Khi Hà Sơn bước ra sân khấu, khán giả hò hét, dành cho anh những tràng pháo tay dài. Vẻ ngoài điển trai, chiều cao ấn tượng cùng giọng nói trầm ấm đã khiến chàng sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân được nhiều người kỳ vọng giành ngôi vị cao nhất tại cuộc thi NEU Glamour 2023.
Thần thái khi trả lời phần thi ứng xử đã giúp Hà Sơn chinh phục ban giám khảo. Thay vì chọn trả lời song ngữ, anh khiến cả hội trường cười khi nói: "Tôi trả lời bằng tiếng mẹ đẻ".
Từ một chàng trai nhút nhát, Hà Sơn chính thức trở thành nam vương khi lan tỏa thông điệp dám thể hiện bản thân, thoát khỏi vỏ bọc an toàn.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, tân nam vương Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Hiện tại, tôi vẫn chưa thể tin được mình trở thành chủ nhân ngôi vị cao nhất. Tôi vui sướng nhưng cũng có đôi chút áp lực".
Quá khứ bị trêu chọc trở thành nguồn động lực
Phạm Hà Sơn (SN 2002, đến từ Lạng Sơn) hiện là sinh viên năm 3 ngành Quản lý dự án, khoa Đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trái ngược với vẻ tự tin hiện tại, Sơn từng là cậu học trò khá rụt rè và hướng nội. Suốt 12 năm đi học, anh không tham gia bất cứ câu lạc bộ hay hoạt động nào.
Bước vào cánh cổng đại học, môi trường năng động và sáng tạo khiến anh muốn thử những điều mình chưa bao giờ làm.
Khi thấy các anh chị khóa trên nhiệt huyết, sống hết mình với tuổi trẻ, Hà Sơn đã không cho phép bản thân thu mình lại nữa và trải nghiệm những điều mới thời sinh viên. Đó cũng là cách anh đến với cuộc thi thanh lịch.
Chàng trai Lạng Sơn vô tình biết đến cuộc thi qua những trang truyền thông của trường. Nhờ sự động viên từ bạn bè, thầy cô và người thân, anh hạ quyết tâm sẽ được một lần tỏa sáng ở sân chơi lớn trước khi ra trường, đứng ở vị trí mới. Nam sinh cho rằng, cột mốc này có thể làm thay đổi cả chặng đường của mình sau này.
Hà Sơn từng là nạn nhân của body shaming (miệt thị ngoại hình). Khi nhìn lại quá khứ, Sơn nghĩ theo hướng tích cực rằng, điều tồi tệ đó cũng là động lực để anh có thể tự thay đổi và chăm chút hơn về ngoại hình.
"Tôi từng trông khá bụ bẫm. Tôi hiểu cảm giác bị trêu chọc về ngoại hình và rất đồng cảm với những bạn đã và đang bị miệt thị", chàng trai 21 tuổi bày tỏ.
Để có được sự tự tin trên sân khấu, Hà Sơn đã cố gắng trau dồi kỹ năng giao tiếp, đọc thêm sách bổ sung vốn từ và kiến thức xã hội. Anh cũng tự tập ở nhà bằng cách nói trước gương nhằm cải thiện ngôn ngữ hình thể khi đối diện với đám đông.
Hà Sơn chia sẻ: "Có thể nói, những cố gắng luyện tập của tôi phần nào đã được đền đáp".
Giấc mơ du học khép lại do đại dịch
Năm lớp 12, Hà Sơn đạt được mục tiêu IELTS 6.5 để làm hồ sơ đi du học. Tuy nhiên, mọi kế hoạch bị hoãn lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sơn đã đưa ra quyết định nếu học trong nước, đó nhất định phải là Đại học Kinh tế Quốc dân.
Anh đã sử dụng chứng chỉ IELTS 6.5 để xét tuyển kết hợp vào trường. Anh xem đó là cơ duyên và chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc.
Hiện tại, chứng chỉ hết hạn nên nam sinh có kế hoạch thi lại IELTS với mục tiêu đạt điểm cao hơn để tự mở ra nhiều cơ hội trong tương lai cho chính mình.
Dù là sinh viên năm 2, Hà Sơn sớm tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi từng đi làm thêm tại một công ty bất động sản và ngân hàng. Dù cả hai công việc này không phải là con đường Sơn muốn gắn bó lâu dài, anh đã tích lũy được nhiều bài học nghiệp vụ chuyên môn cũng như kỹ năng mềm trong cuộc sống.
Sau khi trở thành nam vương, Hà Sơn có thể sẽ thử sức với những công việc mới. Tuy nhiên, mục tiêu anh ưu tiên ở hiện tại vẫn là học tập và nâng cao kiến thức chuyên ngành, ra trường với tấm bằng giỏi.
Với ngôi vị nam vương, Sơn hiểu rằng, bản thân sẽ đại diện cho hình ảnh và tiếng nói của sinh viên trường. Giải thưởng chỉ là một phần, thứ anh nghĩ mình nhận được nhiều nhất khi bước ra khỏi cuộc thi là những cơ hội mới.
"Đó là cơ hội để tôi xây dựng hình ảnh bản thân đẹp hơn về cả ngoại hình, tri thức và đạo đức. Tôi sẽ có cơ hội làm công việc liên quan đến hình ảnh của một nam vương và cải thiện thu nhập bản thân.
Hơn nữa, tôi cũng có trải nghiệm về những hoạt động cộng đồng, xã hội gắn với Đoàn Thanh niên trường", Hà Sơn chia sẻ.
Ước mơ làm chủ công ty xây dựng
Gia đình là nguồn động viên lớn giúp Hà Sơn hoàn thành những cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Dù tự hào về con trai, bố Sơn không quên nhắc nhở anh phải cố gắng giữ mình trước những cám dỗ, chỉn chu hơn trong lời ăn tiếng nói, cách đối nhân xử thế với mọi người xung quanh khi đại hiện hình ảnh cho sinh viên trường.
Từ những ngày đầu dự thi, Hà Sơn đã ấp ủ dự định hát ca khúc dành tặng mẹ. Cuối cùng, anh quyết định thể hiện bài Ước mơ của mẹ trong phần thi tài năng.
Tân nam vương tâm sự: "Có thể nói, mẹ là người gắn bó với tôi nhất từ khi đi học xa nhà. Đây là món quà tặng mẹ cũng như nói lên tâm tư, tình cảm của tôi. Bởi trước đây, tôi chưa có nhiều cơ hội, không dám thể hiện với mẹ tình cảm đó.
Vì khả năng thanh nhạc không quá vượt trội, tôi thường dành ra 15-30 phút luyện ở nhà sau khi vượt qua vòng sơ khảo. Nhờ sự giúp đỡ của các bạn trong Liên Chi đoàn khoa Đầu tư, những người đã kề vai sát cánh với tôi, phần thi đã thành công".
Cũng chính tình cảm gia đình đã hình thành trong Sơn mong muốn nối nghiệp. Gia đình anh đang công tác trong ngành xây dựng. Đó là lý do anh học ngành thiên về xây dựng, kinh tế và quản lý.
Hiện tại, nam sinh vẫn luôn giữ niềm đam mê trong quá trình theo đuổi ngành này.
"Ước mơ sau này của tôi là làm chủ một công ty xây dựng, đóng góp phát triển hạ tầng cho quê hương. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ không tự giới hạn bản thân với hướng đi này. Nếu có cơ hội để hoạt động trong lĩnh vực khác, tôi sẽ sẵn sàng nắm lấy, dù là nhỏ nhất", chàng sinh viên năm 3 thổ lộ.
Hà Sơn hướng đến mục tiêu tự chủ về tài chính, "giàu" về cả vật chất lẫn tinh thần, có thể lo được cho gia đình một cách chu toàn nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.