Tự cung ứng được 20-70%, 1.327 chuỗi thực phẩm an toàn, Hà Nội cam kết không thiếu thực phẩm dịp Tết
Tự cung ứng được 20-70%, 1.327 chuỗi thực phẩm an toàn, Hà Nội cam kết không thiếu thực phẩm dịp Tết
Minh Ngọc
Thứ ba, ngày 07/01/2025 16:07 PM (GMT+7)
Hà Nội có khả năng tự sản xuất, cung ứng khoảng 20-70% thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt và các nông sản, thực phẩm khác. Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng và kết nối với 1.327 chuỗi thực phẩm an toàn ở 43 tỉnh, thành phố để đảm bảo đủ cung ứng thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Sáng 7/1, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Hà Nội về kiểm tra nguồn cung nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tham gia đoàn có lãnh đạo các Cục: Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường, Chăn nuôi, Thú y, Trồng trọt, Bảo vệ thực vật; Đại diện Cục Thủy sản, Thanh tra Bộ.
Hà Nội cam kết không lo thiếu thực phẩm dịp Tết
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, năm 2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã làm nhiều diện tích cây trồng của Hà Nội bị gãy, đổ, ngập úng; gia súc, gia cầm bị chết. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân, tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 trên địa bàn thành phố tăng 2,52% so với năm trước. Với khả năng tự sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, Hà Nội cơ bản đáp ứng khoảng 20-70% các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt và các nông sản, thực phẩm khác.
Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị... khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu. Đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và phát triển được 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 330 chuỗi so với năm 2023. Đặc biệt, 100% các chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành phố của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương, trong đó 45% số chuỗi cung ứng sản phẩm cho thành phố Hà Nội có ít nhất 1 công đoạn được chứng nhận sản xuất theo một trong các tiêu chuẩn: VietGAP, HACCP, ISO 22000, hữu cơ...
Bên cạnh đó, các ngành: Công Thương, NNPTNT của Hà Nội đã chủ động ký kết, tổ chức nhiều hội chợ, gian hàng, nhằm giới thiệu nông sản các tỉnh, thành phố tới người dân Thủ đô. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, gồm: 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn để phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Hà Nội đã ban hành Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; Kế hoạch Đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025.
Hiện, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo nguồn cung tại chỗ và kết nối, khai thác nguồn cung hàng hóa nông lâm thủy sản từ 1.327 chuỗi của các tỉnh, thành phố theo Chương trình phối hợp giữa Bộ NNPTNT và UBND thành phố Hà Nội về “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021 - 2025”.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo ngành Công Thương ban hành Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, trong đó dự báo khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yêu cần chuẩn bị. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện dự trữ lượng hàng hóa để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng Thủ đô.
Tại hội nghị, các đơn vị của Bộ NNPTNT đánh giá cao công tác chuẩn bị nguồn cung nông, lâm, thủy sản của Hà Nội. Trong đó, chăn nuôi của Hà Nội phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Đối với rau vụ đông của Hà Nội, hiện có khoảng 33.000ha, tăng 4.000ha so với cùng kỳ năm trước, nên nguồn cung rau cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ dồi dào...
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nông nghiệp phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, phát triển nông nghiệp của Hà Nội cần mang tính đặc thù riêng, tạo ra những đặc sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho người tiêu dùng Thủ đô. Đối với chăn nuôi bò, trâu, lợn gà chú trọng vào trang trại tập trung theo hướng công nghệ cao; phát triển con giống.
Trong trồng trọt, cây lúa thu gọn diện tích, chỉ sản xuất lúa dinh dưỡng, quy hoạch thành vùng quy mô lớn và kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, phát triển du lịch nông nghiệp. Đối với lâm nghiệp, Hà Nội đang rà soát, phát triển kinh tế dưới tán rừng. Cùng với đó, xây dựng chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm; thúc đẩy thu mua chế biến sâu để phục vụ cho thị trường Thủ đô và hướng tới xuất khẩu.
Nhằm bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, thành phố đã chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp với các địa phương phát triển sản xuất nông sản, thực phẩm nông, lâm, thủy sản; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phòng, chống lụt bão, thiên tai, chủ động nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng thành phố. Tăng cường công tác phối hợp trong lĩnh vực kết nối sản xuất, tiêu thụ, xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở NNPTNT và các sở ngành tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên đoàn kiểm tra của Bộ NNPTNT. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kết nối, xúc tiến tiêu thụ và kiểm soát tốt chất lượng, đảm bảo không để thiếu nông sản, thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao Hà Nội đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Trung ương, Bộ NNPTNT về bảo đảm nguồn cung thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đặc biệt, thành phố đã có đánh giá chi tiết, kế hoạch cụ thể nhằm chủ động dự trữ hàng hoá phục vụ dịp Tết cho người dân.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị UBND thành phố tiếp tục phối hợp với Bộ NNPTNT thực hiện tốt Chương trình phối hợp về “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021 - 2025”. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, để không chỉ đảm bảo nguồn cung và chất lượng nông sản thực phẩm dịp Tết mà còn trong suốt cả năm 2025.
Sáng cùng ngày, trước khi làm việc với UBND thành phố Hà Nội, đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã đi kiểm tra tình hình giết mổ gia cầm, chế biến sản phẩm từ thịt tại Nhà máy chế biến sản phẩm thịt Hà Nội – Chi nhánh Công ty Cổ phần CP Việt Nam (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Đại diện doanh nghiệp cho biết, nhà máy có thể cung cấp khoảng 140 tấn thịt gà và giết mổ 1.500 con lợn/ngày để cung ứng cho thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc.
Chiều, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra về đáp ứng nguồn cung thực phẩm tại siêu thị Mega market Thăng Long và HTX nông nghiệp Tiền Lệ - Hoài Đức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.