Theo dữ liệu do Bộ Văn hóa và Du lịch công bố, tổng cộng có 826 triệu chuyến đi đã được thực hiện ở Trung Quốc trong 8 ngày tính đến ngày 6/10, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch.
Chi tiêu của khách du lịch trong nước đã tăng 1,5% so với mức năm 2019 lên 753,43 tỷ nhân dân tệ (103 tỷ USD). Nhưng cả hai mức tăng đều không đạt được dự báo của chính phủ. Trước kỳ nghỉ lễ, Bộ dự kiến du lịch nội địa sẽ đạt 896 triệu chuyến và chi tiêu du lịch đạt 782,5 tỷ nhân dân tệ (107 tỷ USD).
Du lịch đến và đi từ Trung Quốc cũng thất vọng. Theo Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia, trung bình có 1,48 triệu người xuất cảnh mỗi ngày trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng. Con số này chỉ bằng 85,1% khối lượng được ghi nhận vào năm 2019 và thấp hơn mức 1,58 triệu dự báo của cơ quan trước đó.
Tuần lễ Vàng tại Trung Quốc kết thúc ảm đạm
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết dữ liệu du lịch "cho thấy quá trình phục hồi dịch vụ đã chậm lại", nhưng nói thêm rằng quá trình này vẫn đang diễn ra. "Chúng tôi tin rằng việc nới lỏng chính sách bổ sung sẽ là cần thiết để phục hồi hơn nữa trong tiêu dùng và dịch vụ, đặc biệt là trong bối cảnh bất động sản tiếp tục suy thoái và niềm tin vào nền kinh tế vẫn bị suy giảm", Goldman Sachs cho hay.
Dữ liệu từ Alipay, ứng dụng thanh toán lớn nhất Trung Quốc với hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, cho thấy số lượng khách du lịch nước ngoài sử dụng dịch vụ thanh toán của hãng chỉ bằng 80% so với năm 2019. Chi tiêu trung bình mỗi người tăng nhẹ lên 105% so với năm 2019.
Bắc Kinh đã hy vọng rằng một làn sóng "chi tiêu trả thù" sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sau khi người tiêu dùng Trung Quốc thoát khỏi ba năm hạn chế vì đại dịch vào tháng 12.
Các doanh nghiệp phụ thuộc vào du lịch trên khắp thế giới cũng đang chú ý đến sự trở lại của du khách Trung Quốc, vốn là những du khách có mức chi tiêu cao nhất trước đại dịch. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi trong lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc thật đáng thất vọng. Các nhà phân tích của Citi cho rằng sự phục hồi yếu hơn dự kiến về du lịch là do "nhu cầu bị dồn nén" tiêu tan, sức chi tiêu suy yếu trong bối cảnh kinh tế suy thoái và mô hình du lịch thay đổi.
Du lịch nước ngoài đang có đà phát triển với việc nối lại ổn định các chuyến du lịch theo nhóm và tăng số lượng chuyến bay. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết thêm, nhu cầu đi du lịch nước ngoài có thể bị hạn chế bởi việc cấp thị thực và sự mất giá của đồng tiền Trung Quốc, khiến các chuyến đi quốc tế trở nên đắt đỏ hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.