Từ đứa trẻ bị hắt hủi tới mỹ nhân khiến đại gia nghiêng ngả

Thứ tư, ngày 28/11/2018 13:09 PM (GMT+7)
Sài Gòn những năm 1925 – 1945, không ai là không biết đến Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương và Lucie B. Trong đó, cô Ba Trà là người phụ nữ được đánh giá cao nhất với vẻ đẹp nức tiếng có khả năng đốn ngã hàng loạt đại gia bậc nhất Sài Thành.
Bình luận 0

Tuổi thơ cơ cực, bị gả bán khi mới 14 tuổi

Nếu Hà thành xưa có tứ đại mỹ nhân là cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột cờ, cô Nga Hàng Gai hay cô Bính Hàng Đẫy thì ở Sài Gòn những năm 1925 – 1945, không ai là không biết đến Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương và Lucie B. Trong đó, cô Ba Trà là người phụ nữ được đánh giá cao nhất với vẻ đẹp nức tiếng có khả năng đốn ngã hàng loạt đại gia bậc nhất Sài Thành.

Cô Ba Trà tên thật là Trần Ngọc Trà, sinh năm 1906 tại một làng quê nghèo Cần Đước (Long An). Ít ai biết được rằng, người đàn bà đẹp khiến giới thượng lưu Sài Gòn chao đảo với cái danh Étoile de Saigon (tạm dịch: ngôi sao Sài Gòn) ấy lại có tuổi thơ cơ cực đến thế.

Ba Trà vốn là con gái của một gia đình điền chủ khá giả ở Chợ Lớn (Tân An sau này). Song những tháng ngày êm ấm chỉ kéo dài đến khi cô 5 tuổi. Cha cô vì nghe lời thiên hạ đồn thổi mẹ cô ngoại tình nên đã uất ức mà chết. Trước cái chết đau lòng của con trai, bà nội cô cũng đột ngột qua đời.

img

Nhan sắc của cô ba Trà, người được mệnh danh Étoile de Saigon.

Gia đình nhà nội của cô bấy giờ cho rằng hai mẹ con cô chính là nguyên nhân gây ra những chuyện đau lòng kia nên đã ruồng rẫy, đuổi mẹ con cô ra khỏi nhà. Cô Ba Trà bị gửi lên Sài Gòn làm thuê nghề gánh nước mướn hay gọi là "Mari phong-tên" (cô gái đi gánh nước mướn ở các phong - tên cấp nước công cộng trên các hè phố Sài Gòn).

Thế nhưng, cuộc đời cô không gắn với kiếp làm thuê mướn lâu mà sớm vướng vào một bi kịch khác. Khi mới ở tuổi vị thành niên, 14 tuổi cô đã bị mẹ ép gả cho một lão bác sĩ Tây tuổi già hơn cô gấp 3 lần. Cuộc hôn nhân nhanh chóng đổ vỡ khi ông quay lại Pháp, để lại cô với chỉ vài chục đồng bạc thời bấy giờ.

Chính bi kịch bị bán đời con gái ấy đã khiến cô Ba Trà sớm trổ mã con gái, thành thiếu nữ vô cùng xinh đẹp. Một lần nữa, cô lên xe hoa với vị công tử nhà giàu đất Phan Rang song cuộc hôn nhân cũng chỉ kéo dài được 2 năm khi chồng cô quá trăng hoa.

Cô kết thân với bác sĩ Trần Ngọc Án và trở thành phu nhân của ông khi 18 tuổi. Dẫu vậy lần lên xe hoa này cũng gặp phải cái kết giống 2 mối tình trước.

Nhan sắc đỉnh cao khiến giới đại gia khuynh đảo

Với sự dẫn dắt của một người phụ nữ sành sỏi, cô Ba Trà kết thân với giới ăn chơi thượng lưu Sài Gòn rồi sớm lao vào cuộc sống tự do phóng khoáng. Cái tên của cô nhanh chóng được nhắc đến mỗi đêm ở các vũ trường. Tiếng tăm của cô lan truyền đến tai những tay nhà giàu ăn chơi khét tiếng dẫu là gái đã 3 đời chồng.

img

Cô Ba Trà chụp cùng Hắc công tử Trần Trinh Huy (tức công tử Bạc Liêu).

Chỉ trong một thời gian ngắn, cô Ba Trà nổi lên như là một hoa khôi với vẻ đẹp khiến giới công tử, trọc phú Sài Gòn thuở ấy phải ngơ ngẩn. Các vị công tử quyền thế bậc nhất như Hắc công tử (Trần Trinh Huy), Bạch công tử (Lê Công Phước), công tử Bích hay tay trùm cờ bạc Sáu Ngọ vốn nổi tiếng mê trò đỏ đen hơn ái tình cũng không thoát khỏi tay cô.

Cố học giả Vương Hồng Sển, một người sống cùng thời với cô Ba Trà đã viết trong cuốn "Sài Gòn tả pí lù" rằng: "Những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp…

Cô Ba Trà, đệ nhất Huê khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc."

Theo thống kê của những người hiểu về Ba Trà, thời ấy cùng lúc Ba Trà có đến cả hơn chục người đàn ông ở dưới tay mình. Người nào cũng giàu có và sẵn sàng cung phụng cho cô tiền ăn chơi thỏa thích. Thậm chí, công tử Bích còn không ngần ngại chi tới 70.000 đồng (tương đương hơn 1.000 lượng vàng) tặng người đẹp.

Mỹ nhân này có một thú tiêu khiển đó là mê hột xoàn (kim cương). Mỗi lần vua cờ bạc Sáu Ngọ hay Hắc bạch công tử dẫn cô Ba Trà lên lầu của thương xá Tax (góc Nguyễn Huệ và Lê Lợi ngày nay) hoặc tới cửa hiệu Alphana Kim Thịnh, cô chỉ dây kim cương nào các đại gia sẽ đều đồng ý mua không thắc mắc.

Có giai thoại kể lại rằng, để lấy lòng người đẹp, công tử Bạc Liêu và Bạch công tử đã tổ chức cuộc thi nấu trứng (hoặc chè) bằng tiền giấy. Theo tính toán, để nấu sôi được nồi chè có một kg đậu xanh, trong thời gian gần một giờ, mỗi công tử đã đốt gần 100 tờ giấy bạc. Nếu Hắc công tử đã đốt toàn giấy 50 đồng trở lên, thì chí ít ông cũng phải đốt 5.000 đồng Đông Dương. Số tiền có thể mua được 3.000 giạ lúa lúc đó. Cuộc thi diễn ra trong sự quan sát của rất nhiều người. Cuối cùng, nồi chè của Bạch công tử sôi trước, công tử Bạc Liêu đành thua cuộc.

img

Hắc công tử và Bạch công tử, những đại gia từng một thời mê đắm nhan sắc của cô Ba Trà.

Được đàn ông nuông chiều, vung tiền không tiếc là vậy nhưng cô Ba Trà lại vướng vào con đường nghiện ngập với nàng tiên nâu, tức á phiện. Cô còn nổi tiếng bởi việc dùng bùa ngải ở tận bên Xiêm khiến đàn ông mê đắm đến mất đi lý trí, sẵn sàng chu cấp bất cứ gì cô muốn.

Cố học giả Vương Hồng Sển đã xác nhận việc được cô Ba Trà thuật lại chuyện ly kỳ quanh những chuyến đi thỉnh bùa ngải. "Muốn thỉnh được bùa mê ngải yêu thì phải tìm đúng được thầy mà phải là thầy Xiêm và nhờ họ giúp cho mình chuộc ngải bằng cách ngậm ngải vào thân thể theo hình thức:

Đích thân Ba Trà đã khoe thân trong một phòng riêng với lão thầy ngải để vừa nghe lão đọc thần chú vừa để cho lão xông hương, mà hương ấy chính là ngải đốt lên để cho hương thấm vào da thịt. Phải làm lặp đi lặp lại cả chục lần như vậy trong suốt quá trình thỉnh ngải, để rồi sau đó khi được thầy cho là đã đạt yêu cầu, tức là ngải đã nhập vào người thì đem nó về áp dụng theo ý muốn".

Chính cô Ba Trà cũng thừa nhận, việc cho ngải nhập vào thân thể như vậy khiến bất cứ người đàn ông nào một khi đã ôm ấp cô, sẽ biến thành những con cừu non, say đắm sắc đẹp của cô.

Từng khiến biết bao đại gia say đắm không tiếc vung tiền nhưng nhan sắc cô Ba Trà dần phai nhạt theo thời gian và hậu quả của thời ăn chơi trác tán ngập chìm trong thuốc phiện. Về đoạn cuối cuộc đời cô Ba Trà, cố học giả Vương Hồng Sển có viết: “Mấy năm sau, tôi gặp Ba Lưu, một bạn cố tri quen nhau từ Sóc Trăng, cho tôi hay: “Trà đã mất từ lâu. Chết trong tăm tối. Đạm Tiên có khác”.

Bảo Anh (Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem