Chiều 10.11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp đón các nhà lãnh đạo APEC dự Đối thoại của các nhà Lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Diễn đàn Đối thoại giữa thành viên ABAC với lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 diễn ra ngay sau bài phát biểu của ông Donald Trump - lãnh đạo nền kinh tế Mỹ và ông Tập Cận Bình - lãnh đạo nền kinh tế Trung Quốc tại Hội nghị Thượng định Doanh nghiệp APEC.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổng thống Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự đối thoại chiều 10.11. Ảnh: Đình Thiên
Diễn đàn này ngoài ông Donald Trump, ông Putin, ông Tập Cận Bình còn có sự xuất hiện của lãnh đạo Myanmar, người đứng đầu nền kinh tế New Zealand, Indonesia... Phiên đối thoại được điều phối bởi ông Hoàng Anh Dũng – Chủ tịch ABAC với sự tham gia của 21 lãnh đạo nền kinh tế thành viên APEC.
Phát biểu khai mạc đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp tại tuần lễ cấp cao APEC năm nay có ý nghĩa quan trọng, khi đây là thời điểm cần tìm ra hướng đi mới để duy trì vai trò của APEC trong hội nhập toàn cầu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã sẵn sàng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.
"Các nhà lãnh đạo APEC hiểu rằng, cần xây dựng tầm nhìn mới và sẵn sàng trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trước khi bước vào phiên họp quan trọng của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong ngày mai (11.11). Đây là cơ sở quan trọng để các nhà lãnh đạo kinh tế cân nhắc và quyết định hướng đi trong thời gian tới" - Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự Ceo Summit nhưng tới diễn đàn đối thoại doanh nghiệp APEC. Ảnh Đình Thiên
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao và hoan nghênh các khuyến nghị cụ thể và đề xuất thiết thực trong báo cáo của Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp ABAC. Các vấn đề mà ABAC quan tâm nhất, như thể hiện trong báo cáo, là tăng tính kết nối kinh tế khu vực, thúc đẩy dòng chảy thương mại toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển bao trùm, an ninh lương thực và tầm nhìn APEC sau 2020.
"Đây cũng là các vấn đề then chốt mà các nhà lãnh đạo APEC đang trao đổi nhằm tìm ra giải pháp và hướng đi trong thời gian tới", Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết.
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, các biện pháp giảm rào cản phi thuế quan đã được APEC đẩy mạnh triển khai. Các nền kinh tế APEC đang nỗ lực đẩy mạnh thực thi các kế hoạch đã được thông qua, đồng thời tập trung giải quyết các vấn đề mới đang nổi lên từ kinh tế mạng, kinh tế số. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tính kết nối và tự do thương mại đã, đang và sẽ là ưu tiên hàng đầu của APEC.
Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Đình Thiên
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ, tại Hội nghị Cấp cao ngày mai (11.11), các lãnh đạo APEC sẽ bàn thảo định hướng, những nỗ lực thực hiện mục tiêu Bogor, thúc đẩy các thỏa thuận mại khu vực và hướng tới xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.