Từ cháy rừng Amazon đến cháy rừng Việt Nam: Những mối nguy hiện hữu

Tố Loan (thực hiện) Thứ năm, ngày 29/08/2019 06:15 AM (GMT+7)
Cháy rừng Amazon - chỉ cần gõ từ khóa đó Google sẽ cho ra 38,3 triệu kết quả trong vòng 0,36 giây, đủ để biết mức độ quan tâm của thế giới đến vấn đề này. G7 cũng nóng lên vì vụ cháy Amazon. Thế còn ở Việt Nam - nơi mà năm nào cháy rừng cũng nhức nhối, câu chuyện từ Amazon là lời cảnh báo những mối nguy hiện hữu ở Việt Nam Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với GS - TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

img

GS - TSKH Nguyễn Ngọc Lung.

Thưa ông, người ta ví cháy rừng Amazon giống như vũ khí hủy diệt hàng loạt, dưới góc nhìn của một chuyên gia lâm nghiệp, ông đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ cháy rừng trên như thế nào?

- Muốn đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ cháy rừng này thì cần phải hiểu rõ vai trò của rừng Amazon với môi trường sống của thế giới. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, Amazon là khu rừng mà cả thế giới quan tâm. Vì sao? Vì nó là rừng có trữ lượng gỗ lớn, nếu ở các khu rừng nguyên sinh khác, trữ lượng gỗ trên 1ha chỉ vài chục tấn thì ở Amazon lên tới 500 - 1.000 tấn. Thứ 2, vì Amazon là nơi sản sinh ra cung cấp 20% khí ôxy cho Trái đất, là ngôi nhà của 10% đa dạng sinh học trên thế giới.

img

Hình ảnh kinh hoàng về vụ hỏa hoạn tại rừng Amazon. Ảnh: I.T

Rừng Amazon cháy đồng nghĩa với việc một lượng lớn khí carbon đi vào khí quyển thay vì khí ôxy nuôi sống con người. Chưa hết, Amazon còn đang cất giấu khoảng nguồn dược liệu quý hiếm để sản xuất ra hơn 120 loại thuốc có thành phần chiết xuất thực vật và khoảng 70% các loài thực vật được xác định có thành phần chống ung thư… Người ta cho rằng, công thức cho một loại thuốc điều trị ung thư đang nằm đâu đó trong cánh rừng Amazon.

Vì tất cả những lý do trên, cháy rừng Amazon trở thành thảm họa theo đúng nghĩa đen của từ này.

Từ những thông tin trên có thể thấy, cháy rừng Amazon sẽ ảnh hưởng rất lớn tới biến đổi khí hậu đúng không thưa ông?

- Đó là điều tất nhiên, mất rừng, cây sẽ không giữ được nước, dòng chảy của các con sông sẽ thay đổi, tình trạng hạn hán sẽ xảy ra nhiều hơn - nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó là sự thật. Amazon đã phải trải qua nhiều đợt hạn hán trong năm 2005 hay 2010. Tình trạng hạn hán càng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, hậu quả như chúng ta có thể thấy hiện tại.

Cũng có thể xảy ra các cơn mưa trái mùa, đến một cách bất ngờ và không tuân theo sự vận động của tự nhiên, dẫn đến tình trạng ngập lụt có thể xảy ra nghiêm trọng. Khi không có những tầng lá, nước mưa sẽ rơi xuống đất nhanh hơn dẫn đến tình trạng xói mòn, sạt lở nghiêm trọng.

img

Một số người tình nguyện chữa cháy rừng ở Bolivia.  Ảnh:  AFP

Lý do tiếp theo, đó là mỗi năm trung bình rừng Amazon hấp thụ 2,2 tỷ tấn CO2 - cao hơn rất nhiều so với lượng khí CO2 rừng Amazon thải ra (những cây chết thải ra khoảng 1,9 tỷ tấn CO2 mỗi năm). Nếu không có Amazon, lượng CO2  trong khu vực sẽ tăng cao, gây nên những biến đổi khí hậu nghiêm trọng và vô số hậu quả cho người dân tại Nam Mỹ và toàn thế giới.

Nhìn từ vụ cháy rừng Amazon, theo ông đâu sẽ là bài học và kinh nghiệm cho Việt Nam trong phòng chống và chữa cháy rừng?

- Cháy rừng Amazon là bài học lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Ở Việt Nam chỉ tính từ đầu mùa hè năm 2019 đến nay chúng ta đã trải qua 4 vụ cháy lớn, đó là cháy rừng ở Điện Biên khiến chúng ta phải huy động hàng trăm người dập lửa trong đêm; Cháy gần 5.000m2 rừng trên bán đảo Sơ Trà (Đà Nẵng); cháy rừng cùng lúc 4 nơi ở Thừa Thiên - Huế; Cháy rừng ở Hà Tĩnh uy hiếp đường dây cao thế 5.000kV.

Theo tôi giải pháp hữu hiệu nhất chính là phòng chống, chứ khi đã xảy ra rồi thì chẳng còn giải pháp nào nữa. Thế thì phòng chống như thế nào cho hiệu quả… Khi xảy ra cháy rừng việc đầu tiên cần làm, đó là chúng ta cứu các sinh vật, con người, tài sản ra khỏi vùng cháy và vùng có nguy cơ cháy cao; đây là ưu tiên tối thượng, sau đó tùy vào diện tích, mức độ nghiêm trọng của vụ cháy mà có hướng xử lý phù hợp.

Hầu hết các vụ cháy rừng đều khó dập tắt, với một diện tích quá lớn như Amazon lại càng khó hơn. Người ta vẫn đưa khẩu hiệu phòng chống là chính, bởi ở bất cứ đâu khi đã xảy ra cháy rừng, tất cả chỉ còn tro tàn. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là công tác chữa cháy rừng là phụ, mà nó rất quan trọng.

Thông thường khi trồng rừng người ta đã phải tính ngay đến phương án chữa cháy nếu xảy ra hỏa hoạn, đó là lập đường băng cản lửa. Có 2 loại đường băng, đường băng trắng là khu đất trống rộng từ 5-10m, không trồng cây; loại thứ 2 là đường băng xanh, có thể trồng 1 số loại cây khó cháy hơn.

Việt Nam đã tham gia Hiệp định chống khói mù xuyên biên giới ASEAN (AATHP) sử dụng nhiều nguồn lực và phối hợp với nỗ lực chung của khu vực để đối phó với cháy rừng, qua đó ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, đây chính là cơ sở để các quốc gia cùng nhau hợp tác, chung tay bảo vệ môi trường của khu vực.

Xin cảm ơn ông!

img

“Vụ cháy rừng Amazon hiện nay chính là một hồi chuông gay gắt cho một vấn đề thực ra đã xảy ra qua nhiều thập kỷ ở khu vực này: Mất rừng. Các nhà khoa học từ lâu đã lên tiếng cảnh báo về việc hàng năm, rừng Amazon lại mất đi một diện tích khổng lồ, khiến khu vực này đang dần biến từ rừng rậm nhiệt đới thành các trảng cỏ khô, gây mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng và tác động trực tiếp lên ngưỡng cân bằng ôxy của Trái đất. Rừng rậm nhiệt đới này đang tạo ra 20% lượng ôxy và là vùng hấp thụ lượng carbon do loài người thải ra từ các hoạt động công nghiệp và giao thông của mình. Tuy nhiên, hoạt động phá rừng, đốt rừng có thể biến Amazon thành nguồn xả carbon hơn là nguồn tạo ôxy cho hành tinh này”.

GS Phùng Tửu Bôi - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng (Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam)

img

“Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng gây cháy rừng, bị xử phạt theo quy định tại Điều 17, Nghị định 35/2019/NĐ-CP. Tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra sẽ bị áp dụng mức xử phạt tương ứng. Mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Bên cạnh đó còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng. Nếu hành vi vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”. 

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo -  Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An

(Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Nguyễn Tố (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem