|
Trong tương lai không xa, CĐV sẽ không còn được xem V.League miễn phí trên truyền hình. |
Từ chuyện bản quyền
Cách đây hơn chục năm, những điều luật liên quan tới bản quyền truyền hình là thứ xa xỉ đối với mỗi người dân Việt Nam. Nhưng vài năm qua, chuyện bản quyền đã làm đau đầu nhiều CĐV của môn thể thao vua.
Đành rằng xã hội phát triển, truyền hình cũng không thể miễn phí mãi được. Nhưng cái cách nhập cuộc của K+, tiếp theo là Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) mới đây quá "sốc".
Nếu như kênh K+ độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh ngày Chủ nhật để nâng phí thuê bao lên 6 lần so với mức cũ (250 nghìn đồng/tháng so với 45 nghìn đồng), thì AVG lại gây khó dễ ở thời hạn 20 năm trong bản hợp đồng độc quyền các giải bóng đá quốc gia, trong đó có V.League.
Các doanh nghiệp đều vì mình quá nhiều, thay vì đáng ra phải nghĩ đến quyền lợi của người hâm mộ, và sự phát triển của thể thao nước nhà: "Liệu người hâm mộ có phải trả thêm phí để được xem V.League? Dù VFF và AVG đều nói V.League sẽ được phát sóng bình thường trong mùa giải 2011 nhưng chúng tôi rất lo lắng" - nghệ sĩ Đức Trung - Chủ tịch lâm thời Hội CĐV VN nói.
Đến hành xử vô tình
Thực tế, theo lời lãnh đạo AVG, V.League 2011 sẽ vẫn xuất hiện trên các đài truyền hình như các mùa giải trước. AVG không lấy một xu tiền lãi khi bán lại bản quyền truyền hình mua được từ VFF cho các đài. Nhưng trong tương lai, mà gần nhất là mùa bóng 2012, việc các CĐV phải bỏ tiền để xem V.League là chuyện có thể hình dung trước.
Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Vấn đề nằm ở giả thuyết: 5 năm sau, bóng đá Việt Nam khủng hoảng, trở lại thời "đồ đá", và AVG đề nghị giảm giá trị hợp đồng xuống còn 1-2 tỷ thay vì 6 tỷ đồng như hiện tại, thì VFF sẽ hành xử ra sao? Ở chiều ngược lại, nếu có một AV... Z nào xuất hiện với lời đề nghị 10-20 tỷ đồng/năm, thì thế nào?
Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Quang Huy - Phó Giám đốc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, phụ trách kênh thể thao VTC3 nói thẳng:
"Từ năm 2006 đến nay, VTC luôn đồng ý với những yêu cầu từ phía VFF để có thể truyền trực tiếp các trận đấu V.League. Nhưng khi AVG xuất hiện, thì VFF không hề có ý muốn ngồi lại đàm phán với chúng tôi nữa. Tôi nghĩ, đó là một sự bội bạc, có mới nới cũ".
Đáp lại, ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch VFF lại cho rằng: "Khi đàm phán về vấn đề mua bán bản quyền truyền hình, VFF luôn bị coi là chiếu dưới. Có những lúc VFF phải năn nỉ các đài đến ghi hình phát sóng khi giải đấu diễn ra, thậm chí phải "bồi dưỡng" cho truyền hình".
Thiết nghĩ, nếu ngay từ đầu những người trong cuộc thể hiện sự tôn trọng đối tác, nghĩ tới cái chung, quyền lợi của người hâm mộ và sự phát triển của thể thao nước nhà nhiều hơn thì đâu đến nỗi (?!). Khi "người lớn" bỏ qua chữ tình để bị phụ thuộc vào sức mạnh của đồng tiền, thì đừng trách "trẻ con" hư!
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.