Từ vụ nam "runner" ngừng tim tại giải chạy bán marathon lớn nhất Việt Nam: Trường hợp nào tuyệt đối không nên chạy bộ?

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 17/04/2024 16:37 PM (GMT+7)
Trước việc một nam vận động viên 34 tuổi ngừng tim khi chạy gần về vạch đích tại giải chạy Tay Ho Half Marathon ngày 14/4, bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo một đối tượng không nên chạy bộ.
Bình luận 0

Trường hợp nào tuyệt đối không nên chạy bộ?

Ngày 14/4, một vận động viên 34 tuổi ngừng tim trước vạch đích của giải chạy Tay Ho Half Marathon. Bệnh nhân hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tiên lượng rất nặng.

Được biết, nam vận động viên gặp sự cố về sức khỏe kể trên là P.B.M. (sinh năm 1990, quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa). Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, thường xuyên được điều trị bằng Coversyl.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, do tiên lượng quá nặng, chiều 17/4 gia đình đã có nguyện vọng đưa về quê nhà.

Từ vụ nam "runner" ngừng tim tại giải chạy bán marathon lớn nhất Việt Nam: Trường hợp nào tuyệt đối không nên chạy bộ?- Ảnh 1.

VĐV tham gia giải chạy Tay Ho Half Marathon 2024. Ảnh: BTC

Sau sự việc đáng tiếc trên, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP Hồ Chí Minh cũng đã chia sẻ những cảnh báo.

Theo PGS Nam, khi tham gia các bộ môn thể thao đối kháng, vận động cường độ cao như chạy bộ, người bị tăng huyết áp rất dễ đối mặt với nguy cơ đột quỵ do huyết áp tăng gây vỡ mạch máu não, nguy cơ đột tử do ngừng tim đột ngột.

"Trong quá trình chạy, người bị tăng huyết áp rất khó phát hiện những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho cơ thể. Khi vận động cường độ cao, cơ thể sẽ tiết ra chất endorphin, giúp cho cơ thể cảm thấy sảng khoái, dễ chịu. Do vậy, người chạy đôi khi khó kiểm soát được bản thân, huyết áp tăng cao nên dễ đối mặt với mối đe dọa cho sức khỏe", PGS Nam cảnh báo.

PGS Nam khuyến cáo người có vấn đề về tăng huyết áp không nên tham gia chạy bộ. Thay vào đó, đối tượng này chỉ nên đi bộ, bơi, tập thể dục nhẹ nhàng, khi mệt nên dừng tập.

Qua trường hợp ngừng tim của nam vận động viên, PGS Nam khuyến cáo mọi người cần cẩn trọng khi tham gia các giải chạy phong trào. Trước khi tham gia, mọi người cần khám sức khỏe cẩn thận để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Nguy cơ nào với vận động viên chạy bộ đường dài?

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho hay những trường hợp tử vong do chạy hoặc chơi thể thao đa phần liên quan đến vấn đề về tim mạch. Có khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước.

Từ vụ nam "runner" ngừng tim tại giải chạy bán marathon lớn nhất Việt Nam: Trường hợp nào tuyệt đối không nên chạy bộ?- Ảnh 2.

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Mạnh cho biết, có 2 sai lầm mà người chơi thể thao không chuyên thường gặp phải, đó là: Thứ nhất: Người có bệnh lý tim mạch chưa được phát hiện. Thứ hai: Có những người đã biết trước bệnh lý tim mạch, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ.

Theo bác sĩ Mạnh, khi chạy bộ, nhịp tim thay đổi, tim đập nhanh hơn. Nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến nhịp tim, huyết áp tăng nhanh và xuất hiện các cơn thiếu máu lên não. Sau vài phút hoạt động, người bệnh sẽ trở lại trạng thái bình thường nhưng đây chính là dấu hiệu dự báo nguy hiểm sắp xảy ra.

Theo các chuyên gia, với các trường hợp chạy đường dài, vận động viên có thể đối mặt với các tình trạng nguy hiểm khác có thể kể tới như:

- Thiếu oxy não, thiếu oxy cơ tim do hệ hô hấp không bù kịp.

- Hạ đường huyết do mất năng lượng quá nhiều không được bù kịp. Đặc biệt, việc thiếu đường cung cấp cho não và tim có thể dẫn tới tình trạng choáng và nặng nề hơn là đột quỵ não.

- Cường giao cảm gây co mạch dẫn tới co thắt mạch máu não, từ đó gây tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ não; co thắt mạch vành tim dẫn tới thiếu máu cơ tim gây nhồi máu cơ tim. Tình trạng này cũng gây thiếu oxy tổ chức tim và não.

- Gây quá tải, trường hợp nặng dẫn đến chấn thương cơ - xương - khớp.

Để có thể chơi thể thao an toàn, theo các chuyên gia, mọi người cần lưu ý những điều sau đây:

- Lựa chọn bộ môn phù hợp, khi tập tự lượng sức mình.

- Nếu muốn chinh phục thử thách thì cần phải có thời gian luyện tập, ví dụ như chạy sẽ luyện tập từ cự ly ngắn tới xa.

- Phải vận động thật kỹ trước khi chạy hoặc chơi thể thao để các cơ quan, tim, phổi có thời gian để thích nghi.

- Lưu ý chế độ ăn, uống phù hợp, bổ sung nước điện giải. Nếu không tuân thủ có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ.

- Trước bất cứ hoạt động thể dục thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức.

- Trong quá trình vận động cần đặc biệt lưu ý đến các tín hiệu cảnh báo của cơ thể.

- Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa về tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp trước khi tập luyện hoặc chơi những bộ môn thể thao cần gắng sức, đối kháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem