Vô Ảnh (tực gốc: Ảnh) đã được công chiếu tại quê hương từ tháng 9 năm ngoái, nhưng phải đến bây giờ, nó mới xuất hiện trên các hệ thống rạp tại Việt Nam, với những suất chiếu khá khiêm tốn về thời gian và số lượng. Bộ phim đã mang về cho Trương Nghệ Mưu giải Kim Mã cho Đạo diễn xuất sắc nhất và một vài giải thưởng quốc tế khác, nhưng tại sao tới Việt Nam, Vô Ảnh lại nhạt nhòa đến vậy? Phải chăng các nhà làm phim Trung Quốc đã không còn chú ý tới thị trường Việt Nam, hay là người Việt Nam đã không còn mặn mà với phim Trung Quốc?
Phong cách tranh thủy mạc được chuyển hóa và vận dụng tối đa trong Vô Ảnh
Thành thật mà nói, Vô Ảnh là một bộ phim khá, nhưng lại là một tác phẩm hơi "xoàng" của Trương Nghệ Mưu. Phim được đầu tư rất kỹ về mặt hình ảnh, với tông màu lấy đen, trắng, xám làm chủ đạo, mang phong cách tranh thủy mạc nổi tiếng của Trung Hoa. Có thể thấy tác giả đã bỏ nhiều thời gian cho tư duy về mặt hình ảnh, nhưng đáng tiếc là bộ phim lại tồn tại những điểm yếu "chết người" mà một đạo diễn tầm cỡ như Trương Nghệ Mưu đáng ra không nên bỏ qua.
Thiếu sự nâng đỡ của một tác phẩm văn học xứng tầm
Trong phim, vô số lần những câu thoại quan trọng được các nhân vật thốt ra không đầu không đuôi, thiếu sót cả về ngữ pháp căn bản, chứ đừng nói đến chuyện thể hiện những hàm ý sâu xa. Thôi được, yếu về lời thoại cũng không phải lỗi lầm to tát. Nhưng những lỗi này cũng ngấm ngầm thể hiện thiếu sót lớn nhất trong khâu xây dựng kịch bản của Vô Ảnh, đó chính là thiếu một cố vấn văn học, hay thiếu sự nâng đỡ của một tác phẩm văn học xứng tầm.
Bất cứ ai từng xem phim của Trương Nghệ Mưu đều biết, ông là một bậc thầy về việc sử dụng hình ảnh để lôi kéo sự chú ý của khán giả, đồng thời làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Từ đứa con đầu lòng của mình là Hồng Cao Lương đến các tác phẩm giúp ông vươn tới Hollywood là Anh Hùng, Thập diện mai phục, yếu tố hình ảnh, màu sắc, bố cục đều nổi bần bật, khiến khán giả xem "đã con mắt". Nhưng tất nhiên ngoài hình ảnh, những bộ phim kinh điển đó của Trương Nghệ Mưu, nhất là những tác phẩm thời kỳ đầu như Hồng Cao Lương, Đèn lồng đỏ treo cao, Phải sống đều được nâng đỡ bởi các tác phẩm văn học xuất sắc. Trương Nghệ Mưu thỏa sức dùng hình ảnh kể chuyện, vì bản thân kịch bản đã đủ mạnh, nó khiến mỗi bộ phim của ông đều có phần "hồn" thâm trầm mà mạnh mẽ, bên trong vẻ ngoài cá tính và lộng lẫy. Nhưng tới Trường Thành, và gần nhất là Vô Ảnh thì sao?
Dù rất đẹp và chất, Vô Ảnh thực ra rất "vô hồn"
Kịch bản gốc của Vô Ảnh có tên Tam Quốc: Kinh Châu, của tác giả Chu Tô. Đường đi của tập kịch bản này khá truân chuyên, qua tay rất nhiều người, cuối cùng mới thuộc về Trương Nghệ Mưu sở hữu. Chu Tô không phải một tác gia lớn. Không rõ những chỗ sai trong phim tới từ kịch bản gốc, hay sau này được thêm vào trong quá trình chỉnh sửa. Nhưng rõ ràng, Trương Nghệ Mưu đã không mua được một kịch bản tốt, và ông cũng không chỉnh sửa nó thành một kịch bản tốt. Thiếu đi chỗ dựa là kịch bản, Trương Nghệ Mưu mới để tác phẩm của mình "hình thức che khuất nội dung". Rõ ràng hình ảnh đầy chất duy mỹ trong phim muốn thể hiện điều gì đó, nhưng khi vào rạp xem phim, rất nhiều khán giả ngủ gục, ra khỏi rạp, họ cũng không rõ phim muốn nói điều gì. Nếu chỉ đơn thuần là kể một câu chuyện, Trương Nghệ Mưu cũng đã thất bại, huống gì truyền đạt điều gì đó lớn lao.
Vạch ranh giới với Tam quốc diễn nghĩa để đi con đường riêng, nhưng không thể
Ai cũng biết các nhân vật trong Vô Ảnh dù mang những cái tên khác, nhưng đều có nguồn gốc là những nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Đó là Tôn Quyền, Chu Du, Tiểu Kiều, Quan Vân Trường... Nhưng Trương Nghệ Mưu cũng như biên kịch Chu Tô không muốn bộ phim nằm dưới sức ảnh hưởng của Tam Quốc diễn nghĩa, một tác phẩm có tính lịch sử, mang đậm màu sắc tranh đấu vì quyền lực và lãnh thổ. Trong phim - đô đốc Tử Ngu (Đặng Siêu diễn) văn võ song toàn, là người giữ gìn biên cương cho chủ công Bái Quốc là Bái Lương (Trịnh Khải diễn). Bái Lương không tin tưởng Tử Ngu, nhiều lần dùng kế thử lòng. Ngoài ra, đối kháng với Tử Ngu còn có Dương Thương (Hồ Quân diễn). Dương Thương võ công cao cường, một mình chiếm giữ Cảnh Châu của Bái Quốc.
Đặng Siêu một mình đảm nhận hai vai trong Vô Ảnh
Tuy nhiên, nhân vật trọng tâm của Vô Ảnh không phải ba người họ. Hay ít ra đó là điều Trương Nghệ Mưu muốn. Nhân vật chính trong phim là kẻ thế thân cho Tử Ngu vốn đã suy kiệt tới mức không thể ra sa trường, tên là Cảnh Châu. Đây là một câu chuyện tương tự như Võ sĩ thế thân của ông hoàng điện ảnh Nhật Bản Akira Kurosawa, nhưng lại bị Trương Nghệ Mưu biến thành một bộ phim nông cạn không kém gì Anh Hùng cách đây gần 20 năm của chính ông.
Cách thiết kế nhân vật thế này, Vô Ảnh lẽ ra muốn thể hiện chủ đề thân phận thấp bé của con người trong bối cảnh thời loạn, hay những "cái bóng" tồn tại ra sao dưới sự khống chế của chủ thể. Họ có thực sự chỉ là những "cái bóng" không? Đây cũng là một chủ đề được biểu đạt rất ấn tượng và gãy gọn trong một bộ phim ăn khách gần gây của đạo diễn Mỹ gốc Phi Jordan Peele - Chúng ta (Us). Vậy mà Vô Ảnh dường như vẫn không thoát được chủ đề tranh giành quyền lực của Tam Quốc diễn nghĩa. Cái bóng của Tử Ngu từ đầu tới cuối phim cũng chỉ là một cái bóng. Bề ngoài anh ta có vẻ đã vứt bỏ được xiềng xích, vùng lên chống lại chủ thể của mình, nhưng thực tế, những gì mà Cảnh Châu - cái bóng đoạt được - chỉ là những gì Tử Ngu đã có. Nói cách khác, cái bóng chỉ thành công trong việc trở thành chủ thể mà thôi. Anh ta không có bản sắc. Hoặc nếu có, anh ta cũng đã vứt bỏ nó để trở thành người giam giữ mình, bắt bớ mẹ mình, thao túng mình trong suốt 20 năm.
Hai nhân vật nữ trong phim, người nhu kẻ cương, nhưng đều không kháng cự được vận mệnh
Không chỉ Cảnh Châu, những nhân vật khác như Tiểu Ngải (Tôn Lệ diễn), hay trưởng công chúa (Quan Hiểu Đồng diễn) nếu không phục tùng số phận, bị quyền lực chi phối, thì cũng hoàn toàn ngơ ngác trước vận mệnh của chính mình. Trong Thu Cúc đi kiện, Phải sống, Lồng đèn đỏ treo cao..., Trương Nghệ Mưu xây dựng hình ảnh nhân vật nữ mạnh mẽ, chân thật bao nhiêu thì ở Vô Ảnh lần này, ông lại để họ "trơ trọi" bấy nhiêu.
Trong phim, ta chỉ thấy sự tranh giành quyền lực của bốn người đàn ông, Tiểu Ngải phần lớn thời gian là sợ hãi, la hét, động lòng với kẻ không nên động lòng, một đối tượng khiến đàn ông hiềm khích, hoàn toàn không có tiếng nói, chỉ là một kẻ ngoài lề. Trường hợp của trưởng công chúa - em gái Bái Lương thì càng tệ. Cô này mới nhìn cứ tưởng cá tính lắm, vì không ngừng cãi lời huynh trưởng, lại biết võ công. Đến khi bị Bái Lương ép gả cho con trai của Dương Thương là Dương Bình (Ngô Lỗi diễn) làm thiếp, công chúa vừa đau vừa hận, xuất cung trà trộn, giết chết Dương Bình. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, thủ phạm đẩy cô ta tới đường cùng, dùng cô ta như một con cờ chính trị, chính là anh trai Bái Lương, chứ không phải cậu trai trẻ không cùng chiến tuyến Dương Bình.
Việc trưởng công chúa không hiểu rõ bản chất vấn đề, khiến chúng ta nghi ngờ, tự hỏi Trương Nghệ Mưu có hiểu rõ bản chất vấn đề hay không. Nếu hiểu rõ vấn đề, ông đã không để Cảnh Châu phục tùng quyền lực và trở thành kẻ nắm quyền lực, không để Tiểu Ngải đầu hàng số phận, không để trưởng công chúa giết nhầm người như vậy. Trương Nghệ Mưu dành quá nhiều thời gian cho phần hình ảnh của Vô Ảnh, ông không còn thời gian suy nghĩ bộ phim của mình đang nói đến cái gì.
Tiểu Ngải nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng, nhưng vận mệnh nàng cũng nào có đổi thay
Xem Vô Ảnh, ta không thấy sự hồi sinh, sự trở lại, hay sự tiến bộ nào của Trương Nghệ Mưu. Chỉ có những câu thoại phát ra vô lý và vô nghĩa, những nhân vật hành xử như những quân cờ, không có linh hồn, không có hy vọng, cũng chẳng thấy tuyệt vọng. Có chăng chỉ là một thế giới đẹp nhưng rỗng như không động, nơi mà con người đã hoàn toàn chai sạn và phục tùng vận mệnh như vốn phải vậy. Và đó chính là thứ khiến khán giả (không chỉ ở Việt Nam mà ngay tại Trung Quốc và nhiều nước khác) không mặn mà với Vô Ảnh. Thiết nghĩ với một đạo diễn tầm cỡ như Trương Nghệ Mưu, ông có thể và nên làm được nhiều hơn thế.
Trailer phim Vô Ảnh
Us đang “phá đảo“ các phòng vé toàn thế giới và cả Việt Nam, dù bị cắt rất nhiều cảnh đắt giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.