TTg Nguyễn Xuân Phúc: "Hòa Bình - láng giềng chung vách của Hà Nội"

Nhật Minh Thứ tư, ngày 12/12/2018 10:28 AM (GMT+7)
Vui mừng khi thấy Hòa Bình đã chủ động kêu gọi được các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tiếp xúc nhà đầu tư, cung ứng dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, thu hút các “sếu lớn” đến với địa phương. Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình
Bình luận 0

Chiều ngày 11.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2018, nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các lĩnh vực, các công trình dự án trọng điểm kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh Hòa Bình

UBND tỉnh Hòa Bình đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 09 nhà đầu tư, thực hiện 09 dự án và ký Bản ghi nhớ đầu tư với 15 nhà đầu tư, thực hiện 19 dự án trên địa bàn tỉnh với mức đầu tư lên tới 94.000 tỷ đồng, trong đó có những dự án như: Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông (giai đoạn 2) do Công ty cổ phần nước sạch sông Đà làm chủ đầu tư với tổng vốn dự án trên 5.700 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử do Công ty TNHH Meiko Electronics làm chủ đầu tư với tổng vốn 4.600 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai tại tỉnh Hòa Bình do Công ty Cổ phần nước Aqua One làm chủ đầu tư với tổng vốn trên 3.000 tỷ đồng; dự án Quần thể du lịch sinh thái văn hóa Thiên Cung Đại Việt do Công ty CP du lịch Đại Việt làm chủ đầu tư với tổng vốn trên 625 tỷ đồng; dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa do Công ty CPĐT năng lượng xây dựng Thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư, với tổng vốn trên 475 tỷ đồng....

img

 Đại diện Aqua One nhận chứng nhận đầu tư

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trao các quyết định đầu tư, ký kết bản ghi nhớ đầu tư với các doanh nghiệp với tổng số vốn khoảng 94.000 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là Tập đoàn FLC với 5 dự án đầu tư gần 36.000 tỷ đồng vào du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, những lĩnh vực thế mạnh của Hòa Bình.

Nhắc lại lần dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình cách đây 2 năm, khi đó, 22 dự  án được cấp giấy phép và hiện nay 18 dự án trong số này đã được triển khai, Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng và cho rằng, các nhà đầu tư vào Hòa Bình đã nói và làm.

Thủ tướng chia sẻ, ông đi từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Bình mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ do có đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình. Thủ tướng khẳng định Hòa Bình, người láng giềng chung vách với Hà Nội, đây là điều kiện quan trọng để Hòa Bình phát triển tiềm năng, thế mạnh của mình.

Theo Thủ tướng, trong 9 “bông hoa” xung quanh Hà Nội thì “bông hoa” Hòa Bình là lớn nhất (tỉnh có diện tích lớn nhất trong các tỉnh vùng Thủ đô). Đây là nơi cung cấp nguồn nước cho Thủ đô, có nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Con người Hoa Bình cần cù lao động, chân thành. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, gần thị trường lớn là Hà Nội. Hòa Bình có nhiều tiềm năng quý quá, với núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hiện diện ngay trong vùng Thủ đô, ít nơi nào thuận lợi được như thế.

Để Hòa Bình có bước phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng gợi ý tỉnh tập trung vào 4 mũi nhọn kinh tế, đây cũng là gợi ý cho các nhà đầu tư.

Một là, xây dựng Hòa Bình thành tỉnh du lịch. Hai là, phát triển nông lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao. Ba là, phát triển công nghiệp địa phương trong những lĩnh vực giàu tiềm năng. Thủ tướng cho biết, Hòa Bình đã được Chính phủ cho phép triển khai 8 khu công nghiệp. Hòa Bình cần hướng vào các ngành chế biến chế tạo nhằm giải quyết việc làm và không ảnh hưởng đến môi trường. Bốn là, phát triển đô thị là một động lực phát triển của Hòa Bình với những khu đô thị xanh, sinh thái, hiện đại, bảo đảm môi trường sống tốt nhất.

Để hướng vào các mũi nhọn kinh tế trên, Thủ tướng gợi ý, Hòa Bình cần phát huy lợi thế về địa chiến lược của Vùng Thủ đô, tuyến cao tốc Láng-Hòa lạc được ví như "hành lang kinh tế Đông-Tây" nối Hà Nội-Hòa Bình. Tuyến Láng-Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, sức bật mới không chỉ cho Hòa Bình, mà cả các tỉnh Tây Bắc.

img 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia xúc tiến đầu tư tại Hòa Bình

“Vui mừng khi thấy Hòa Bình đã chủ động kêu gọi được các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tiếp xúc nhà đầu tư, cung ứng dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, thu hút các “sếu lớn” đến với địa phương. Đồng thời, Hòa Bình cần chủ động có phương án tái bố trí dân cư theo hướng tập trung theo cụm nhằm tăng hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt bảo đảm an toàn cho người dân mùa mưa lũ” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Với các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, cần gắn lời nói với việc làm. “Tôi mong rằng các nhà đầu tư nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu để triển khai các cam kết. Không để tình trạng nói một đường làm một nẻo”.

Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư nâng cao trách nhiệm xã hội trong đầu tư, bảo đảm môi trường sống, “để chúng ta cùng thắng”.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư để thành công ở Hòa Bình, ở Việt Nam.

img 

Đại diện Aqua One phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện AQua One nêu kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho tỉnh Hòa Bình chấp thuận cho doanh nghiệp được thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng và quy hoạch liên quan. Thứ 2, chỉ đạo các đầu mối, các đơn vị liên quan hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác hoàn tất các thủ tục pháp lý và liên quan cần thiết khác.

Những điều kiện này sẽ là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp triển khai dự án nhanh, hiệu quả nhất góp phần cho sự phát triển của AquaOne cũng như sự phát triển kinh tế chung của tỉnh Hòa Bình.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem