Truyền nhân đời thứ 2 nghề cây kiểng và khối tài sản hàng tỷ đồng

Thứ tư, ngày 29/11/2017 19:30 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Dành, 70 tuổi, nghệ nhân cây kiểng nổi tiếng của làng hoa truyền thống Bà Bộ, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Gia đình ông Dành có 4 đời làm nghề hoa cây kiểng, trong đó ông là đời thứ 2 và đang sở hữu khối tàn sản xanh trị giá hàng tỷ đồng...
Bình luận 0

Vừa qua, trên sóng Đài truyền hình Việt Nam, chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” chào mừng 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tôn vinh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2017, trong số đó có ông Nguyễn Văn Dành, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng hoa ở làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ thuộc phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

img

Ai đến thăm vườn kiểng của gia đình ông Nguyễn Văn Dành đều hết lời khen ngợi người nghệ nhân này đã dành nhiều tâm huyết với nghề. Vường kiểng của ông Dành là cả 1 khối tài sản xanh trị giá nhiều tỷ đồng. Ảnh: T.H.

Ông Nguyễn Văn Dành, 70 tuổi, là người đã gắn bó với làng hoa truyền thống Bà Bộ trên 50 năm qua (nay là Phó Thọ - Bà Bộ). Theo các nghệ nhân hoa kiểng đầu tiên ở làng hoa Bà Bộ cho biết, người khởi xướng phong trào trồng hoa ở Bà Bộ là ông Tám Hoài, người quê Nha Mân, Đồng Tháp. Năm 1940, lúc qua Cần Thơ lập nghiệp, ông có mang theo một số cây và hạt giống để trồng và phổ biến cho bà con biết cách ươm cây. Trong số những người cố cựu ở làng hoa Bà Bộ, có ông bà Nguyễn Văn Tư (tên thường dùng là Tư Lô) là gia đình có đến 4 người con nối nghiệp cha sản xuất và kinh doanh cây kiểng, tất cả đều thành đạt, trong đó có ông Nguyễn Văn Dành.

Tính đến nay, gia đình ông Dành có tới 4 đời làm nghề hoa kiểng mà ông là đời thứ hai, các con, cháu ông là đời thứ ba, thứ tư. Sau hơn nửa thế kỷ trồng và sản xuất kinh doanh, ông đã tập hợp được nhiều giống cây kiểng quý để ươm trồng và phát triển, chủ yếu là kiểng truyền thống gốm cằn thăn, kim quýt, mai vàng, mai chiếu thủy, sanh, si, nguyệt quới, khế, bông giấy và nhiều chủng loại khác. Vườn kiểng của ông hiện có khoảng 300 cây có giá trị nghệ thuật và kinh tế cao (từ vài triệu đến 100 triệu đồng/cây) chủ yếu là nguyệt quới, mai vàng và mai chiếu thủy. Ngoài ra, trong vườn còn có khoảng 700 chậu kiểng lớn nhỏ đa dạng và phong phú.

img

Nghệ nhân hoa cây kiểng Nguyễn Văn Dành bên những cây nguyệt quới có giá trị kinh tế cao. Ảnh: T.H.

Ông Dành chia sẻ: “Cây kiểng tuy dễ trồng nhưng không “ngon ăn” vì người trồng phải nắm vững kỹ thuật và thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng, uốn sửa, cắt tỉa, tạo dáng cây mới có giá trị nghệ thuật cao. Đối với những loại kiểng bông như mai vàng, nguyệt quới, bông giấy và kiểng trái như khế, lựu... càng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn mới có thể cạnh tranh với các làng hoa khác”.

Những năm gần đây, khi con đường 91B đi ngang qua rạch Bà Bộ, nhiều công trình xây dựng đã lấn dần khiến cho diện tích trồng hoa bị thu hẹp. Thế nhưng, nhiều gia đình vẫn giữ lại chút mảnh vườn để tiếp nối nghề truyền thống của ông cha.

Đáng mừng là từ năm 2011, UBND TP. Cần Thơ phê duyệt làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ ở phường Long Hòa và Long Tuyền (Bình Thủy) và Hợp tác xã hoa kiểng Bình An được thành lập, làng hoa mới bắt đầu khởi sắc. Tuy diện tích thu hẹp nhưng chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu người hưởng thụ.

Theo tính toán của ông Dành, nếu quy ra thành tiền, tổng số tài sản của ông có thể lên đến vài ba tỷ. Hiện nay, doanh thu mỗi năm bình quân trên 1 tỷ đồng. Trừ hết các chi phí còn lời trên 500 triệu. Tuy nhiên, thu nhập hàng năm cũng còn tùy thuộc vào giá cả thị trường và mức tiêu thụ, nhất là mùa tết.

Thành Hiệp (KHPT)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem