Truyện tranh hoặc tiểu thuyết đồ họa của thời đại kỹ thuật số hướng đến trẻ em trên 10 tuổi, bởi chúng không còn thích hợp với lối viết vẽ “truyện kể đêm khuya” dành cho trẻ nhỏ, và cũng còn quá nhỏ để đọc sách dành cho thanh thiếu niên.
Danh sách chung khảo của giải thưởng sách tranh mang tên họa sĩ Anh Kate Greenaway năm nay đã phản ánh lối vẽ mới dành cho trẻ em ở độ tuổi lớn trong thời đại kỹ thuật số. Danh sách này vừa công bố tuần này.
Hình ảnh trong truyện “Bật lửa” chuyển thể từ truyện cổ tích Chiếc bật lửa.
Công phu và nghệ thuật
Bất kỳ thư viện trường học nào cũng có sự có mặt của truyện tranh dạng này. Nhìn vào chúng, có thể thấy hai xu hướng. Một là bớt hình ảnh, thêm chữ viết. Hai là hình ảnh bớt hiền lành hơn. Với cách làm này, truyện tranh dành cho trẻ em lớn như muốn nâng tiêu chuẩn tiếp nhận của lứa tuổi này.
Thay đổi bắt đầu vào tháng 12/2013 khi Maps (Bản đồ), một sách tranh đậm tính nghệ thuật với các hình vẽ bản đồ công phu, bất ngờ trở thành sách bán chạy dịp Giáng Sinh. Trong ngành sách tranh vốn bị cho là dành cho trẻ nhỏ, tác phẩm này của hai tác giả Aleksandra Mizielinska và Daniel Mizielinski như một bước ngoặt về sáng tạo và nhận thức.
Nhu cầu mới buộc phải có những tác phẩm mới mẻ, táo bạo dành cho lứa tuổi lớn hơn.
Bởi vậy, danh sách chung khảo giải Kate Greenaway năm nay cho thấy xu hướng này vẫn đang tiếp tục và được khuyến khích. Bởi vậy, thay vì chỉ chiếm 1 hoặc 2 đề cử, sách tranh dạng mới lại hoàn toàn chiếm lĩnh bảng đề cử. Chỉ một cuốn sách tranh truyền thống dạng “đọc trước khi đi ngủ” được đề cử, đó là cuốn Smelly Louie (Louie bốc mùi) của Catherine Rayne.
Tâm linh, kinh dị - những yếu tố mới hấp dẫn
Jim’s Lion (Con sư tử của Jim), truyện tranh do họa sĩ Alexis Deacon vẽ theo cốt truyện của nhà văn Russell Hoban, kể về giấc mơ của một cậu bé đang chờ phẫu thuật tại bệnh viện. Cuốn sách mô tả thế giới nội tâm của cậu bé với những nỗi sợ trước cái chết, sự tối tăm, ma quái. Điều này dễ hiểu vì sách gốc của nhà văn Hoban cũng được viết trước khi ông qua đời.
Chưa kể đến đồ họa ấn tượng, trong đó hình ảnh con sử tử khổng lồ được khắc họa đậm nét, sách thoạt tiên khó hiểu với độc giả nhỏ tuổi. Nỗi ám ánh cái chết rất rõ ràng, và con sư tử đại diện cho chúa trời hay đấng cứu thế, cứu con người khỏi hoàn cảnh tuyệt vọng nhất. Điều đó không dễ gì tiếp thu với những đứa trẻ non nớt. Cuốn sách nhận nhiều lời khen ngợi vì tính nghệ thuật và ý nghĩa sâu sắc, nhưng cũng bị cho là “ác mộng” với trẻ nhỏ.
Một tác phẩm xuất sắc khác là Tinder (Bật lửa) của Sally Gardner và David Roberts, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích The Tinderbox (Chiếc bật lửa) của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Anderson. Một người lính trẻ, một nàng công chúa, phù thủy, chó sói và cái chết, trong đó có tình yêu lớn và sự mất mát lớn mà lứa tuổi lớn hơn mới hiểu.
Ấn tượng ngay từ trang bìa với hình vẽ con sói đầy hăm dọa và dòng chữ tên truyện màu đỏ như máu, Tinder là một trong những truyện cổ tích rùng rợn và đầy cuốn hút nhưng nên để xa tầm tay trẻ nhỏ. Các em bé có lẽ sẽ khóc thét khi nhìn thấy cặp mắt của những con sói. Trong khi, người lớn có thể rất say mê phần đồ họa như những tác phẩm nghệ thuật.
Đưa chất huyền bí, kinh dị vào cốt truyện cổ tích quen thuộc hoặc cốt truyện mới là một lựa chọn của các tác giả truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa hiện nay. Bởi nếu kể chuyện theo cách cũ thì không có gì đột phá. Hơn nữa, cách sáng tác này có thể thích hợp hơn với thị hiếu độc giả, khi họ đã quá quen với cách kể chuyện trong sáng và an toàn. Họ cần những hình ảnh đẩy trí tưởng tượng đi xa hơn.
(theo TT&VH)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.