TS Bùi Quang Tín lần cuối cùng nói về ngành ngân hàng, lãi suất...

Quốc Hải Thứ hai, ngày 06/04/2020 11:49 AM (GMT+7)
TS. Bùi Quang Tín cho biết giảm lãi suất cho vay hiện nay là bức bách của xã hội, thị trường chứ không còn là bài toán chính sách nữa; các ngân hàng phải tự giảm lãi suất cho vay là để “cứu” chính mình chứ không ai bắt buộc các ngân hàng làm điều này.
Bình luận 0

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, trong lần trò truyện cuối cùng về lãi suất, về các chính sách tiền tệ, về ngành ngân hàng… với báo điện tử Dân Việt. Theo ông Tín, cuộc đua sắp tới của các ngân hàng không chỉ là giảm lãi suất cho vay mà còn là “cuộc đua” giảm lãi suất huy động giữa các ngân hàng, bởi có giảm lãi suất huy động thì mới làm giảm các áp lực cho các chi phí khác của nhà băng, giúp các nhà băng tăng tính cạnh tranh để giảm lãi suất cho vay.

img

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín (Ảnh: IT)

-Cơ sở nào để ông đưa ra nhận định, cuộc đua sắp tới của các ngân hàng là cuộc đua giảm lãi suất huy động? Liệu lãi suất huy động giảm thì dòng tiền có bị rút ra khỏi các ngân hàng để chảy vào các kênh đầu tư khác?

Hiện nay, nếu xét ở các ngân hàng thương mại thì có nhiều chi phí: Huy động vốn, lương, mặt bằng, chi phí đào tạo, công nghệ thông tin… Đồng ý là chi phí lương nhân viên có thể giảm nhưng một khi giảm thì sẽ dụng tới lợi ích của nhân viên, sẽ là một cuộc đánh đổi rất nhiều. Về các chi phí khác như mặt bằng, công nghệ thông tin… thì không thể giảm, do đó nếu xét tổng thể thì giảm chi phí huy động vốn là tốt nhất.

Vì sao tốt nhất? Nếu xét trên mặt bằng kinh tế, kinh doanh khó khăn, làm gì cũng lỗ, chẳng hạn như đầu tư chứng khoán thì chứng khoán giảm điểm; đầu tư bất động sản thì giá bất động sản giảm, thị trường đóng băng, thanh khoản yếu ớt; đầu tư kinh doanh thì trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì khó mà xoay xở…Thế nên, các DN và người dân vẫn xem kênh gửi tiết kiệm là kênh tối ưu nhất.

Hơn nữa, trong biểu đồ kinh tế học có một biểu đồ về sự nhạy cảm giữa tiêu dùng và giá cả hàng hóa, giá cả hàng hóa trong thị trường tiền chính là lãi suất, nhu cầu tiêu dùng hay nhu cầu gửi tiền của người dân chính là số dư tiền gửi. Có thể thấy quan hệ giữa nhu cầu gửi tiền của người dân với lãi suất có độ co giãn cực kỳ thấp, gần như là giảm lãi suất nhưng người dân vẫn gửi tiền.

Có 4 nguyên nhân mà người dân vẫn lựa chọn gửi tiền dù lãi suất huy động có thấp: Thứ nhất, nền kinh tế hiện nay có mức sinh lời rất thấp ở tất cả các ngành nghề; thứ hai, gửi tiền vẫn khiến người dân cảm thấy an toàn trong bối cảnh hiện nay; thứ 3, trong xã hội hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới họ xem tiền mặt là “vua”, vàng chưa chắc là vua; thứ 4, lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay trừ đi lạm phát vẫn là thực dương. Từ 4 nguyên nhân này, có thể nói hiện nay lãi suất huy động hoàn toàn có cơ sở để giảm. Bây giờ giảm lãi suất huy động mà người dân vẫn gửi thì tại sao lại không giảm?

Đặc biệt, khi giảm lãi suất huy động thì sẽ tạo điều kiện làm giảm áp lực giảm các chi phí khác, nên nhớ chi phí nhân viên, chi phí công nghệ thông tin…  là cực kỳ khó giảm. Đây cũng là tiền đề, là cơ sở để ngân hàng tăng tính cạnh tranh giảm lãi suất cho vay; vì nếu lại suất huy động không giảm thì sao giảm lãi suất cho vay?.

Về việc liệu lãi suất huy động giảm thì dòng tiền có bị rút ra khỏi các ngân hàng để chảy vào các kênh đầu tư khác hay không, theo tôi điều này không quá lo ngại. Vì thực tế, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại nhìn trên mặt bằng sinh lời của nền kinh tế và của các kênh đầu tư khác vẫn khá tốt.

img

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín (bên trái), trong lần trao đổi với báo Dân Việt về xu hướng lãi suất sắp tới (Ảnh: Facebook nhân vật)

-Hiện nay, các nhà băng đang vào cuộc đua “giảm sâu” lãi suất cho vay để hỗ trợ DN và người dân vượt qua đại dịch Covid-19, có ngân hàng thậm chí giảm tới 3%, theo ông, sắp tới có còn dư địa để giảm lãi suất cho vay hay không?

Hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào, kênh huy động vốn hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán nên dù lãi suất giảm, vẫn thu hút nguồn tiền trên thị trường. Ngoài ra, thời gian ngân hàng hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng là 3 tháng nhưng với diễn biến dịch bệnh đang khá phức tạp có thể khách hàng sẽ cần hỗ trợ dài hơn. Trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng hiện đang rất khó khăn do đó để giảm chi phí vốn, lãi suất huy động khả năng sẽ được điều chỉnh giảm.

Có thể nói, cuộc đua giảm lãi suất huy động sẽ là biện pháp cực tốt để các ngân hàng tăng tính cạnh tranh trong việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Đặc biệt, là để ổn định NIM của các ngân hàng; hiện nay NIM trung bình của các ngân hàng Việt Nam là từ 3,5 đến 3,62%, trong thời gian qua thì NIM của các ngân hàng đang có dấu hiệu giảm xuống. Trong bối cảnh lãi suất cho vay khó giảm, nếu lãi suất huy động giảm nhanh thì sẽ tác động đến NIM các ngân hàng. Cho nên, để ổn định NIM thì buộc phải giảm nhanh lãi suất huy động thì mới đi kèm với việc giảm lãi suất cho vay được.

Trong điều kiện hiện nay, việc lãi suất huy động là nhu cầu của xã hội chứ không còn là yêu cầu từ phía Nhà nước, không phải từ chính sách hay từ công văn yêu cầu của NHNN mà chính là sự cấp bách của xã hội, bức bách của thị trường. Các ngân hàng buộc phải tự mình giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, vì những lý do: Thứ nhất, nói về góc độ chính sách là hỗ trợ DN nhưng thực chất là hỗ trợ ngân hàng. Khi ngân hàng giảm lãi suất cho vay với các dư nợ hiện tại, ví dụ như Kienlong Bank giảm 3% lãi suất, lãi suất cho vay bình thường của ngân hàng này khoảng 9%, nếu giảm 3% thì cũng mới giảm khoảng 30% so với lãi suất bình thường. Giảm 30% so với chi phí vốn bình thường thì DN vẫn khó khăn, chưa chắc đã cứu nổi DN thậm chí là trong thời điểm 3 đến 6 tháng tới, khi đó nợ xấu của ngân hàng sẽ rất lớn.

Thứ 2, lãi suất huy động, lãi suất cho vay sắp tới sẽ là cuộc đua của các ngân hàng, Ngân hàng nào làm tốt sẽ thu hút khách hàng, sẽ tự cứu được mình và cứu được DN. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh bắt buộc với các ngân hàng trong thời gian tới.

-Không chỉ ở Việt Nam, cuộc đua hạ lãi suất đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, ông đánh giá gì về động thái này? Theo ông, DN Việt đang cần gì ngoài bài toán giảm lãi suất để vượt qua dịch bệnh?

Việc hệ thống NHTW các nước tham gia vào cuộc đua giảm lãi suất sẽ có 2 tác động vừa tích cực và vừa tiêu cực.

Trong đó, sẽ là tích cực nếu các NHTW quyết tâm làm mạnh tay để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp và hệ thống tài chính của các quốc gia có thanh khoản về đồng tiền tốt hơn. Bên cạnh đó, các nhà điều hành của các nước phải luôn luôn bên cạnh các doanh nghiệp và thị trường để đưa ra sự hỗ trợ tốt nhất. Ngược lại, sẽ có tác động mang tính tiêu cực bởi vì room để NHTW các nước tiếp tục điều chỉnh về các công cụ tiền tệ đã không còn nhiều. Ví dụ như lãi suất của Fed đã giảm xuống 0-0.25% và NHTW của nhiều quốc gia cũng đã hạ xuống dưới mức 0%, do đó, dư địa để tiếp tục điều chỉnh các công cụ lãi suất trong thời gian tới là rất thấp.

Có thể nói, chính sách tiền tệ là sự hỗ trợ tích cực từ phía NHTW, tuy nhiên sự kỳ vọng của các DN còn hơn cả việc sử dụng các công cụ về chính sách của NHTW các nước, đó là mong chờ các gói về miễn giảm thuế cũng như sẽ sớm có được vắc xin chữa bệnh đối với Covid-19 lần này.

Ngoài ra, đối với các khoản vay vốn, các DN mong chờ sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa từ hệ thống các ngân hàng như tái cơ cấu thời gian trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ. Đối với những hợp đồng vay vốn, các DN rất kỳ vọng các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, thậm chí là có thời gian miễn lãi suất cho họ, ngân hàng có thể hỗ trợ đối với việc khoanh nợ, giãn nợ vã có những có chính sách kịp thời như tư vấn, hỗ trợ các DN một cách trực tiếp hơn nữa để cho các DN sớm tìm ra các giải pháp để họ có thể trụ được trong thời gian khó khăn lần này…

Xin cảm ơn và tạm biệt ông!

Trước đó, Dân Việt đã đưa tin, từ khuya 5/4 đến rạng sáng 6/4, Công an huyện Nhà Bè đã phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM, vẫn đang khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng, nhằm điều tra làm rõ vụ chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín tử vong, nghi rơi từ tầng 14 của một chung cư.

Đây là tin bất ngờ và khá “sốc” đối với cộng đồng tài chính, ngân hàng trên toàn quốc vì trưa 5/4, ông vẫn còn chia sẻ một link bài viết lên trang Facebook cá nhân với nội dung: "Không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông ngân hàng để giảm lãi suất cho vay: Có thực sự cần thiết?".

Liên quan đến sự ra đi đột ngột của ông Tín, khuya 5/4, BS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Nhà Bè, TP.HCM, xác nhận bệnh viện có tiếp nhận một trường hợp tử vong liên quan vụ tai nạn rơi từ tầng cao tại một chung cư trên địa bàn huyện Nhà Bè.

Theo đó, nạn nhân có tên là ông Bùi Quang Tín, được đưa vào bệnh viện lúc 20h30 phút cùng ngày. Hiện thi thể nạn nhân được lưu giữ tại nhà xác của bệnh viện.

Đêm 5/4, Công an huyện Nhà Bè, TP.HCM cho biết đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai các nhân chứng liên quan để điều tra làm rõ nguyên nhân khiến ông Bùi Quang Tín tử vong.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Bích, vợ của TS Bùi Quang Tín, đã có đơn tường trình về cái chết của chồng. Theo bà Bích, đây là “án mạng”. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem