Ngày 13.7.2001. 4 thành phố ứng viên đang chờ đợi đầy lo lắng để nghe tuyên bố của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) từ Moscow. Các tin tức rò rỉ ra ngoài cho hay Toronto, Paris và Istanbul đều đã không còn hy vọng. Thay vào đó, cảnh tượng ăn mừng, vẫy cờ, và tiệc tùng bắt đầu ở Bắc Kinh, khi thủ đô Trung Quốc được chọn làm nước chủ nhà cho Olympic 2008.
Niềm vui là dễ hiểu. Sau khi đã mất quyền đăng cai Thế vận hội đầu tiên của thiên niên kỷ mới một cách cay đắng vào tay Sydney vài năm trước, Trung Quốc cuối cùng đã có cơ hội cho thế giới thấy sức mạnh của một siêu cường mới nổi 1,3 tỉ dân. Tham vọng về thể thao cũng không thể rõ ràng hơn ở kỳ Thế vận hội đầu tiên trên sân nhà: đứng đầu bảng tổng sắp huy chương.
Với việc lần đầu nước này tham dự một kỳ Olympic đầy đủ là 17 năm trước đó ở Los Angeles, đó thực sự là một mục tiêu choáng ngợp. Nhưng Trung Quốc có đủ thời gian - còn 7 năm nữa - và chính quyền sẽ làm tất cả những gì có thể. Họ gọi đó là Dự án 119, và mùi lưu huỳnh từ pháo hoa còn chưa tan, thì những sân tập thể thao trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu nhộn nhịp.
Dự án 119 lấy tên theo số HCV được tính đếm trong những nội dung thể thao mà Trung Quốc về truyền thống không có thế mạnh. Cực giỏi trong các nội dung như bóng bàn, cầu lông, lặn, và thể dục dụng cụ, nhưng để vượt qua những người Mỹ, Trung Quốc sẽ phải mở rộng lĩnh vực tranh tài của họ.
Vào lúc Thế vận hội Athens tới vào năm 2004, Trung Quốc đã chiêu mộ hơn 50 HLV nước ngoài, xây hàng loạt khu phức hợp hiện đại với nguồn vốn từ chính quyền, và lập các chương trình huấn luyện quyết liệt cho các VĐV Olympic trong cuộc đi tìm vàng có một không hai. Tiền bạc không phải là vấn đề, và một quốc gia trước đó trong lịch sử thể thao chẳng mấy kinh nghiệm trong các nội dung như bơi lội, chèo thuyền, quyền anh…, đến năm 2008 đã sẵn sàng tranh tài ở đẳng cấp thế giới.
Thành công của Trung Quốc gần như là nghiễm nhiên ngay cả trước khi những VĐV đầu tiên bước ra sân đấu. Lễ khai mạc tiêu tốn hàng chục triệu USD choáng ngợp ở Bắc Kinh bắt đầu với 2.008 tay trống ở SVĐ Tổ Chim, tiếng trống đồng Fou (Phũ) vang dội nhịp nhàng đến kinh ngạc cũng là lời tuyên bố cho thế giới biết 7 năm qua Trung Quốc đã chuẩn bị với sự chuẩn xác ngặt nghèo kiểu quân đội ra sao.
Số HCV của đoàn thể thao Trung Quốc tăng vọt tại Olympic 2008 khi họ là nước chủ nhà.
“Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hô?” (Có bạn hữu nơi xa đến thăm, chẳng mừng lắm sao?) những tay trống vừa gõ vừa hô vang đồng thanh câu trích dẫn trong thiên thứ nhất - Học nhi - sách Luận ngữ của Khổng Tử. Nhưng sự khách khí đó chấm dứt ngay ở nội dung thi đấu đầu tiên: Trung Quốc cần những tấm HCV. Và họ đã làm được, với 51 HCV tổng cộng, gần gấp đôi so với ở Sydney 8 năm trước. Bắc Kinh không chỉ đạt được mục tiêu đứng đầu bảng tổng sắp huy chương, họ còn dẫn đầu với một khoảng cách lớn: nhiều hơn kình địch Mỹ 15 HCV.
Ngày 15.6.2013. Chủ tịch Tập Cận Bình, một CĐV bóng đá nhiệt thành, ăn mừng sinh nhật 60 tuổi của ông với việc xem ĐTQG Trung Quốc thi đấu. Nhưng thay vì chơi một trận xứng đáng với ngài chủ tịch, Trung Quốc thảm bại 1-5 trên sân nhà dưới tay một ĐT Thái Lan chủ yếu gồm các cầu thủ U21. Với Trung Quốc, xếp hạng 95 thế giới, bại trận trước đội hình 2 của một đối thủ kém họ 47 bậc là một cột mốc đáng hổ thẹn không thể nào quên.
Kết quả đó đáng thất vọng tới mức HLV Jose Antonio Camacho bị sa thải, các CĐV nổi loạn sau trận đấu và đụng độ cảnh sát, khiến hơn 100 người bị thương. Với Chủ tịch Tập, đó là giọt nước tràn ly. Ông thấy điều đó thật khó chấp nhận, và một Dự án 119 cho riêng bóng đá Trung Quốc bắt đầu.
Nhưng đó không hề là phản ứng tức thời. Tình yêu của ông Tập với bóng đá, môn thể thao mà ông đã chơi khi còn là một cậu bé lớn lên ở Bắc Kinh, là điều nhiều người biết. Khi thăm Hàn Quốc với vai trò Phó Chủ tịch nước năm 2011, ông lần đầu vạch ra những kế hoạch đầy tham vọng với bóng đá của mình, cho biết 3 ước mơ của ông đằng sau giấc mơ Trung Quốc: làm chủ nhà World Cup, giành quyền tham dự World Cup, và cho tới năm 2050, vô địch World Cup.
Thất bại ê chề của ĐT bóng đá Trung Quốc trước ĐT Thái Lan là giọt nước tràn ly khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm làm mới nền bóng đá.
Trung Quốc mới 1 lần được dự giải đấu danh giá nhất hành tinh vào năm 2002, khi họ xếp bét bảng đấu của mình với chỉ 0 điểm sau 3 trận. Họ thậm chí không ghi được bàn nào và nỗi đau càng thêm lớn khi các đối thủ châu Á Nhật Bản và Hàn Quốc đều thi đấu vượt trội trước những đại gia châu Âu và Nam Mỹ.
Bóng đá là môn thể thao rất được yêu mến ở Trung Quốc, và với dân số khổng lồ như thế, việc ĐTQG của họ cứ thi đấu bết bát là điều khó hiểu. Với Chủ tịch Tập, Trung Quốc cuối cùng đã có một nhà lãnh đạo muốn đi tìm giải pháp. Tầm nhìn của ông, tất nhiên, không chỉ là về bóng đá, mà còn có cả tính chất chính trị.
Một ĐTQG thành công và giải đấu trong nước mạnh sẽ mang tới nhiều điều tốt đẹp cho các CĐV bóng đá Trung Quốc, nhưng cũng sẽ ghi lại dấu ấn trong di sản của Chủ tịch Tập và có tác dụng trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Giá trị nền kinh tế thể thao nội địa Trung Quốc có thể đạt tới 850 tỉ USD vào năm 2025.
Nhưng chính quyền hiểu rằng họ sẽ phải đối mặt với không ít thách thức để biến Dự án 119 bóng đá thành hiện thực. Bóng đá ở Trung Quốc từ lâu đã ngập ngụa trong quản lý sai lầm và tham nhũng. Còn về mặt xã hội, suốt nhiều thế hệ, việc học hành luôn được ưu tiên hơn thể thao, vốn bị coi chỉ thuần túy là chơi bời giải trí.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người có niềm đam mê rất lớn với bóng đá và chính ông là người quyết tâm nâng tầm bóng đá Trung Quốc.
Nhưng ông Tập rất tự tin. Ông xác định 3 lĩnh vực cốt tử cần cải cách. Tham nhũng là kẻ thù số 1. Để bóng đá Trung Quốc có được sự chính danh cần thiết nhằm thu hút trở lại các nhà tài trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước, nền bóng đá cần sạch và minh bạch. Nạn dàn xếp tỉ số hoành hành ghê gớm ở giải hạng cao nhất Trung Quốc những năm 1990 tới mức có cả một cụm từ để chỉ các trọng tài bẩn: “những chiếc còi đen”.
Mới năm 2010 thôi, 2 đội ở giải chuyên nghiệp China Super League (CSL), Guangzhou GPC (Quảng Châu GPC) và Chengdu Blades (Thành Đô Thiên Thành), bị đánh rớt hạng sau một cuộc điều tra dàn xếp tỉ số. Năm 2012, Lu Jun (Lục Tuấn), trọng tài hàng đầu Trung Quốc và một cựu trọng tài World Cup, bị tuyên án 5 năm tù giam vì nhận hối lộ. Kể từ đó, cuộc truy quét tham nhũng trong mọi lĩnh vực của Chủ tịch Tập đã chứng kiến hàng chục quan chức bóng đá bị cấm suốt đời và sự tái thiết lại toàn bộ LĐBĐ Trung Quốc.
“Những vụ tham nhũng rõ ràng nhất như dàn xếp tỉ số, hối lộ cầu thủ và trọng tài gần như bị loại bỏ hoàn toàn, nhưng khó nói là không có”, Cameron Wilson, biên tập viên trang Wild East Football, nói.
Loại trừ tham nhũng cũng giúp ích cho lĩnh vực thứ hai; xây dựng giải đấu nội địa thành một giải vững vàng, được quốc tế công nhận. Với đội ngũ CĐV đông đảo đang ngày càng giàu lên, một giải đấu quốc nội thật sự hấp dẫn sẽ khiến tình yêu bóng đá càng thêm bùng cháy ở Trung Quốc. Cho tới giờ, kế hoạch tỏ ra hiệu quả. Mức độ đầu tư cho bóng đá ở Trung Quốc thời gian qua đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
Trước đó, bóng đá Trung Quốc thường xuyên bị nạn tham nhũng hoành hành mà nổi bật là vụ trọng tài Lu Jun bị tuyên án 5 năm tù giam vì nhận hối lộ.
“Các công ty lớn ủng hộ bóng đá để xây dựng quan hệ. Bằng cách hỗ trợ các mục tiêu của chính quyền, họ giành được ảnh hưởng trên những hành lang quyền lực ở Bắc Kinh”, Wilson phân tích. Ví dụ chính là đội Quảng Châu từng một thời đầy tai tiếng. Họ đã giành quyền thăng hạng CSL và hiện 60% CLB thuộc quyền sở hữu Tập đoàn Bất động sản Evergrande (Hằng Đại), trong khi Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất nước, đã mua 40% cổ phần còn lại với giá 150 triệu bảng vào năm 2014.
Ở đâu có tiền, ở đó có những tên tuổi lớn. Với việc bổ nhiệm Marcelo Lippi làm HLV năm 2012, Quảng Châu trở thành đội Trung Quốc đầu tiên sau 23 năm giành Champions League châu Á. Chiến lược gia người Italy giờ không còn làm việc ở đó nữa, nhưng Quảng Châu vẫn có danh hiệu lớn thứ 2 vào năm 2015, kèm theo 5 chức vô địch Trung Quốc liên tiếp. Luiz Felipe Scolari hiện ngồi trên chiếc ghế nóng, trong khi Sven-Goran Eriksson và Felix Magath cũng đã tới CSL. Manuel Pellegrini, HLV đã vô địch Premier League với Manchester City, là chiến lược gia danh tiếng gần đây nhất tìm kiếm phiêu lưu (và tiền bạc) ở Viễn Đông.
Đi theo họ, thật tự nhiên, là các cầu thủ. Giống với những tiến triển ở giải nhà nghề Mỹ MLS, CSL đầu tiên chỉ thu hút được các cầu thủ đã ở bên kia sườn dốc. Những người như Nicolas Anelka, Didier Drogba, Frederic Kanoute và Asamoah Gyan tới đều sau khi đã qua tuổi 30. Nhưng trong khi MLS mất 20 năm mới thực sự thu hút được các tên tuổi lớn từ châu Âu, thì Trung Quốc chỉ mất 2 năm.
Những khoản phí chuyển nhượng trên trời - các đội Trung Quốc phá kỷ lục chuyển nhượng 4 lần chỉ trong năm nay - đưa về CSL các danh thủ như Hulk (48 triệu bảng tới Thượng Hải), Alex Teixeira (42,5 triệu bảng tới Giang Tô), Jackson Martinez (35 triệu bảng tới Quảng Châu), Ramires (24 triệu bảng tới Giang Tô), Gervinho (15 triệu bảng tới Hà Bắc), và Graziano Pelle (13 triệu bảng tới Sơn Đông). Tất cả đều được chiêu mộ ở độ chín sự nghiệp và nhiều người từ chối những đề nghị của các CLB lớn tại châu Âu. Teixeira chẳng hạn, được cho là đã lắc đầu với Liverpool, trong khi Martinez bỏ qua Juventus.
Sau khi dự án 119 đi vào hoạt động, bóng đá Trung Quốc đã có những bước tiến nhất định như thành tích vô địch AFC Champions League của Quảng Châu Evergrande.
Sau những tên tuổi lớn, bước logic là các đài truyền hình. Năm 2015, tiền bản quyền truyền hình của CSL có giá 6 triệu bảng. Năm 2016, một hợp đồng 5 năm mới nâng con số này lên 190 triệu bảng. Dù còn lâu mới bắt kịp các giải châu Âu (tiền bản quyền truyền hình cho Premier League mùa 2016-17 là 5,1 tỉ bảng), đó vẫn đã là mức gia tăng khó tin 3.000%.
Cũng nhờ các ngôi sao mới, số khán giả đến sân đã tăng đều đặn. 10 năm trước, lượng khán giả trung bình tới sân ở CSL là 10.611 người/trận. Mùa này, con số đó đã là gần 25.000, còn nhiều hơn các giải Serie A, Ligue 1, Eredivisie, và chỉ kém vài nghìn so với La Liga. Nhưng trong khi những nỗ lực loại bỏ tham nhũng trong bóng đá và củng cố giải quốc nội có vai trò quan trọng, Chủ tịch Tập biết lĩnh vực quyết định sẽ là yếu tố thứ ba: đào tạo trẻ.
Là quốc gia đông dân nhất hành tinh, Trung Quốc có mọi lý do để tự tin về triển vọng đào tạo trẻ của họ. Nhưng vì nhiều lý do, triển vọng chưa bao giờ được hiện thực hóa. Chính quyền của Chủ tịch Tập đang muốn thay đổi điều đó.
Thứ Tư ngày 12.11.2014. Wang Dengfeng (Vương Đăng Phong), Cục trưởng Cục giáo dục thể chất Trung Quốc, tuyên bố bóng đá sẽ được đưa vào giáo trình ở các trường học. Khẳng định 20.000 ngôi trường “tập trung vào bóng đá” sẽ được xây dựng tới năm 2017, ông Vương nói các trường này có mục tiêu tìm ra 10 cầu thủ chuyên nghiệp từ 1.000 học sinh, giúp Trung Quốc có đội ngũ 200.000 cầu thủ triển vọng để tuyển lựa cho ĐTQG. Kế hoạch 50 điểm của ông Vương và Bộ Giáo dục Trung Quốc bao gồm những khoản tài trợ cho các trường học, mở các học viện tư, phủ kín mạng lưới đào tạo trẻ khắp cả nước, và chiêu mộ chuyên gia nước ngoài.
Các ngôi sao hàng đầu cũng nô nức đổ về giải VĐQG Trung Quốc (CSL) như (trái sang) Jackson Martinez, Gervinho hay Hulk.
Học viện đào tạo trẻ của Quảng Châu là một ví dụ mẫu mực, với diện tích hơn 67 héc-ta, 50 sân bóng và trị giá 140 triệu bảng. Mối quan hệ đối tác với Quỹ Real Madrid cũng cho phép Quảng Châu đưa về đó 24 HLV bóng đá chuyên nghiệp từ TBN. Nhưng trong khi các trường học và đội bóng sẵn lòng nghe theo chính quyền trong dự án mới, còn một nhóm không dễ thuyết phục: các bậc phụ huynh. Wilson bày tỏ nghi ngờ về khả năng những truyền thống gia đình hàng thế kỷ có thể bị thách thức dễ dàng trong ngắn hạn: “Ngày càng có nhiều người trẻ chơi bóng, nhưng các bậc cha mẹ Trung Quốc bị ám ảnh bởi việc con cái phải học hành thành tài”.
Dẫu sao, kế hoạch ba bước của Chủ tịch Tập đang được triển khai thuận lợi, và Trung Quốc không chỉ thể hiện sức mạnh cùng sự giàu có của họ ở trong nước. Những CĐV các đội Inter Milan, Atletico Madrid, Aston Villa, Wolves, West Brom và Slavia Prague giờ đều đã biết tới sức mạnh của đồng Nhân dân tệ. Các đài truyền hình Trung Quốc cũng đang bỏ tiền lớn ở nước ngoài. Giải Premier League Scotland chẳng hạn, vừa ký một hợp đồng 500.000 bảng với một kênh kỹ thuật số Trung Quốc để phát 55 trận ở giải này trong 3 năm.
Hồi tháng 2, HLV Aresnal Arsene Wenger từng bày tỏ sự nghi ngờ, thậm chí là dè bỉu, với bóng đá Trung Quốc. Khi được hỏi liệu Premier League có nên lo ngại sự vươn lên của CSL không, HLV người Pháp nói: “Tất nhiên, vì Trung Quốc có vẻ có đủ sức mạnh tài chính để chuyển cả một giải ở châu Âu tới Trung Quốc. Chúng ta đều biết đó là sức mạnh kinh tế và họ có điều đó. Nhưng liệu điều đó có lâu dài? Tôi không chắc nữa”.
Trung Quốc cũng đầu tư xây dựng các học viện bóng đá quy mô như Học viện của CLB Quảng Châu Evergrande.
Nhưng giờ Trung Quốc đang chứng minh họ có ý định đầu tư lâu dài. Ngoài việc mua các ngôi sao lớn, CSL tỏ ra có thể làm ăn có lãi với một thị trường khổng lồ. “CSL là một vấn đề lớn với các CLB châu Âu muốn xây dựng cơ sở VĐV ở Trung Quốc”, Wilson bình luận. “Các CĐV Trung Quốc trong tương lai sẽ ngày càng gắn bó hơn với CLB bản địa, và điều này tốt cho sự phát triển của thể thao Trung Quốc nói chung”.
Trong 10 CLB có nhiều người theo dõi nhất trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo, CSL giờ đã có 6. 4 đội còn lại là Manchester United, Manchester City, Barcelona và Arsenal. Đó không phải là thống kê mang tính khoa học, nhưng với hơn 260 triệu người dùng, chủ yếu tuổi từ 20-35, những con số nói trên là đáng cảnh báo với các CLB châu Âu.
PV (Báo Bóng Đá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.