Tứ đại mỹ nhân là cụm từ dùng để tả 4 người đẹp nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, gồm Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi. Sắc đẹp của họ được mô tả qua 4 cụm ngữ tu từ nổi tiếng để tả mỹ nhân, theo thứ tự là "Trầm ngư"; (Cá lặn xuống sông); "Lạc nhạn" (chim nhạn sa xuống đất); "Bế nguyệt"(mặt Trăng phải giấu mình) và "Tu hoa" (khiến hoa phải xấu hổ).
Trong lịch sử Trung Quốc và nhiều sách viết lại (có thể là hư cấu) đều nói về 4 người đẹp nghiêng nước nghiêng thành, làm khuynh đảo triều cương và có những kết cục số phận khác nhau.
Tây Thi - sắc đẹp trầm ngư
Tây Thi, tên là Thi Di Quang, là con một người kiếm củi. Nàng dệt vải ở núi Trữ La, thuộc nước Việt thời Xuân Thu. Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, nàng Thi là người ở thôn Tây, vậy nên gọi là Tây Thi.
Tây Thi trên phim
Người ta truyền tai nhau, Tây Thi đẹp đến nỗi, ngay cả khi nàng nhăn mặt cũng khiến người ta mê hồn. Khi nàng đi hái củi ở ngọn núi gần làng, những con chim ưng bay trên trời nhìn thấy Tây Thi quên mất cả vỗ cánh nên rơi xuống đất. Khi nàng giặt áo bên bờ sông, bóng nàng soi trên mặt nước sông trong suốt làm nàng thêm xinh đẹp. Cá nhìn thấy nàng, say mê đến quên bơi, dần lặn xuống đáy sông.
Từ đó, người trong vùng xưng tụng nàng là "Tây Thi Trầm Ngư". Mắt nàng trong suốt, mày nàng phương phi, miệng chúm chím.
Câu Tiễn chính là vua của nước Việt thời Xuân Thu chiến quốc, do không nghe lời can ngăn của tướng tài Phạm Lãi và Văn Chủng, mang quân đánh nước Ngô nên bị vua Ngô Phù Sai đánh cho tơi tả, mất nước và bị bắt làm nô lệ. Trước khi Câu Tiễn bị làm nô lệ cho nước Ngô, Văn Chủng đã hiến kế cho ông dùng ‘mỹ nhân kế’ – hiến người đẹp cho Phù Sai để làm gian tế. Trong đó có hai sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành đó là Tây Thi và Trịnh Đán (Sau này được gọi là Đông Thi).
Khi này, Tây Thi và Phạm Lãi đã là vợ chồng trên danh nghĩa. Tuy là chưa động phòng hoa chúc nhưng họ đã có lời thề hẹn kết phu thê. Vì thế, khi nghe Văn Chủng nói muốn hiến Tây Thi cho Phù Sai, vì chỉ có nàng mới đủ làm vị vua kia rung động, lơ là chính sự thì Phạm Lãi bực tức lắm, nhất định không chịu. Tây Thi thật sự rất yêu Phạm Lãi, hai người có tình cảm sâu đậm tưởng như không có gì chia lìa. Vì thế, hiến vợ mình cho người khác là điều không thể đối với vị tướng quân nổi tiếng anh hùng này.
Nhưng vì nước, Tây Thi chấp nhận làm gián điệp để khiến Phù Sai phải si mê mình. Ban đầu, nghe lời Câu Tiễn và Phạm Lãi, Tây thì dùng mọi cách để khiến Phù Sai yêu mình, lơ là chính sự. Nhưng, sau này, vì Phạm Lãi nhiều lần bức ép Tây Thi làm việc xấu, hại người, lại còn gây ra chuyện lỗi lầm khiến nàng thất vọng, cùng với tình cảm chân thành của Phù Sai nên Tây Thi đã si mê ông thật. Lòng tốt của Phù Sai đã chinh phục được trái tim người đẹp và chiếm lĩnh được nàng.
Ảnh minh họa Tây Thi
Nhưng, vì tấm lòng nhân hậu nên Tây Thi vẫn xin Phù Sai thả Phạm Lãi và Câu Tiễn về nước mà không hay, họ đang nung nấu ý định trả thù, đã âm mưu rèn binh luyện khí mà Phù Sai không hề hay biết. Chính Tây Thi cũng bị Câu Tiễn lừa.
Phù Sai thua trận nhưng không quên nhắn nhủ với Phạm Lãi, hãy chăm sóc Tây Thi. Tây Thì vì thất vọng trước âm mưu của Phạm Lãi và câu Tiễn, cũng bị Câu Tiễn có ý định chiếm đoạt nên đã quyên sinh để trọn vẹn nghĩa tình với người đàn ông mà nàng yêu. Đây là một kết thúc bi thảm nhưng chính minh được tấm lòng chân thành của Tây Thi dành cho Phù Sai.
Trên thực tế, về kết cục của Tây Thi, trong lịch sử tồn tại nhiều cách nói khác nhau. Kết cục vừa kể ở trên thực tế xuất phát từ bài thơ “Việt tuyệt thư” của nhà thơ đời Đường, Tống Chi Vấn và vở tạp kịch “Cán sa ký” của Lương Chấn Ngư thời nhà Tống.
Cũng có một thuyết khác nói rằng, sau khi cuộc chiến tranh Ngô Việt kết thúc, Tây Thi đã trở về quê cũ ở suối Nhã Na dưới chân núi Trữ La, sống những ngày tháng còn lại của cuộc đời một cách hạnh phúc. Tuy nhiên, những giả thuyết này không hề tìm thấy những căn cứ xác thực trong sử sách. Có lẽ, nó chỉ là mong ước mang tính nhân văn của các nhà văn, nhà thơ đời sau, những con người vốn mang một trái tim nhạy cảm.
Một thuyết khác, “hiện thực” hơn, nói rằng, Tây Thi đã bị dìm ở dưới nước đến chết. Trong sách “Hắc tử” có đoạn chép: “Cái chết của Bỉ Can, gọi là chống đối vậy; Cái chết Mạnh Bôn gọi là dũng vậy; Cái chết của Tây Thi gọi là đẹp vậy,…”.
Cuốn sách này được viết vào thời Chiến Quốc, cách thời đại của Tây Thi không xa, những nhân vật được nhắc đến trong sách, từ Bỉ Can, Ngô Khởi đều có thật. Vì vậy, nếu như nhân vật Tây Thi được nhắc tới ở đây chính là nhân vật Tây Thi mà chúng ta đang nhắc tới thì việc Tây Thi bị dìm ở dưới nước mà chết là có thực.
Ngoài ra, trong sách “Ngô Việt Xuân thu” cũng có đoạn chép: “Nước Ngô bị diệt, Tây Thi bị giết”. Sách “Ngô Việt Xuâ Thu dật biên” cũng ghi rõ: “Sau khi nước Ngô bị tiêu diệt, người Việt kéo Tây Thi ra sông, cho vào bao rồi ném xuống nước cho chết”. Trong cùng thời kỳ này, Ngũ Tử Tư cũng bị bỏ vào bao rồi ném xuống sông Tiền Đường để giết chết. Theo những truyền thuyết dân gian, hiện tượng nước triều sông Tiền Đường nổi danh ở Trung Quốc là do nỗi oán hận của linh hồn Ngũ Tử Tư dưới dòng sông mà tạo thành.
Trong cả ba giả thuyết nêu trên thì giả thuyết cuối cùng được người ta cho là gần với sự thực hơn cả. Bởi lẽ, nếu như Tây Thi thực sự tồn tại thì cô cũng chỉ là một mỹ nhân bị những người đàn ông sử dụng trong các cuộc tranh giành chính trị của mình. Vì vậy, việc Tây Thi bị giết sau khi đại nghiệp tiêu diệt nước Ngô hoàn thành âu cũng là lẽ thường tình. Việc Phạm Lãi bỏ chốn và Văn Chủng bị Câu Tiễn giết đã chưng minh rất rõ điều này.
An Yên (Khoevadep)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.