Ngày 29/7, mạng xã hội ồn ào trước câu chuyện của chị Hằng Karose chia sẻ về việc con trai mình (15 tuổi) đứng kéo đàn ở bờ hồ Hoàn Kiếm (đường Đinh Tiên Hoàng) vào tối ngày 28/7, bị lực lượng chức năng đến to tiếng, yêu cầu phải có giấy phép biểu diễn...
Trước sự việc này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên với tư cách là người đang đứng đầu Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho rằng, việc lực lượng an ninh quận Hoàn Kiếm truy giấy phép biểu diễn với cậu bé 15 tuổi đang đứng kéo đàn ở bờ hồ Hoàn Kiếm là không ổn.
Chị Hằng chia sẻ hình ảnh con trai mình biểu diễn trên mạng xã hội
“Trong khi đất nước chúng ta đang khuyến khích các tài năng trẻ mang tài năng của mình cống hiến cho đất nước, cho nhân dân thì việc cậu bé 15 tuổi mang đàn ra kéo cũng được xem là một việc biểu diễn âm nhạc đường phố của một tài năng.
Chưa nói về mức độ tài năng, chỉ nói riêng về hành động mang tính biểu diễn nghệ thuật hoặc tìm cơ hội cọ xát với thực tế, không có dấu hiệu lợi dụng chuyện đó để kiếm tiền phản cảm… thì không nên cấm cản, cũng không đòi hỏi phải có giấy phép gì cả.
Người trẻ cần được cọ xát với thực tiễn để trau dồi tài năng, tăng thêm bản lĩnh… và cần phải được ủng hộ chứ.
Ở nước ngoài, thậm chí cả bố mẹ và các con cùng kéo nhau ra đường phố biểu diễn rồi cầm mũ xin tiền, mọi người vẫn rất vui vẻ rút ví ra tặng tiền. Nếu xem đó là một nghề thì đó cũng là nghề có thu nhập chính đáng. Nếu người ta chơi hay, chơi tâm huyết, có tài hẳn hoi… thì khuyến khích người ta là chuyện đáng nên làm”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nói.
Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, ở Hà Nội đang thiếu các hoạt động nghệ thuật đường phố lành mạnh, văn minh và đáng xem nên nếu có những hoạt động đó ngoài phố, nhất là phố đi bộ lại càng thêm vui. Bản thân ông, nếu ra nước ngoài, gặp cảnh các bạn trẻ hăng say biểu diễn như thế kiểu gì ông cũng thưởng tiền.
“Mình nên động viên một đứa trẻ dám ra nơi công cộng biểu diễn âm nhạc để phục vụ mọi người. Luật Nghệ thuật biểu diễn cũng không quy định hình thức biểu diễn như thế phải có giấy phép mới được biểu diễn. Bởi vậy, người ta đòi hỏi những người làm lĩnh vực an ninh trật tự phải biết phân biệt giữa biểu diễn âm nhạc đường phố với biểu diễn vì mục đích thương mại, cái gì cho phép, cái gì nên khuyến khích và cái gì không khuyến khích.
Nếu những hoạt động biểu diễn đường phố gây ầm ỹ, gây mất mỹ quan đô thị thì mới phải cần nhắc nhở. Còn nếu những hoạt động biểu diễn văn minh, tạo ra sự hứng thú cho người xem thì cần phải khuyến khích.
Theo tôi, đặt giả sử, cậu bé đứng biểu diễn ở vị trí chưa phù hợp, gây cản trở giao thông hoặc gây cản trở đối với những hoạt động khác thì nên nhẹ nhàng hướng dẫn, chứ không nên căng thẳng.
Cậu bé mới 15 tuổi, ở độ tuổi rất nhạy cảm, chúng ta không nên khiến cho các bạn ấy có những suy nghĩ tiêu cực hoặc tổn thương nào đó. Nếu giả sử các bạn ấy có sai phạm, chúng ta cũng cần phải nhẹ nhàng và khéo léo để nói chuyện cho các bạn ấy hiểu chứ không nên gieo vào đầu các bạn ấy những hình ảnh xấu”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nói thêm.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng cho biết, ông sẽ trao đổi thêm với lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội để có sự thống nhất trong việc quản lý những hoạt động biểu diễn nghệ thuật như thế này trên địa bàn Hà Nội.
Hà Tùng Long (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.