Trung Quốc tổ chức triển lãm chuỗi cung ứng đầu tiên trên thế giới
Trung Quốc tổ chức triển lãm chuỗi cung ứng đầu tiên trên thế giới
Hoài Phương
Thứ hai, ngày 12/06/2023 10:57 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh leo thang cấm vận thương mại, Trung Quốc tổ chức triển lãm chuỗi cung ứng đầu tiên trên thế giới nhằm củng cổ vị thế toàn cầu của mình trong chiến tranh công nghệ.
Trung Quốc tổ chức triển lãm chuỗi cung ứng đầu tiên trên thế giới
Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh leo thang cấm vận thương mại, Trung Quốc tổ chức triển lãm chuỗi cung ứng đầu tiên trên thế giới nhằm củng cổ vị thế toàn cầu của mình trong chiến tranh công nghệ.
Triển lãm chuỗi cung ứng quốc tế sẽ khai mạc tại Bắc Kinh ngày 28/11 năm nay. Giữa lúc Mỹ và đồng mình tăng cường áp đặt các hạn chế thương mại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn thông qua triển lãm để bảo vệ vai trò quan trọng của mình trong sản xuất toàn cầu.
Sự kiện kéo dài 5 ngày với chủ đề “kết nối thế giới vì một tương lai chung”, nhằm mục đích “hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc tham gia sâu hơn vào phân công lao động công nghiệp toàn cầu” và “thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững”, ông Ren Hongbin, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT) - nhà tổ chức triển lãm cho biết.
Triển lãm có diện tích sàn hơn 100.000 mét vuông, gồm 5 lĩnh vực chính: xe thông minh, nông nghiệp xanh, năng lượng sạch, công nghệ số và lối sống lành mạnh. Phát ngôn viên của CCPIT Nie Wenhui cho biết sự kiện dự kiến thu hút hơn 300 nhà triển lãm, trong đó có 30% từ nước ngoài, với số lượng doanh nghiệp đến từ Mỹ chiếm nhiều nhất.
Chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tầm quan trọng của trung tâm tìm nguồn cung ứng toàn cầu Trung Quốc đang bị đe doạ bởi những nỗ lực từ Mỹ. Nhà Trắng đã nhiều lần phủ nhận việc Mỹ muốn cắt đứt hoàn toàn thương mại với Trung Quốc, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tồn tại kể từ năm 2018, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc.
Nhiều mức thuế vẫn được giữ nguyên đến nay. Cuộc chiến thương mại này đã dần biến thành cuộc chiến công nghệ. Năm 2019, ông Trump thêm gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, cấm hãng mua thiết bị, sản phẩm và dịch vụ từ các công ty Mỹ mà không có giấy phép.
Đến tháng 10 năm ngoái, chính quyền của người kế nhiệm ông Trump, Tổng thống Joe Biden, tiếp tục mở rộng các lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, cấm các công ty Trung Quốc mua thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.
Dưới áp lực đó, các đồng minh của Mỹ lần lượt áp dụng các biện pháp kiểm soát tương tự, nhằm đẩy Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng chip toàn cầu, cản trở Trung Quốc đạt được sự tự cung tự cấp về công nghệ.
Bắt đầu từ tháng 7 năm nay, Tokyo sẽ yêu cầu các nhà cung ứng Nhật Bản phải có giấy phép trước khi bán 23 loại công cụ chip cho khách hàng nước ngoài. Đầu năm nay, Hà Lan cho biết sẽ đưa ra các hạn chế xuất khẩu đối với công nghệ bán dẫn.
Trước các hạn chế này, doanh số thiết bị sản xuất chip bán cho các công ty Trung Quốc đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên, trong khi doanh số bán thiết bị chip toàn cầu tăng 9%, theo dữ liệu từ SEMI, một hiệp hội công nghiệp toàn cầu.
Căng thẳng địa chính trị leo thang, cùng với việc chi phí lao động gia tăng và hạn chế Covid-19 trong ba năm qua đã khiến các doanh nghiệp quốc tế dịch chuyển sản xuất sang các nước châu Á như Ấn Độ và Việt Nam.
Năm ngoái, Apple đã loại 8 nhà cung ứng Trung Quốc nhưng chỉ thêm 5 cái tên mới. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất của hãng ở Ấn Độ tăng từ 11 vào năm 2021 lên 14 vào năm 2022, theo danh sách nhà cung cấp mới nhất của Apple.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.