Mặc cho các quan chức quân sự Trung Quốc cho rằng, việc Bắc Kinh cải tạo đảo trên Biển Đông là “hợp pháp” và “để thiết lập hòa bình và ổn định”, Washington vẫn khẳng định, Mỹ không có ý định ngồi yên để Trung Quốc thao túng Biển Đông. Điều này có thể thấy rõ trong những tuyên bố cứng rắn của Mỹ trong những ngày qua. Đặc biệt, trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua của Ngoại trưởng John Kerry, cho dù mối quan hệ Mỹ -Trung đang có những cơ hội hợp tác kinh tế thuận lợi, và cả hai bên đều tự hào về sự hợp tác cùng có lợi, mang lại giá trị thương mại hai chiều đạt 555 tỷ USD, đầu tư song phương vượt mức 120 tỷ USD, nhưng Mỹ vẫn không bỏ qua những bất đồng, trong đó nổi cộm nhất là Biển Đông.
“Như gà đẻ trứng, bò sản xuất sữa?!”
Máy bay trinh sát không người lái MQ-8B Fire Scout trên chiến hạm USS Fort Worth khi tuần tra trên Biển Đông. Navymil
Trả lời phỏng vấn của Foreign Policy, ngay cả các quan chức quân sự và ngoại giao ở Bắc Kinh cũng rất mơ hồ về khái niệm chủ quyền. Cho dù không đưa ra được các bằng chứng pháp lý nhưng những người này vẫn khẳng định Biển Đông là ao nhà của Trung Quốc. Tian Shichen- một nhân vật thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc vô tư ví von rằng: “Cũng giống như những con gà mái đẻ trứng, những con bò sản xuất sữa, nó (Biển Đông) là lãnh thổ của Trung Quốc và chúng tôi cần phải bảo vệ”.
Tham vọng về chủ quyền phi lý của Trung Quốc đã không chỉ dừng lại ở lời nói. Giới chức quân đội Mỹ cũng cho rằng, các dự án xây dựng của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa sẽ tạo thành những căn cứ quân sự nguy hiểm, đe dọa đến an ninh khu vực và an toàn hàng hải. Nhiều loạt ảnh vệ tinh chụp được từ hồi tháng Giêng năm nay cho thấy Trung Quốc xây dựng trên quy mô rộng lớn và nhanh chóng các đảo nhân tạo tại những vùng biển có tranh chấp.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - CSIS - một cơ quan tham vấn của Mỹ - đã lập một website cho phép theo dõi tiến độ các hoạt động xây dựng. Theo đó, trên đảo Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Trung Quốc đã tiến hành nạo vét và xây lên một đảo nhân tạo dài gần 3km. Bắc Kinh đã xây một đường băng trên đảo, mà Trung Quốc vốn không có trong vùng quần đảo này.
Trên đảo Đá Vành Khăn (Mischief), Bắc Kinh đã xây các đảo nhân tạo bằng cách đổ cát trắng lên bề mặt bãi đá, sau đó gia cố bằng các kết cấu kiên cố. Các căn cứ hải quân đang trong quá trình xây dựng. Những căn cứ này sau đó có thể sẽ được quân đội giải phóng nhân dân sử dụng như những tiền đồn để triển khai lực lượng trong giả thuyết có đối đầu quân sự. Các bức ảnh chụp cho thấy Trung Quốc đã xây một đảo nhân tạo gồm hai bờ kè, một cho nhà máy xi-măng và một làm bãi đáp trực thăng trên một mỏm đá thuộc Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef). Các công trình xây dựng tương tự trên những đảo nhỏ khác trong quần đảo Trường Sa, như Đá Lạc (Gaven) và Châu Viên (Cuarteron). Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong năm qua, Trung Quốc đã cải tạo mở rộng diện tích của những đảo nhỏ này từ 202ha lên thành 810ha.
Khả năng đụng độ
Theo báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc về đánh giá an ninh của Trung Quốc, Bắc Kinh hiện đang hiện đại hóa quân sự của mình bằng cách đầu tư triển khai sức mạnh, an ninh đường biển, trong đó ngân sách quân sự đã tăng trưởng trung bình 9,5 % mỗi năm trong giai đoạn 2005 đến 2014. Và tỷ lệ này còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Theo đánh giá của Lầu Năm Góc, với tốc độ “hiện đại hóa” quân sự của Bắc Kinh, có cả những vấn đề không minh bạch, sẽ thách thức những lợi thế của quân đội Mỹ trong thời gian dài.
Gần đây, Mỹ cũng đã đưa ra những đề nghị thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công bố kế hoạch điều tàu chiến, máy bay đến tuần tra Biển Đông để chống lại sự phi lý của Trung Quốc trong việc cải tạo, phá vỡ hiện trạng của những vùng đang tranh chấp. Cho dù kế hoạch của Mỹ chưa được thực hiện, nhưng cũng đã đủ để làm cho Bắc Kinh “nổi đóa”.
Tuần trước, khi Mỹ điều chiến hạm USS Fort Worth đến tuần tra ở Biển Đông, 1 phi cơ trinh sát không người lái và 1 trực thăng Seahawk đã cất cánh từ chiến hạm. Tuy hải quân Mỹ không nhắc gì đến những công trình bồi đắp của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, nhưng những hoạt động của chiến hạm USS Fort Worth rõ ràng là nhằm chứng tỏ năng lực của Mỹ đối phó với khả năng Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Trên các bản đồ chính thức của Trung Quốc có hình vẽ đường chín đoạn vạch ranh giới trên biển của quốc gia này, chiếm tới 90% diện tích Biển Đông. Bản đồ đường vạch đó được gọi là “lưỡi bò” do hình dạng của nó. Diện tích khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền tương đương với diện tích của Địa Trung Hải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.