Bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động mạnh trên biển từ tháng 7. Ảnh TPO.
Mới đây, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.
Nhận định về tình hình bão trong 6 tháng cuối năm, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho hay, từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 8-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, hoạt động chủ yếu ở khu vực Bắc Biển Đông.
Trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta (trung bình nhiều năm phổ biến 5-6 cơn). Bão sẽ mạnh hơn vào cuối mùa. Dịp cuối năm, ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới đến khu vực vùng biển phía Nam sẽ không nhiều và mạnh như năm 2017.
Riêng 7/2018, nhiều khả năng sẽ xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta tập trung trong thời kỳ giữa đến cuối tháng.
Ngoài ra, ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng khoảng 2-3 đợt nắng nóng nữa. Nắng nóng sẽ xảy ra tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ nhưng sẽ không kéo dài và không gay gắt.
Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo, tháng 7 là thời điểm chính mùa mưa ở khu vực Bắc Bộ, do vậy các đợt mưa lớn nhiều khả năng sẽ xuất hiện và có nguy cơ cao gây ra lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu thuộc vùng núi phía bắc.
Khu vực Trung Bộ, tuy chưa bước vào thời kỳ mùa mưa nhưng khu vực cũng có khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa diện rộng tập trung vào thời kỳ giữa tháng.
Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa Tây Nam có khả năng hoạt động ổn định và có cường độ trung bình đến mạnh sẽ gây nhiều ngày mưa trên khu vực.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm nay (11/7), một dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp nằm ở ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa.
Trong khoảng ngày 12-13/7, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục hoạt động mạnh, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển hướng về phía Vịnh Bắc Bộ.
Chưa thể khẳng định được vùng áp thấp này có mạnh lên thành bão hay không nhưng nó đã gây mưa dông, biển động mạnh cho vùng Bắc Biển Đông; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
|
Những loại hình thiên tai liên tiếp xảy ra cả trên đất liền và trên biển khiến người dân hoang mang và lo lắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.