Trương Tam Phong – người được cho là có võ công cao nhất trong tất cả truyện kiếm hiệp Kim Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
“Võ công của Trương Chân nhân cực cao, cao tới mức không thể miêu tả được”, Kim Dung nhận xét về nhân vật của mình.
Trương Tam Phong lần đầu tiên xuất hiện trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ của nhà văn Kim Dung khi mới 14 tuổi. Theo miêu tả, ông là đệ tử tục gia (không xuất gia) của phái Thiếu Lâm. Khi cùng sư phụ là Giác Viễn đại sư đuổi theo bắt tên trộm bí kíp Cửu dương thần công của Thiếu Lâm, Trương Tam Phong đã gặp nhiều cao thủ như Dương Quá, Quách Tĩnh, Hoàng Dược Sư trên núi Hoa Sơn. Tại đây, Trương Tam Phong được Dương Quá chỉ dạy một số võ công.
Tuy nhiên, Trương Tam Phong và Giác Viễn đại sư không thể thu hồi Cửu dương thần công do tên trộm đã giấu sách trong bụng một con vượn trắng. Trong tiểu thuyết Ỷ thiên Đồ long lý, Trương Vô Kỵ – giáo chủ Ma giáo – về sau là người tìm được và luyện thành Cửu dương thần công.
Trương Tam Phong và Giác Viễn đại sư phải về Thiếu Lâm chịu phạt vì không bắt được trộm. Lúc này đột nhiên xuất hiện một cao thủ biệt hiệu "Côn Lôn Tam Thánh" là Hà Túc Đạo tới Thiếu Lâm gây rối, đòi tỉ thí với Giác Viễn đại sư. Do bị xích tay chân, Giác Viễn tỏ ra thất thế. Trong tình huống sư phụ gặp nguy hiểm, Trương Tam Phong thi triển võ công được Dương Quá chỉ dạy, đánh Hà Túc Đạo trọng thương, phải nhận thua. Tuy lập công, nhưng Trương Tam Phong lại bị Thiếu Lâm xử phạt vì tội lén lút học võ công của môn phái bên ngoài.
Trương Tam Phong sáng tạo Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm, đến nay vẫn nhiều người học (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Sợ Trương Tam Phong khó sống nổi nếu phải chịu 100 gậy của võ tăng Thiếu Lâm, Giác Viễn đại sư liều chết bảo vệ cậu chạy thoát ra ngoài. Do sức cùng lực kiệt, Giác Viễn đại sư qua đời ngay sau đó. Trước khi chết, ông còn kịp truyền cho Trương Tam Phong bí kíp luyện Cửu dương thần công.
Trương Tam Phong lên núi Võ Đang chăm chỉ luyện tập Cửu dương thần công, kết hợp với việc lĩnh hội được triết lý âm dương của Đạo gia, ông sáng tạo ra Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm, trở thành vô địch thiên hạ, được tôn làm Bắc Đẩu trong võ lâm.
Trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký, Trương Tam Phong có mối tình si với Quách Tương – con gái thứ hai của Quách Tĩnh. Tuy nhiên Quách Tương trước đó đã dành tình cảm đơn phương cho Dương Quá. Về sau Quách Tương xuất gia, sáng lập phái Nga Mi, Trương Tam Phong sáng lập phái Võ Đang. Hai phái này có mối quan hệ mật thiết với nhau và nữ đệ tử phái Nga Mi cũng thường được chỉ định kết hôn với nam đệ tử phái Võ Đang.
Trong truyện Kim Dung, khi sáng lập phái Võ Đang, Trương Tam Phong chỉ tập trung vào việc truyền thụ 2 môn Thái Cực kiếm và Thái Cực quyền. Ông chưa bao giờ cấm đoán việc cho phụ nữ gia nhập Võ Đang và luyện tập võ công. Đối với nam đệ tử, Trương Tam Phong thường xuyên khuyến khích họ có xuống núi hành hiệp giúp đời và lấy vợ. Đạo đức của Trương Tam Phong vì vậy được rất nhiều người kính trọng.
Theo Ỷ thiên ỷ đồ long ký, Trương Tam Phong sinh năm 1247, sống vào khoảng cuối thời Tống đến đầu nhà Minh. Khi kết thúc bộ truyện, ông đã 114 tuổi và là người sống thọ nhất trong tất cả nhân vật trong truyện Kim Dung. Kim Dung không viết về cái chết của Trương Tam Phong. Điều này một phần cũng xuất phát từ thân thế lịch sử của nhân vật đặc biệt này.
Trương Tam Phong là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Phương kỹ truyện (Minh sử) chép, Trương Tam Phong tên thật là Trương Quân Bảo sinh năm 1246, mất năm 1396, thọ 150 tuổi. Tuy nhiên, tuổi thọ thực sự của Trương Tam Phong đến nay vẫn còn là điều gây tranh cãi trong giới nghiên cứu lịch sử Trung Quốc. Một số quan điểm cho rằng, nếu sống tới 150 tuổi, Trương Tam Phong có thể là người sống lâu nhất thế giới từ trước đến nay và điều này càng khó tin khi tuổi thọ của con người thời xưa không được cao như hiện nay.
Những tư liệu lịch sử về Trương Tam Phong rất ít, hầu hết đều được ghi chép lại trong Phương kỹ truyện thuộc dòng chính sử nhà Minh.
Theo Sohu, Phương kỹ truyện chuyên ghi chép lại những nhân vật và sự kiện lịch sử kỳ lạ xảy ra vào thời nhà Minh (Trung Quốc). Hiểu biết của con người vào thời điểm này còn tương đối hạn chế, nên việc “thêm mắm thêm muối” vào khả năng của một nhân vật có thân thế như Trương Tam Phong cũng là điều dễ hiểu. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể "tiếp cận" Trương Tam Phong phần lớn qua lăng kính của những mẩu truyện truyền kỳ.
Theo Phương kỹ truyện, Trương Tam Phong “quê ở Ý Châu, Liêu Đông, là người cao lớn, mình rùa, dáng hạc, mắt lớn, tai to, mặt đỏ, môi son, râu dài tới rốn, ăn khỏe như cọp, đi nhanh như gió”.
Trương Tam Phong có tính tình cổ quái và sức khỏe phi thường. Bất kể trời nóng hay lạnh, ông chỉ mắc một chiếc áo cánh dài và đội mũ đạo sĩ. Cũng theo tư liệu trên, Trương Tam Phong một lần có thể ăn hết vài thùng cơm, nhưng cũng có khi vài tháng mới phải ăn một lần. Ông thường ăn mặc lôi thôi, nằm ngủ trên tuyết lạnh nên bị người đời gọi là “Trương Lạp Thác” (Trương lôi thôi).
Ngoài hành vi khác biệt, Trương Tam Phong còn có võ công cao cường. Ông thực sự là người đã sáng lập ra Võ Đang – môn phái võ thuật lớn bậc nhất ở Trung Quốc, có vị trí sánh ngang với Thiếu Lâm.
Quần thể kiến trúc Đạo giáo trên núi Võ Đang ngày nay (ảnh: SCMP)
Phương kỹ truyện chép Trương Tam Phong “nắm vững thuật trường sinh”, sau khi sáng tạo Thái Cực quyền có thể “đánh bại hơn trăm người chỉ bằng một cú đấm”. Đây cũng là ghi chép duy nhất về võ công của Trương Tam Phong trong lịch sử. Nếu dựa vào tư liệu này, Trương Tam Phong trong lịch sử có lẽ còn lợi hại hơn người đã dạy võ công cho Trương Vô Kỵ – giáo chủ Ma giáo – trong truyện Kim Dung.
Theo Trung Quốc Đạo giáo sử, Trương Tam Phong từng giữ chân thư lại cho một viên thái thú triều Tống.
Một lần, viên thái thú cùng Trương Tam Phong đến bái kiến vị đạo sĩ tên Trần Đoàn đang tu luyện ở Hoa Sơn (tỉnh Thiểm Tây). Trần Đoàn (tức Trần Đoàn lão tổ, cũng là một trong những đạo sĩ nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc, sống vào thời Tống) mời thái thú và Trương Tam Phong ngồi nhưng không bắt chuyện. Điều này khiến thái thú cho rằng mình bị Trần Đoàn khinh thường, tỏ ý không vui.
Lát sau, có vị đạo sĩ khác mặc áo màu xanh đi tới mang theo 3 hột táo màu trắng, đỏ và xanh. Viên thái thú được tặng hột táo xanh nhưng giận vì Trần Đoàn trước đó khinh thường mình nên không ăn mà đưa cho Trương Tam Phong. Trương Tam Phong vội ăn ngấu nghiến, lát sau thấy thần trí tỉnh táo, sáng suốt lạ thường, thân thể cũng khỏe mạnh hẳn lên. Trần Đoàn bấy giờ mới nói vị đạo sĩ áo xanh là Lã Động Tân – người đứng đầu Bát tiên nổi tiếng trong Đạo giáo Trung Quốc.
Trương Tam Phong từ đó quyết tâm tu đạo, sáng lập phái Võ Đang. Ông thường giúp đỡ mọi người nên được tôn làm “chân tiên”.
Theo Sohu, núi Võ Đang ở Hồ Bắc có khí thế hùng vĩ, được xếp vào hàng Tứ đại danh sơn của Đạo giáo (bao gồm núi Võ Đang, Long Hổ, Tề Vân, Thanh Thành). Từ nhà Chu ở Trung Quốc, đã có nhiều đạo sĩ nổi tiếng tới tu luyện ở đây như Lã Động Tân, Âm Trường Sinh… Từ thời Đường, trên núi Võ Đang đã xuất hiện đạo quán, giao cho những đạo sĩ đức cao vọng trọng quản lý, sửa sang.
Những kiến trúc cổ kính mang đậm phong cách Đạo giáo trên núi Võ Đang còn tồn tại đến ngày nay chủ yếu được xây dựng bởi Minh Thành Tổ (Chu Đệ) do vị hoàng đế này quá sùng bái Trương Tam Phong. Nhận được sự ủng hộ và tài trợ của nhà Minh, phái Võ Đang phát triển cực thịnh. Trương Tam Phong được các đạo sĩ Võ Đang thờ làm tổ sư của môn phái này.
Phương kỹ truyện chép, Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) rất hâm mộ phép trường sinh của Trương Tam Phong, nhiều lần sai người tới mời nhưng đến chết cũng không gặp được một lần.
Năm Vĩnh Lạc thứ 10 (1412), Minh Thành Tổ Chu Đệ đích thân viết thư mời Trương Tam Phong:
“Hoàng đế Vĩnh Lạc kính thư lên chân tiên Trương Tam Phong. Trẫm ngưỡng mộ chân tiên đã lâu, mong được nghênh đón bậc phi phàm. Đạo đức của chân tiên cao cả, hơn hết vạn vật, thần diệu khó lường. Trẫm thì tài trí kém cỏi, đức hạnh mỏng manh, chỉ có lòng thành kính, suốt đêm ngày tưởng nhớ không quên. Vậy xin kính cẩn dâng thư mời này. Mong chờ chân tiên xe mây giá lâm để thỏa lòng ngưỡng mộ”.
Từ năm 1412 – 1424, Minh Thành Tổ bỏ ra rất nhiều tiền của, điều 30 vạn thợ giỏi khắp Trung Quốc tu sửa và xây dựng hàng loạt công trình trên núi Võ Đang. Tổng cộng có 9 cung, 8 quán cùng 33 tòa nhà lớn khác nhau để thờ các vị thần tiên trong Đạo giáo và tỏ lòng ngưỡng mộ với Trương Tam Phong. Danh tiếng của Trương Tam Phong vì vậy vang khắp Trung Hoa.
Nhiều người cho rằng Trương Tam Phong đã thực sự đạt tới trường sinh bất tử (ảnh: Sohu)
Theo phương kỹ truyện, Trương Tam Phong sau đó thực sự đã tới gặp Minh Thành Tổ một lần duy nhất. Ông khuyên Minh Thành Tổ hạn chế sắc dục, làm nhiều điều thiện, tạo phúc cho người dân để sớm được thần tiên siêu độ, tu theo con đường của Đạo giáo và thoát khỏi kiếp phàm trần. Thời kỳ Minh Thành Tổ trị vì cũng là lúc nhà Minh phát triển cực thịnh, sử cũ gọi là “Vĩnh lạc thịnh thế”.
Dân gian cũng lưu truyền câu chuyện mang đậm nét thần kỳ về việc Trương Tam Phong gặp Minh Thành Tổ như sau:
Minh Thành Tổ đang ở trong cung, Trương Tam Phong cưỡi mây mà tới. Trương Tam Phong nói với Minh Thành Tổ: “Tìm đạo cầu tiên hãy đi về phía chân trời”. Nói xong liền phi thân mà đi. Trong cung bỗng xuất hiện những đám mây ngũ sắc, cùng hương thơm kỳ lạ hồi lâu mới tan hết. Minh Thành Tổ cùng quần thân thán phục mãi không thôi, ca ngợi rằng trên đời thực sự có bậc thần tiên.
Những mẩu chuyện trên rõ ràng chỉ là tưởng tượng, nhưng cũng phần nào cho thấy Trương Tam Phong được coi trọng ở thời nhà Minh như thế nào.
_____________
Trong kiếm hiệp Kim Dung, Ma giáo là tổ chức bí ẩn, gây nhiều tò mò nhất. Thế lực của Ma giáo rất hùng mạnh, sánh ngang với Võ Đang, Thiếu Lâm nhưng đôi bên thường xảy ra chém giết do thù oán sâu đậm. Tình tiết này có liên hệ mật thiết tới hoạt động của Ma giáo trong lịch sử. Mời bạn đọc tìm hiểu về tổ chức thần bí này trong bài kỳ sau, xuất bản trên mục Thế giới sáng 29.11.2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.