 vụ thử hạt nhân được thực hiện từ năm 1964-1969.

Một chuyên gia người Nhật Bản nghiên cứu sâu về cường độ phóng xạ cho rằng, đỉnh bức xạ ở Tân Cương đã vượt mức đo được trên nóc lò phản ứng hạt nhân Chernobyl sau thảm họa năm 1986.

Theo nhà phân tích Suciu, uớc tính có khoảng 194.000 người đã chết vì phơi nhiễm phóng xạ cấp tính, trong khi khoảng 1,2 triệu người đã nhiễm phóng xạ ở mức đủ cao để mắc bệnh bạch cầu, ung thư thể rắn và tổn thương thai nhi.


PV (Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem